Thế giới 7 ngày:

Sức nóng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên

(VOV) - Tuyên bố "tình trạng chiến tranh" của Triều Tiên với Hàn Quốc làm dấy lên lo ngại tái diễn cuộc chiến tàn khốc cách đây 60 năm.


Ngày 30/3, CHDCND Triều Tiên tuyên bố, đất nước này đã bước vào "tình trạng chiến tranh" với Hàn Quốc sau khi liên tục có những lời lẽ cứng rắn chống lại Seoul và Washington vì lệnh trừng phạt của quốc tế nhắm vào Triều Tiên sau khi nước này tiến hành thử hạt nhân lần thứ 3.

"Kể từ thời điểm này, mối quan hệ Bắc-Nam sẽ bước vào tình trạng chiến tranh và tất cả những vấn đề nảy sinh giữa hai miền Bắc và Nam sẽ được xử lý bằng chiến tranh", hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA tuyên bố.

Trước những tuyên bố của Triều Tiên, nhiều nước đã tỏ ra lo ngại về tình hình bất ổn sẽ xảy ra trên bán đảo Triều Tiên. Đầu tiên là phản ứng của người dân Hàn Quốc. Đa số họ cho rằng, họ không muốn một cuộc chiến tranh nào xảy ra, và mong muốn rằng Chính phủ hai nước sẽ tìm ra giải pháp hợp lý cho vấn đề này.

NgaTrung Quốc cũng đã lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về tình hình đang xấu đi trên bán đảo Triều Tiên đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm xấu đi tình hình trên Bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, một quan chức Chính phủ Mỹ ngày 30/3 trong bài phát biểu trên truyền hình CBS cho rằng, ít có khả năng chiến tranh sẽ xảy ra. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ký lệnh đặt các đơn vị tên lửa chiến lược vào trạng thái sẵn sàng tấn công các căn cứ Mỹ tại Hàn Quốc và Thái Bình Dương, cũng như tấn công vào lục địa Mỹ (Ảnh: EPA).


Động thái được cho là làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là việc Mỹ điều 2 máy bay ném bom tàng hình chiến lược B-2 đến tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn đang diễn ra tại Hàn Quốc. Hai máy bay này đã bay thẳng từ căn cứ không quân Whiteman tại bang Missouri qua quãng đường hơn 10.460 km đến quốc gia Đông Á này và ném bom giả lên một trận địa ở Hàn Quốc.

Động thái trên của Mỹ bị Triều Tiên coi là một "hành động thù địch" và tuyên bố sẵn sàng giáng trả một cách khốc liệt nhất vào kẻ thù. Trong ảnh: Một chiếc B-2 Spirit bay qua căn cứ Osan của Mỹ ở Pyeongtaek, phía nam Seoul, Hàn Quốc ngày 28/3 (Ảnh: AP).


Những tuyên bố cứng rắn của Triều Tiên và các động thái của Mỹ, Hàn Quốc khiến nhiều người lo ngại về một cuộc chiến liên Triều có thể tái diễn như cuộc chiến dữ dội 60 năm về trước. Hầu hết người dân Hàn Quốc đều bày tỏ hy vọng không nổ ra một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Bà Lee Gae-hwa, một công dân sống ở thủ đô Seoul, bày tỏ: “Triều Tiên nói rằng họ đã bước vào tình trạng chiến tranh. Là một người dân ở đây, tôi rất lo sợ và hy vọng chúng ta có thể tìm ra một giải pháp hợp lý”. 

Trong ảnh: Tái hiện trận chiến khốc liệt giữa hai miền Triều Tiên cách đây 60 năm. Những hình ảnh về cuộc chiến tàn khốc này có thể khiến các bên suy nghĩ một cách sâu sắc trước khi đưa ra quyết định cuối cùng bởi nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến người dân 2 miền Triều Tiên mà có nguy cơ đẩy cả khu vực cũng như an ninh toàn cầu vào nguy cơ bất ổn mới (Ảnh: AFP).


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/3 đã yêu cầu tổ chức cuộc tập trận quân sự quy mô lớn ở miền bắc nước Nga nhằm thử nghiệm khả năng sẵn sàng chiến đấu của các binh sỹ nước này. Khoảng 7.000 binh sỹ được đặt trong tình trạng báo động mà không có cảnh báo sớm. Theo nhân viên phụ trách báo chí của Bộ Quốc phòng Nga, khoảng 250 xe chiến đấu, 50 khẩu đội pháo, 20 máy bay chiến đấu và 30 tàu chiến cũng tham gia cuộc tập trận.

