Thế giới 7 ngày:
Sự can dự của nước ngoài vào Syria đã đến mức nguy hiểm?
Chủ Nhật, 18:32, 05/05/2013
(VOV) - Việc Israel liên tục không kích Syria trong những ngày qua có thể là sự mở màn cho sự can dự của nước ngoài vào quốc gia này.
Hãng thông tấn SANA của Syria cho biết, sáng 5/5, Israel tiếp tục không kích một Trung tâm nghiên cứu gần thủ đô Damascus. Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần thứ 2 Israel không kích vào các mục tiêu tại Syria trong 3 ngày qua, báo hiệu sự can dự sâu hơn của Israel vào cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria, cũng như mở màn cho các hoạt động quân sự nước ngoài đầu tiên tại quốc gia Trung Đông này.
Theo SANA, vụ nổ xảy ra tại trung tâm nghiên cứu Jamraya gần thủ đô Damascus gây một số thiệt hại. Trước đó, một quan chức Israel giấu tên xác nhận nước này đã tiến hành vụ tấn công Syria hôm 3/5, nhằm vào một chuyến hàng vận chuyển tên lửa cho nhóm vũ trang Hezbollah ở Lebanon. Phản ứng trước vụ không kích của Israel, kênh truyền hình nhà nước Syria nêu rõ: "Chính sách khủng bố do Israel thực hiện trong vụ không kích trung tâm nghiên cứu khoa học là nỗ lực tuyệt vọng nhằm giảm nhẹ sức ép cho các nhóm vũ trang bị đập tan với những đón giáng mạnh của quân đội Syria". Trong ảnh: Bầu trời được thắp sáng sau khi xảy ra vụ nổ tại một Trung tâm nghiên cứu quân sự ở Damascus sáng sớm ngày 5/5 (Ảnh: Twitter Zaid Benjamin). |
Trước đó hôm 29/4, Thủ tướng Syria Wael al-Halqi đã thoát khỏi một âm mưu ám sát khi một quả bom phát nổ gần đoàn xe của ông tại Damascus. Đây là một trong các cuộc tấn công mới nhất nhắm vào mục tiêu là quan chức cao cấp trong chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.
AP dẫn nguồn tin từ một quan chức chính phủ Syria giấu tên nói rằng, một thiết bị nổ đã được đặt dưới chiếc xe đỗ gần khu vực đoàn xe ông al-Halqi đi qua và đã phát nổ. Theo thông tin của Nhóm hoạt động nhân quyền Syria có trụ sở tại Anh cho biết, vụ nổ đã khiến ít nhất 5 người thiệt mạng, trong đó có 2 vệ sĩ của ông al-Halqi và 1 trong số các lái xe của đoàn. Vụ đánh bom vào đoàn xe của Thủ tướng Syria có nhiều dấu hiệu cho thấy là của lực lượng Hồi giáo cực đoan chiến đấu trong hàng ngũ phiến quân, làm dấy lên quan ngại về vai trò của các phần tử cực đoan trong cuộc nội chiến của Syria. Trong ảnh: Thủ tướng Syria Wael al-Halqi (ảnh nhỏ) và hiện trường xảy ra vụ đánh bom nhằm vào đoàn xe của ông (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Ngày 3/5, 7 công nhân cuối cùng của Hàn Quốc ở Khu công nghiệp Kaesong đã trở về nước, đánh dấu sự đóng cửa hoàn toàn khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng hợp tác giữa hai miền Triều Tiên. Trước đó, CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc đã đạt được thỏa thuận thanh toán các khoản thuế và tiền công cho công nhân, cho phép 7 người Hàn Quốc cuối cùng trở về nước.
Khu công nghiệp chung Kaesong hoạt động như một phép thử đối với hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ năm 2003, khu công nghiệp này bị đóng cửa báo hiệu mối quan hệ liên Triều đang xấu đi nghiêm trọng. Trong một động thái mới nhất, đáp lại đề xuất đối thoại của Hàn Quốc, Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên sáng 5/5 ra thông báo cho biết, nếu Seoul thực sự lo ngại về tương lai của Khu công nghiệp Kaesong, nước này cần chấm dứt mọi chính sách thù địch và các cuộc tập trận mang tính kích động với Bình Nhưỡng. Trong ảnh: Đoàn xe chở những công nhân Hàn Quốc cuối cùng rời khỏi Khu công nghiệp Keasong - biểu tượng hợp tác cuối cùng giữa hai miền Triều Tiên (Ảnh: AP) |
Ngày 5/5, Cử tri Malaysia bắt đầu đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử gay cấn nhất trong lịch sử. Khoảng 13,3 triệu cử tri sẽ lựa chọn giữa Liên minh Dân tộc (BN), đảng cầm quyền liên tục kể từ khi Malaysia độc lập vào năm 1957) với một bên là Liên minh Nhân dân đối lập.
Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất cho thấy một cuộc chạy đua gay cấn giữa 2 bên. Trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri sẽ bầu ra 222 ghế tại Quốc hội và 505 ghế tại Hội đồng bang. Trong ảnh: Cử tri Malaysia đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử (Ảnh: ANN). |
Ngày 3/5, một nhóm các tay súng đã tấn công ông Saddiq Zaman Khattak, ứng cử viên đảng Quốc gia Awami (ANP) chống Taliban tại tỉnh miền Nam Karachi, làm ông này và con trai chết tại chỗ. Đây là ứng cử viên nghị sĩ Quốc hội đầu tiên bị sát hại trong các cuộc tấn công nhằm vào các đảng phái, làm ít nhất 62 người thiệt mạng kể từ giữa tháng 4 vừa qua. Những nạn nhân trước đó đều là ứng cử viên cho các cuộc bầu cử Hội đồng tỉnh. Trước đó, sáng sớm 30/4, một tay súng lạ mặt đã bắn chết một ứng cử viên bầu cử và 2 người ủng hộ tại tỉnh Balochistan, Pakistan. Đây là vụ bạo lực nhằm vào các chính trị gia, các cuộc mít tinh vận động tranh cử trước thềm cuộc tổng tuyển cử của Pakistan dự kiến vào ngày 11/5 tới.Tình hình bạo lực gia tăng tại Pakistan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell lên án các vụ bạo lực trước thềm bầu cử ở Pakistan, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không ủng hộ bất cứ ứng cử viên hay đảng phái chính trị đặc biệt nào. Trong ảnh: Hiện trường một vụ đánh bom nhằm vào các ứng cử viên cuộc bầu cử sắp tới tại Pakistan (Ảnh: AP) |
Theo các nhà chức trách Bangladesh, vẫn còn khoảng 150 người đang bị mất tích trong vụ sập tòa nhà 8 tầng ở ngoại ô thủ đô Dhaka ngày 24/4 vừa qua, do vậy số người thiệt mạng có thể tăng lên hơn 500 người.
Ngày 4/5, Nhóm điều tra của Chính phủ Bangladesh, phụ trách điều tra nguyên nhân vụ sập tòa nhà 8 tầng cho biết, nguyên nhân dẫn đến thảm họa này có thể là do 4 máy phát điện bên trong tòa nhà. Theo đó, việc các máy phát điện trên, được sử dụng sau khi tòa nhà bị cắt điện, đã gây ra rung lắc của tòa nhà, cộng với hàng nghìn máy khâu hoạt động cùng lúc đã khiến tòa nhà bị sập. Trong một diễn biến mới nhất, ngày 4/5, Chính phủ Bangladesh kêu gọi EU không áp dụng những biện pháp trừng phạt đối với ngành dệt may nước này sau vụ sập nhà trên. Một quan chức Bộ Thương mại Bangladesh cho rằng, nếu EU áp các điều kiện thương mại hà khắc hơn thì sẽ tác động xấu đến nền kinh tế nước này và hàng triệu lao động bị mất việc làm. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ đang đưa thi thể của các nạn nhân xấu số bị vùi lấp trong đống đổ nát của tòa nhà 8 tầng bị sập hôm 24/4 (Ảnh: Reuters) |
