Sự sụp đổ của Chính quyền Ai Cập – kịch bản được dự báo
(VOV) - Sự can thiệp của quân đội để hạ bệ ông Morsi là điều tất yếu và không quá bất ngờ
Như tin đã đưa, sáng sớm 4/7 vừa qua, quân đội Ai Cập đã tuyên bố đình chỉ Hiến pháp và chỉ định Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao của nước này đảm nhiệm chức Tổng thống lâm thời của Ai Cập. Một ngày sau đó, Chánh án Tòa án Hiến pháp tối cao Ai Cập, Thẩm phán Adli Mansour đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời của Ai Cập, đánh dấu một bước ngoặt mới trong tiến trình chính trị tại đất nước Kim Tự Tháp.
Giông bão tại Ai Cập vẫn chưa chấm dứt. (ảnh: AP) |
Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hợp pháp và sự chính thống của Chính quyền mới của Ai Cập cùng sự phản kháng quyết liệt của Tổ chức Anh em Hồi giáo cũng như cá nhân Tổng thống bị truất quyền Mohamed Morsi, song đến thời điểm này có thể khẳng định chắc chắn rằng, Chính quyền của ông Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo đã sụp đổ. Câu chuyện xung quanh những biến chuyển chóng mặt trên chính trường Ai Cập, đặc biệt là nguyên nhân của sự sụp đổ quá “chóng vánh” của Chính quyền Morsi đang là chủ đề bàn luận nóng bỏng của công chúng, báo giới và giới phân tích trong và ngoài Ai Cập.
Có thể đưa ra một số lý giải về nguyên nhân “mất chính quyền” của những người Anh em Hồi giáo tại Ai Cập, như sau:
Trước hết, cần phải khẳng định rằng, sự sụp đổ của bộ máy cầm quyền tại một quốc gia có bối cảnh lịch sử đặc biệt, cơ cấu xã hội phức tạp, trình độ phát triển kinh tế khá cao cùng một vị trí địa chiến lược hết sức đặc biệt như Ai Cập, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, phức tạp, gồm cả chủ quan và khách quan. Các nguyên nhân này có sự đan xen, chồng chéo và chi phối lẫn nhau. Trên một số phương diện, việc tách bạch một cách rành mạch những nguyên nhân đó là cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, tựu chung lại có thể chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản sau:
Thiếu kinh nghiệm chính trị dẫn tới sai lầm
Được thành lập từ năm 1928, Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập bắt đầu các hoạt động chính trị từ năm 1936, nhằm chống lại sự cai trị của Anh tại Ai Cập. Tuy nhiên, kể từ khi Ai Cập giành độc lập năm 1956 cho đến trước cuộc “Cách mạng mùa xuân Arab” năm 2011, Tổ chức Anh em Hồi giáo tại Ai Cập hầu như không còn tham gia các hoạt động chính trị tại đất nước Kim Tự Tháp. Đặc biệt, dưới thời của Tổng thống Mubarak, Tổ chức Anh em Hồi giáo không chỉ bị cấm hoạt động, mà nhiều lãnh đạo và thành viên của tổ chức này còn bị cầm tù vì những hoạt động vi phạm pháp luật, trong đó có ông Morsi. Mặc dù vậy, nhiều thành viên của tổ chức vẫn cố gắng gia nhập đời sống chính trị của Ai Cập bằng việc tranh cử trong các cuộc bầu cử Quốc hội dưới danh nghĩa các ứng cử viên tự do.
Cuộc nổi dậy lật đổ chế độ Mubarak tháng 1/2011 được coi là mốc thời gian chính thức Tổ chức Anh em Hồi giáo thực sự tham gia cuộc chơi chính trị tại Ai Cập. Ít tháng sau khi chế độ Mubarak sụp đổ, ngày 6/6/2011, Đảng Tự do và Công lý của Tổ chức Anh em Hồi giáo được thành lập và ông Morsi trở thành Chủ tịch đầu tiên của Đảng này. Hơn nửa năm sau đó, trong cuộc bầu cử Quốc hội ngày 11/2/2012, Đảng Tự do và Công lý của ông Morsi đã giành chiến thắng vang dội khi chiếm tới 213/508 ghế tại Hạ viện. 4 tháng sau đó, cuộc bầu cử Tổng thống dân sự đầu tiên tại Ai Cập diễn ra và ông Morsi đã đắc cử.