Đích thân Tổng thống Nga Putin đã tới tham dự cuộc tập trận quân sự quy mô lớn này nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn thứ 2 của lực lượng vũ trang Nga trong năm nay. Cuộc tập trận trước đó được tiến hành hồi tháng 2 vừa qua tại khu vực miền Trung nước Nga. Trong ảnh: Tàu chiến Nga thuộc hạm đội Biển Đen tham gia cuộc tập trận (Ảnh: Ria Novosti).

Ngày 26/3, các nhà lãnh đạo Liên đoàn Arab (AL) tham dự Hội nghị Thượng đỉnh thường niên ở Doha, Qatar đã trao cho các quốc gia thành viên của khối này “quyền” cung cấp cho người Syria tất cả những biện pháp tự vệ, trong đó có việc cung cấp vũ khí. Các nhà lãnh đạo Arab đồng thời xác nhận Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đối lập “sẽ nắm giữ ghế của Syria tại AL và trong các tổ chức thuộc khối này, cho đến khi tiến hành các cuộc bầu cử dẫn đến việc thành lập chính phủ”.

Phản ứng trước quyết định này của AL, ngày 27/3, Chính phủ Syria cho rằng, quyết định này có thể khuyến khích chủ nghĩa khủng bố, bạo lực và chủ nghĩa phe phái tại Syria, cản trở những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Syria bằng một giải pháp chính trị.

Cùng ngày, Nga cũng lên tiếng phản đối quyết định của Liên đoàn Arab. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich cho rằng, việc Liên đoàn Arab trao ghế của đại diện chính thức Syria cho Lực lượng đối lập cũng như ủng hộ lực lượng đối lập Syria có thể khiến tình hình thêm phức tạp. 

Ngày 27/3, Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích quyết định trao ghế thành viên của Liên đoàn Arab cho Liên minh Dân tộc Syria là một "tiền lệ nguy hiểm". Bộ Ngoại giao Iran chỉ trích, "sai lầm như vậy chỉ càng làm vấn đề thêm trầm trọng". Trong ảnh: Đại diện phe đối lập Syria al Khatib phát biểu tại hội nghị của AL tại Doha (Ảnh: AFP).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 28/3 tuyên bố rằng, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Uganda, Mozambique và Ethiopia. Phát biểu được đưa ra trong các cuộc gặp riêng rẽ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các nước trên bên lề Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) diễn ra tại thủ đô Durban, Nam Phi.

Theo các nhà phân tích, chuyến thăm Châu Phi thể hiện cam kết mạnh mẽ của Trung Quốc trong nỗ lực khẳng định vị thế tại châu lục này. Mới đây, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết hỗ trợ 20 tỷ USD cho các quốc gia Châu Phi trong giai đoạn 2013-2015. Trong ảnh: Ông Tập Cận Bình tham dự một cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Phi tại Durban, Nam Phi, ngày 28/3 (Ảnh: Tân Hoa xã).

Ngày 25/3, các quan chức Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận với Cộng hòa Síp về kế hoạch cứu trợ, chặn đứng nguy cơ vỡ nợ tại khu vực ngân hàng nước này.

Mặc dù vậy, vào thời điểm này, Síp vẫn đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn và nếu Nicosia không nhanh chóng tìm ra các biện pháp hữu hiệu để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, quốc đảo này có thể sẽ rơi vào tình trạng bất ổn về chính trị và xã hội.

Trên thực tế, mặc dù thỏa thuận giữa Chính phủ Síp và bộ ba chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã làm dịu các quan ngại về khả năng quốc đảo này bị vỡ nợ nhưng nó vẫn không giúp gạt bỏ hoàn toàn nguy cơ này. Vào thời điểm này, Nicosia thực sự lo ngại về việc những người gửi tiền đổ xô tới các ngân hàng để rút tiền, có khả năng dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống tài chính nước này. Trong ảnh: Người dân Síp đổ xô đi rút tiền tại các máy ATM (Ảnh: Euronews).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên