Sức công phá của kho vũ khí hạt nhân Nga lớn đến mức nào?
VOV.VN - Kho vũ khí hạt nhân của Nga lớn nhất thế giới, với sức công phá khủng khiếp. Nga cũng phát triển vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật nhưng mục đích được đánh giá là mang tầm chiến lược.
Trong 6 tháng qua, Nga đã nhiều lần đe dọa sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để nắm thế thượng phong trong cuộc chiến Ukraine.
Mới đây, Tổng thống Vladimir Putin công bố động viên một phần lực lượng dự bị và đưa ra lời cảnh báo về việc Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong xung đột.
Diễn văn của ông Putin (được phát sóng trên truyền hình) xuất hiện vào thời điểm quân đội Nga đã giành được thắng lợi bất ngờ trong cuộc phản công tái chiếm lãnh thổ quanh thành phố Kharkov ở miền Đông.
Tổng thống Putin nói: “Tôi muốn nhắc nhở quý vị rằng đất nước chúng tôi có các loại phương tiện hủy diệt khác nhau… và khi toàn vẹn lãnh thổ của đất nước chúng tôi bị đe dọa, để bảo vệ Nga và người dân, chúng tôi chắc chắn sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có trong tay”. Bình luận của ông Putin khiến phương Tây lo ngại thực sự. Tổng thống Mỹ Biden cho rằng Nga đang đưa ra những lời đe dọa “vội vã, thiếu trách nhiệm”.
Tổng thống Biden nói trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc: “Chiến tranh hạt nhân không có bên thắng và không được phép để nổ ra”. Ông Biden lặp lại một cam kết thời Chiến tranh Lạnh từ hai nước tuân thủ Hiệp ước năm 1968 về Không phổ biến Vũ khí hạt nhân.
Vậy kho vũ khí hạt nhân trong tay Nga gồm những thứ gì và sức hủy diệt của chúng đến đâu?
Vũ khí hạt nhân chiến lược
Vũ khí hạt nhân chưa bao giờ được sử dụng trong xung đột từ sau năm 1945 - thời điểm 2 quả bom nguyên tử đã được Mỹ ném xuống Hiroshima và Nagasaki, tàn phá các thành phố Nhật Bản này, khiến hàng vạn người chết.
Nina Tannenwald - giảng viên cao cấp về quan hệ quốc tế tại Đại học Brown (Mỹ) nói với Euronews: “Có truyền thống 76 năm thế giới chưa sử dụng vũ khí hạt nhân. Và đó là đặc điểm quan trọng nhất của kỷ nguyên hạt nhân, chúng tôi muốn duy trì điều này”.
Sự khủng khiếp của hai vụ ném bom nguyên tử nói trên đã gây sốc cho toàn thế giới, đẩy nhân loại vào kỷ nguyên răn đe hạt nhân. Các cường quốc toàn cầu chạy đua phát triển loại vũ khí này, ý thức rằng việc sử dụng thứ vũ khí này sẽ là thảm họa cho loài người và do vậy phải kiềm chế sử dụng vũ khí hạt nhân với nhau.
Ngày nay, Nga sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, với khoảng 6.257 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ thừa nhận có 5.550 đầu đạn như vậy, theo thông tin từ Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí (ACA) vào tháng 1/2022.
Trong số vũ khí này, các vũ khí được gọi là “chiến lược” có sức công phá lớn nhất và được triển khai trên tàu ngầm, máy bay ném bom và gắn lên tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Tannenwald - tác giả một cuốn sách về răn đe hạt nhân, nói: “Vũ khí hạt nhân chiến lược là những công cụ phá hủy các thành phố lớn… Đây là những vũ khí hủy diệt khủng khiếp đến mức không thể tin được. Nếu chúng ta vướng vào một cuộc chiến tranh có sử dụng vũ khí hạt nhân chiến lược, điều đó về thực chất sẽ chấm dứt nền văn minh của cả hai nước”.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật, có sức tàn phá “nhỏ hơn”
Khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân Nga thuộc diện tầm ngắn, còn gọi là vũ khí hạt nhân “chiến thuật” được cất trữ trong các cơ sở trên khắp lãnh thổ Nga.
Những vũ khí hạt nhân này nhỏ hơn, được thiết kế để sử dụng trên chiến trường chống lại các đội hình quân, xe tăng, các cơ sở quân sự và các boong-ke. Chúng có thể gắn lên tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M mà Nga đang sử dụng tại Ukraine.
Vũ khí chiến thuật được phát triển trong Chiến tranh Lạnh với mục đích “tăng cường” răn đe hạt nhân.
Tannenwald phân tích về tác dụng răn đe hiệu quả của vũ khí hạt nhân chiến thuật như sau: “Khi bạn sở hữu toàn vũ khí hạt nhân cỡ lớn, người ta sẽ không dám sử dụng vũ khí đó vì chúng hủy diệt quá mạnh. Do đó, tác dụng răn đe lại ít đáng tin cậy. Trong khi đó, nếu bạn sở hữu các loại vũ khí hạt nhân nhỏ hơn, mối đe dọa sử dụng chúng sẽ đáng tin hơn vì chúng hủy diệt ít hơn nên có thể triển khai trong thực tế, do vậy có sức răn đe mạnh hơn”.
Rủi ro ngày nay là vũ khí hạt nhân chiến thuật dễ bị người ta nghĩ tới và đem ra dùng, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng.
Sức tàn phá của hạt nhân chiến thuật đến đâu?
Pavel Podvig - một chuyên gia về lực lượng hạt nhân Nga và nghiên cứu viên cao cấp tại Viện nghiên cứu Giải giáp (UNIDIR), nhận định, có rất ít kịch bản trên chiến trường mà tại đó sức công phá lớn của vũ khí hạt nhân chiến thuật lại có mục đích chiến thuật, chẳng hạn khi phá các boong-ke kiên cố ngầm dưới lòng đất.
Theo Podvig, mục đích chính của vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn là tầm chiến lược, đó là gây kinh sợ cho đối phương và giành thế thượng phong trong xung đột.
Chuyên gia Podvig nói với Euronews: “Toàn bộ ý tưởng hạt nhân mini và tấn công giới hạn chỉ là cách chứng minh rằng loại vũ khí này có lý do tồn tại. Sứ mệnh chính của chúng không phải là tấn công mục tiêu quân sự, mà là thể hiện quyết tâm và sự sẵn sàng tấn công, gây thương vong lớn”.
Tùy biến sức mạnh
Hầu hết các vũ khí hạt nhân hiện nay có sức công phá đa dạng, có thể tùy biến đươc. Tức là mức độ năng lượng nổ của vũ khí có thể chỉnh lên hoặc xuống tùy theo tình hình quân sự và mục tiêu. Ví dụ, phiên bản bom hạt nhân B61 mới nhất do Mỹ phát triển có thể giải phóng năng lượng ở mức 0,3, mức 1,5, mức 10 hoặc mức 50 kiloton. Để dễ hình dung, bom nguyên tử thả xuống Hiroshima có sức công phá khoảng 15 kiloton.
Tannenwald nói tiếp: Như vậy sức công phá của hạt nhân chiến thuật vẫn rất lớn. “Chúng vẫn là vũ khí hạt nhân, sẽ tạo ra mây nấm, cầu lửa. Chúng sẽ đốt cháy mọi thứ trong tầm nhìn. Chúng sẽ tạo ra lượng phóng xạ lớn. Do vậy, đừng ai nghĩ rằng vũ khí hạt nhân chiến thuật thì vẫn có thể mang ra sử dụng”./.