Đến ngày 30/6/2012, Tổng thống Morsi tiếp quản quyền lực từ quân đội, chính thức bắt đầu cuộc chơi chính trị đầy chông gai và thách thức mà cá nhân ông cũng như Tổ chức Anh em Hồi giáo không thể lường hết được.
Như vậy, chỉ hơn 1 năm sau khi gia nhập đời sống chính trị Ai Cập, những người Anh em Hồi giáo đã có được chính quyền. Thế nhưng, bối cảnh lên ngôi quyền lực của ông Morsi và những người Anh em Hồi giáo khá đặc biệt và phức tạp. Gia sản mà những người Anh em Hồi giáo thừa hưởng sau cuộc cách mạng là những gánh nặng về kinh tế (dự trữ ngoại tệ sụt giảm nhiều 100%, tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưỡng, các nguồn thu chủ lực của nền kinh tế suy giảm mạnh, thị trường chứng khoán lao dốc thê thảm…), sự bất ổn nghiêm trọng về an ninh, sự chia rẽ và phân cực sâu sắc trong xã hội, tình trạng tham nhũng tràn lan…
Tuy nhiên, ngay khi lên nắm quyền, ông Morsi liên tiếp đưa ra những cam kết cùng lộ trình thực hiện mà nhiều người mô tả “trên mây” và “không tưởng” về các mục tiêu phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, bình ổn an ninh, hòa giải dân tộc…. Càng đáng nói hơn khi Chính quyền của những người Anh em Hồi giáo đã tiến hành hàng loạt các bước đi nhằm thâu tóm quyền lực về mình, thay vì tập trung nỗ lực thực hiện các cam kết và những lời hứa với dân chúng, những người vốn luôn đặt vấn đề cuộc sống hàng ngày với miếng cơm manh áo của mình, lên trên vấn đề chính trị.
Sự thiếu kinh nghiệm chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo và cá nhân ông Morsi được giới quan sát và phân tích đánh giá là lên tới đỉnh điểm trong bài phát biểu của ông Morsi ngày 26/6 vừa qua, thời khắc căng thẳng chính trị của Ai Cập cũng được coi là lên tới đỉnh điểm khi chỉ còn ít ngày nữa là bắt đầu chiến dịch biểu tình “triệu người” đòi ông từ chức. Trong bài phát biểu kéo dài 2 tiếng rưỡi ấy, ông Morsi đã không đưa ra được bất kỳ một sáng kiến hay đề xuất cụ thể và khả thi nào để xoa dịu căng thẳng. Thay vào đó, ông Morsi đã quá “thành khẩn” thừa nhận mình mắc “nhiều sai lầm” trong 1 năm lãnh đạo đất nước vừa qua. Trong thời khắc “nước sôi lửa bỏng” như thế, một nhà lãnh đạo vốn đang là tâm điểm phản đối của công chúng, lại tự buộc tội mình đã phạm sai lầm.
Rất nhiều nhà phân tích có cùng nhận xét rằng, trong bối cảnh đặc biệt này, dân chúng khó lòng chấp nhận việc người lãnh đạo tối cao của quốc gia phạm sai lầm. Ai cũng có thể phạm sai lầm, nhưng không thể là người đứng đầu đất nước. Thừa nhận phạm sai lầm để tìm kiếm sự thông cảm của những người đang chán ghét mình, đó mới thực sự là sai lầm lớn nhất.
Tuy nhiên, sự thiếu kinh nghiệm trong bài phát biểu của ông Morsi không chỉ dừng lại ở đó. Trong bài phát biểu này, ông Morsi đã công khai chỉ trích giới tư pháp và đặc biệt là giới truyền thông “kích động tình hình”. Rất nhiều ý kiến bình luận có chung đánh giá rằng, “chọc giận” báo chí vào thời điểm này là rất thiếu kinh nghiệm, sẽ chỉ nhận sự thua thiệt mà thôi.
