START mới - Hiệp ước lịch sử
Với sự đồng thuận của đa số thượng nghị sĩ, Thượng viện Mỹ ngày 22/12/2010 đã bỏ phiếu kết thúc quá trình thảo luận về Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa Nga và Mỹ
Như vậy là rào cản thủ tục cuối cùng để phê chuẩn Hiệp ước đã được gỡ bỏ, mở ra chương mới trong lịch sử giải trừ vũ khí hạt nhân.
START - hay còn gọi là START mới được hai Tổng thống Nga và Mỹ ký tại thủ đô Prague (Cộng hòa Czech) tháng 4/2010, để thay thế START-I ký năm 1991 và hết hiệu lực từ năm 2009. Văn bản này chỉ có hiệu lực khi Thượng viện Mỹ và Duma quốc gia Nga bỏ phiếu phê chuẩn.
Tại Mỹ, để Hiệp ước này được phê chuẩn, cần ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ trong Thượng viện, tương đương 67/100 phiếu, trong đó cần ít nhất 9 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu thuận.
Gần hai tháng qua, Tổng thống B.Obama liên tục nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn đối với an ninh của chính Mỹ để yêu cầu Quốc hội thông qua văn bản Hiệp ước này, nhưng một số Thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa phản đối, với lý do Mỹ còn nhiều vấn đề phải quan tâm hơn, như giảm thuế, giảm chi tiêu công… Theo các nhà phân tích, thực chất đây là một động thái chính trị nhằm phủ nhận những kết quả an ninh đối ngoại của chính quyền Tổng thống Obama.
Việc START mới được thông qua có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một cột mốc trong tiến trình giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân trên thế giới và đây là Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với số lượng đáng kể đầu tiên, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. |
Đây là một quyết định đúng đắn, đáp ứng lợi ích của cả hai nước, nhân tố quan trọng giữ gìn hòa bình an ninh thế giới. Thực tế, Nga và Mỹ đang là hai quốc gia sở hữu một số lượng lớn vũ khí hạt nhân. Khi START mới được phê chuẩn, Nga và Mỹ, mỗi nước chỉ được sở hữu hơn 1.500 đầu đạn hạt nhân, giảm khoảng 30% so với giới hạn cũ được thiết lập 8 năm trước đây.
Hiệp ước này còn cho phép mỗi bên có quyền thanh sát kho vũ khí của bên kia để xác định số vũ khí hạt nhân. Vì thế, việc START mới được thông qua có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một cột mốc trong tiến trình giải trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân trên thế giới và đây là Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân với số lượng đáng kể đầu tiên, kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Đối với Nga và Mỹ, START mới tạo niềm tin trong quan hệ hai nước, mở đường cho tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân với số lượng lớn hơn trong tương lai và cho thấy hai quốc gia này thực thi nghiêm túc Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Nó cũng sẽ tạo sự đồng thuận trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân ở Iran và trên bán đảo Triều Tiên.
Bởi thế, việc START mới được phê chuẩn được đánh giá là một trong những sự kiện tốt đẹp, có ý nghĩa lịch sử trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân, để thế giới bước vào năm mới 2011 với niềm tin về một nền hòa bình, ổn định bền vững cho tất cả các dân tộc trên hành tinh của chúng ta./.