Ngày 2/5, Tổng thống Mỹ Obama đã có chuyến thăm Mexico - chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du một số nước Mỹ Latin và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hệ thống Hội nhập Trung Mỹ (SICA). Trong chuyến thăm, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto và Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2/5 đã ký Tuyên bố chung nhất trí tăng cường hợp tác phát triển kinh tế, an ninh công cộng, hợp tác nhà nước và giải quyết các vấn đề quốc tế. Theo các nhà phân tích, việc đang phải đối mặt với một nền kinh tế phục hồi chậm chạp và nhu cầu cấp thiết nhằm thúc đẩy kim ngạch ngoại thương mại, chính quyền của ông Obama đã xác định, các nước Mỹ Latin là "đối tác để phát triển" tại một số diễn đàn hội nhập khu vực, chẳng hạn như Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) được tổ chức tại Cartegena, Colombia năm ngoái. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự một bữa ăn tối với các nhà lãnh đạo các nước Trung Mỹ khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh SICA (Ảnh: Reuters) |
Trong chuyến công du đến Nga và một số nước Trung Đông, ngày 29/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhất trí sớm nối lại đàm phán giải quyết tranh chấp lãnh thổ, rào cản duy nhất cho việc 2 nước ký một hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Bên cạnh việc thúc đẩy Hiệp ước hòa bình, Tổng thống Putin tuyên bố sẽ tạo điều kiện để Nhật Bản tiếp cận các nguồn năng lượng của Nga với mức giá rẻ hơn, trong bối cảnh quốc gia Đông Á này đang phải chật vật bù đắp sản lượng năng lượng hạt nhân bị mất sau vụ khủng hoảng tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 hồi tháng 3/2011. Ngày 3/5, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự. Thỏa thuận này đạt được nhân chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Đây là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du kéo dài một tuần qua của ông Abe tới Nga, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, ngày 2/5, Nhật Bản đã ký thỏa thuận hợp tác hạt nhân với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất và bắt đầu thảo luận về việc thúc đẩy đàm phán một thỏa thuận hạt nhân song phương giữa Nhật Bản và Saudi Arabia. Trong ảnh: Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm Nga của ông Abe (Ảnh: Ria Novosti) |
Ngày 1/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bắt đầu chuyến thăm Thái Lan, chặng dừng chân đầu tiên trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á của ông.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Suraporn Tovichakchaikul, ông Vương Nghị bày tỏ hy vọng Trung Quốc và Thái Lan, nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, mong muốn Thái Lan là cầu nối để thúc đẩy mở rộng quan hệ với các nước ASEAN. Ngày 2/5, tân Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tới thăm Ban thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Jakarta của Indonesia và có cuộc gặp với Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh. Trong cuộc gặp, hai bên đã trao đổi quan điểm về một loạt vấn đề cùng quan tâm, trong đó tập trung vào phương thức tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Trong chuyến công du vòng quanh Đông Nam Á này, ngày 2/5, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã bất ngờ đưa ra đề xuất đàm phán với ASEAN về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc trên Biển Đông. Liệu đây có phải là một bước xuống thang mới trong vấn đề Biển Đông hay chỉ là phép thử ngoại giao của Trung Quốc trước thách thức ASEAN đang ngày càng đạt được sự đồng thuận cao về vấn đề này? Trong ảnh: Tân Ngoại trưởng Trung Quốc tại cuộc gặp với Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Ngày 30/4, Nữ hoàng Beatrix của Hà Lan đã tiến hành các nghi thức thoái vị, bàn giao chức vị lại cho con trai cả của bà là Willem-Alexander. Với việc thoái vị của Nữ hoàng Beatrix, Hoàng tử Willem-Alexander đã trở thành vị quân vương đầu tiên của Hà Lan trong hơn 120 năm qua.
Trong lời phát biểu ngắn sau khi nhận bàn giao chức vị từ Nữ hoàng Beatrix, vua Willem-Alexander cam kết sẽ trở thành một vị vua thế kỷ 21, gần gũi với 17 triệu thần dân của mình, chứ không phải chỉ là một vị vua hình thức. Trong ảnh: Vua Willem-Alexander và Hoàng hậu Maxima Zorreguieta tại lễ tuyên thệ nhậm chức Ảnh: Getty Images)
|