Nói tóm lại, ông Morsi đã mất điểm nghiêm trọng trong bài phát biểu tổng kết 1 năm cầm quyền của mình ngay trước thời khắc quyết định. Đó chính là sự thiếu kinh nghiêm chính trị nghiêm trọng của cá nhân ông Morsi nói riêng và Tổ chức Anh em Hồi giáo nói chung.
Không được lòng dân
Như đã đề cập ở trên, trong 1 năm lãnh đạo đất nước, ông Morsi đã không thực hiện được hầu hết các mục tiêu đã cam kết, gồm cả mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh và chính trị. Bản thân ông Morsi cũng thừa nhận trong bài phát biểu ngày 26/6 vừa qua rằng, thời gian 1 năm là chưa đủ để ông hoàn thành các mục tiêu như mong đợi. Trong đó, sự thất bại về mục tiêu kinh tế được coi là yếu tố làm mất lòng dân nguy hại nhất đối với ông Morsi. Vào thời điểm mới lên cầm quyền, có những kết quả điều tra dư luận (chưa được các nguồn tin độc lập và tin cậy xác thực) nói rằng, ông Morsi nhận được sự ủng hộ lên tới 79%, một tỷ lệ ủng hộ mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng “thèm muốn”.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi sau chỉ một năm. Sau một năm điều hành đất nước, ông Morsi cùng bộ máy cầm quyền do ông dựng lên đã không thể thúc đẩy nền kinh tế phát triển như cam kết. Tỷ lệ lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp tăng mức kỷ lục trong khi chỉ số sức mạnh nền kinh tế (thị trường chứng khoán) lao dốc thê thảm và đồng tiền nội địa mất giá nghiêm trọng. Tỷ lệ đối nghèo, thất học và mù chữ gia tăng. Tâm lý bất mãn và sự thiếu lòng tin vào chính quyền cũng theo đó tăng lên. Tại thời điểm trước ngày nổ ra cuộc “Cách mạng 30/6”, một số cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Morsi chỉ còn chừng 22% đến 26%, một hệ số không hề an toàn cho bất kỳ chiếc ghế quyền lực nào. Còn Phong trào Nổi loạn thì công bố con số chữ ký đòi truất quyền ông Morsi đã thu thập được lên tới hơn 22 triệu chữ ký, nhiều gần gấp đối số phiếu ủng hộ mà ông Morsi nhận được tại vòng hai cuộc bầu cử Tổng thống cách đây 1 năm (13 triệu phiếu bầu).
Tất nhiên, tính xác thực của con số này vẫn chưa được các nguồn tin đáng tin cậy khẳng định. Nhưng nhìn vào diễn biến thực tế, trong chiến dịch biểu tình chống ông Mosri nổ ra trên toàn lãnh thổ Ai Cập vừa qua, Bộ Nội vụ và các nguồn tin chính thức của Ai Cập nói rằng, tổng số người tham gia có thể lên tới 14 triệu đến 17 triệu người. Bằng trực quan sinh động của mình, rất nhiều người Ai Cập nói rằng, số người tham gia cuộc biểu tình chống ông Morsi lớn hơn rất nhiều lần số người tham gia các cuộc biểu tình dẫn tới cuộc lật đổ ông Mubarak cách đây 2 năm rưỡi.
Còn bằng sự quan sát và cảm nhận của người trực tiếp chứng kiến chiến dịch xuống đường của người dân Ai Cập, chúng tôi cảm nhận được rằng, người Ai Cập đang rất khát khao và quyết tâm thực hiện khát vọng của mình. Rõ ràng, ông Morsi và chính quyền của Tổ chức Anh em Hồi giáo đã không giữ được “lòng dân” để có thể tiếp tục tồn tại.
“Mất lòng” những người không nên mất lòng
Xét về góc độ đấu tranh quyền lực, chính quyền Morsi bị lật đổ bởi chính các lực lượng đã từng sát cánh với Tổ chức Anh em Hồi giáo trong chiến dịch lật đổ Tổng thống Mubarak năm 2011. Có thể dễ dàng nhận ra rằng, nhiều lực lượng chính trị trong Mặt trận Cứu quốc, nòng cốt của phe đối lập, chính là các lực lượng đã đi đầu trong sự kiện 2011. Họ có công mang lại sự thay đổi để Tổ chức Anh em Hồi giáo lên ngôi quyền lực, song nhiều phe phái đã không được “trọng dụng” trong chính quyền của ông Morsi. Không khó để thấy rằng, hầu hết các vị trí trọng yếu trong bộ máy cầm quyền, đa số do người của Tổ chức Anh em Hồi giáo nắm giữ. Việc quyền lực liên tiếp bị thâu tóm vào tay Anh em Hồi giáo, đã gây tâm lý bất mãn mạnh mẽ trong nhiều phe phái chính trị tại Ai Cập. Liên minh đối lập dần dần hình thành. Các lực lượng đối lập cáo buộc rằng, ông Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phản bội lại cuộc “Cách mạng mùa xuân Arab”, nên cần phải lật đổ.
Không chỉ làm “mất lòng” chính các lực lượng từng ở cùng chiến tuyến với mình, ông Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo còn làm mất lòng nhiều giới khác, trong đó có giới Tư pháp. Với quyết tâm xây dựng chính quyền mới không có sự tham gia của các nhân vật chế độ cũ, Tổng thống Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo liên tiếp tiến hành nhiều động thái nhằm vào bộ máy Tư pháp, cơ quan công quyền duy nhất tại Ai Cập được coi là vẫn nằm dưới sự điều hành của các nhân vật thời Mubarak.
Đáng chú ý nhất trong số các động thái này là quyết định cách chức Trưởng công tố Al Maguid Mahmoud của Tổng thống Morsi tháng 11/2012, rồi bổ nhiệm một thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo thay thế. Tiếp đến, phe Hồi giáo trong Thượng viện Ai Cập mới đây đã đưa ra thảo luận nhằm thông qua một dự thảo luật Tư pháp do một đảng Hồi giáo xây dựng, vốn nhằm mục đích thanh lọc giới Tư pháp. Không dừng lại ở đó, Tổ chức Anh em Hồi giáo còn phát động các cuộc biểu tình ầm ĩ với khẩu hiệu to tướng là “thanh lọc giới tư pháp”.
Đương nhiên, các động thái trên đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của giới Tư pháp. Các nhà phân tích kết luận, chính những âm mưu của Anh em Hồi giáo nhằm với giới Tư pháp là nguyên nhân cơ bản khiến Tòa án Hiến pháp Ai Cập nhiều lần ra phán quyết hủy bỏ các quyết định của Tổng thống Morsi. Điều đó không chỉ làm suy giảm uy tín của ông Morsi mà còn “phá hỏng” ý đồ thâu tóm quyền lực nhanh chóng của Tổ chức Anh em Hồi giáo, mang lại lợi thế cho phe đối lập.
Trong danh sách làm “mất lòng” người khác của chính quyền Morsi còn phải kể đến giới truyền thông, báo chí. Cùng với quyết định thay đổi một loạt Tổng biên tập và người đứng đầu nhiều cơ quan báo chí tại Ai Cập ngay khi lên cầm quyền, chính quyền Morsi còn ra lệnh đóng cửa, cấm phát hành một số tờ báo và kênh truyền hình, trong đó có kênh truyền hình CBC được ưa chuộng tại Ai Cập, thậm chí bắt giữ một số chủ bút, nhà báo và phóng viên để điều tra cáo buộc “thông tin bịa đặt”. Và như đã nói ở trên, trong bài phát biểu ngày 26/6, ông Morsi đã đưa ra những lời công kích thẳng thừng nhằm vào giới truyền thông với cáo buộc kích động bạo lực và làm căng thẳng tình hình. Trong xu thế dân chủ lên ngôi và bối cảnh hết sức nhạy cảm của Ai Cập, tuyên chiến với giới truyền thông không phải là việc làm khôn ngoan của ông Morsi.
Củng cố quyền lực theo kiểu “thêm thù - bớt bạn” của ông Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo, rõ ràng chỉ “lợi bất cập hại”, tự làm suy yếu mình và tăng cường sức mạnh cho đối thủ. Thực tế cho thấy, sự vào cuộc không ngần ngại của báo giới và việc giới Tư pháp gia nhập chiến dịch biểu tình chống ông Morsi vừa qua, đã mang lại rất nhiều lợi thế cho các lực lượng đối lập, góp phần nhất định vào thành công của chiến dịch lật đổ ông Morsi.
Theo đuổi chế độ thần quyền – tư tưởng đối nghịch với quân đội
Không cần lý giải nhiều, tất cả đều dễ dàng nhận thấy rằng, một trong những nhân tố quyết định dẫn tới sự ra đi chóng vánh của chế độ Morsi là sự vào cuộc quyết đoán của quân đội Ai Cập. Chỉ một ngày sau khi bắt đầu chiến dịch biểu tình 30/6, quân đội đã ra tối hậu thư 48h cho tất cả các bên (tâm điểm là chính quyền Morsi) “đáp ứng các yêu cầu của nhân dân”. Và chỉ vài giờ sau khi thời hạn tối hậu thư kết thúc, quân đội đã ra tuyên bố đình chỉnh Hiến pháp và quyết định bầu cử Tổng thống trước thời hạn, chính thức đặt dấu chấm hết cho chế độ cầm quyền của Morsi và Tổ chức Anh em hồi giáo.
Với nhiều người, sự vào cuộc của quân đội để phế truất ông Morsi là khá bất ngờ, thậm chí là rất bất ngờ. Còn nhớ, trong các tuyên bố chính thức những ngày trước đó, quân đội Ai Cập khẳng định không cho phép xảy ra sự sụp đổ của hệ thống chính trị. Nhiều người nhìn nhận sự khẳng định của quân đội như một lời bảo vệ dành cho “hệ thống chính trị” hiện tại và ông Morsi và đứng về phía ông Morsi.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích, trên thực tế, quân đội Ai Cập và chế độ cầm quyền do những người Anh em Hồi giáo lãnh đạo, luôn tồn tại mâu thuẫn sâu sắc. Cùng với sự đấu tranh để giành quyền lực mà cơ hội lịch sử mang đến, sự mâu thuẫn về hệ tư tưởng giữa hai bên được coi là nguyên nhân cơ bản. Ý đồ xây dựng một xã hội thần quyền theo mô hình Iran của Tổ chức Anh em Hồi giáo không ngừng được thể hiện bằng việc ra sức tập trung quyền lực về phe Hồi giáo, song song với việc xây dựng những chiến lược tuyên truyền, quảng bá, thậm chí là áp đặt một số giá trị mang màu sắc tôn giáo vào đời sống xã hội Ai Cập.
Căn cứ đầu tiên cho lập luận này là việc ông Morsi đã tiến hành chuyến thăm lịch sử tới Iran và quan hệ hai nước đã được cải thiện rất nhiều thời gian qua. Tiếp đến là việc ông Morsi liên tiếp ra các quyết định cài người của Tổ chức Anh em Hồi giáo vào các ghế Bộ trưởng, Tỉnh trưởng, Trưởng Công tố, lãnh đạo các cơ quan báo chí Ai Cập, đồng thời thành lập một số kênh truyền hình riêng của Tổ chức Anh em Hồi giáo. Không chỉ có vậy, nhiều nguồn tin cho biết, Tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập còn lập ra một “quân đội” riêng kiểu như Lực lượng Vệ binh Cộng hòa của Iran để bảo vệ chính quyền. Tuy nhiên, quy mô và thực hư đạo quân này ra sao, vẫn còn là điều bí mật.
Với một quân đội luôn trung thành với một xã hội thế tục như quân đội Ai Cập, ý đồ xây dựng xã hội thần quyền của Chính quyền Morsi đương nhiên là điều không thể chấp nhận được. Hàng triệu người dân Ai Cập xuống đường đòi ông Morsi ra đi, chính là cơ hội để quân đội Ai Cập thực hiện sứ mệnh quốc gia và lịch sử của mình, trong đó có sứ mệnh bảo vệ tính thế tục của xã hội Ai Cập. Sự can thiệp của quân đội để hạ bệ ông Morsi trong bối cảnh ấy là điều tất yếu và không quá bất ngờ bởi có thể được dự báo trước./.