Tái diễn căng thẳng Nga - Ukraine về khí đốt

Những tranh cãi xung quanh giá khí đốt giữa Nga và Ukraine một lần nữa khiến EU lo ngại nguy cơ tái diễn cuộc chiến khí đốt mới

Ngày 2/9 vừa qua, Ukraine tuyên bố sẽ xem xét lại toàn bộ hợp đồng về khí đốt đã ký, trong đó có hợp đồng về mua - bán và trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu. Trước đó, Ukraine cũng thông báo đã sẵn sàng khởi kiện Nga để hủy hợp đồng mua bán khí đốt ký năm 2009 mà Kiev cho là rất bất lợi cho nước này. Dư luận lo ngại về một cuộc chiến khí đốt mới giữa Nga và Ukraine.

Tuyên bố về việc giải thể Tập đoàn Dầu khí quốc gia Naftogaz và xem xét lại toàn bộ hợp đồng đã ký, trong đó có hợp đồng về mua - bán và trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu được Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov đưa ra sau khi Ukraine không thể thỏa thuận được với Nga về mức giá khí đốt mà Nga cung cấp cho Ukraine.

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Nikolai Azarov, trong cuộc gặp hôm 30/8 với Thủ tướng Nga Vladimir Putin, đã nói thẳng rằng, phía Nga đang đẩy Kiev vào ngõ cụt và chỉ còn lối thoát duy nhất là hủy bỏ hợp đồng mua bán khí đốt đã ký. Ông Azarov cũng xác nhận đã trao đổi ý kiến với các chuyên gia trong nước và quốc tế, quyết định khởi kiện Nga để hủy bỏ hợp đồng mua - bán khí đốt theo giá luỹ tiến mà cựu Thủ tướng Ukraine Yulia Timoshenko đã ký năm 2009, bởi nó gây thiệt hại cho ngân khố quốc gia Ukraine hơn 200 triệu USD.

Đường ống dẫn khí đốt của Nga cung cấp cho Ukraine (ảnh: Internet)

Hiệp định ký năm 2009 quy định giá khí đốt Nga bán cho Ukraine từng quý được tính toán lại theo công thức đặc biệt với giá cơ sở là 450USD/1.000m3 và chậm nhất sau 9 tháng sẽ điều chỉnh. Trong quý I và II năm 2011, Ukraine mua khí đốt của Nga với giá 260 - 280USD/1.000m3 và có thể phải mua với giá 350 - 400 USD/1.000m3 trong quý III và IV. Ukraine cho rằng, mặc dù Nga đã hạ 30% giá bán khí đốt cho Ukraine (nhưng không quá 100 USD/1.000m3) sau khi hai nước ký hiệp định gia hạn sự có mặt của Hạm đội Hắc Hải Nga tại căn cứ Sevastopol của Ukraine thêm 15 năm (cho đến năm 2042), nhưng giá khởi điểm mà Nga quy định (450USD/1.000m3) là quá cao. Ukraine muốn hạ giá xuống mức trung bình của châu Âu là 200 -230USD/1.000m3. Về phần mình, Nga tiếp tục khẳng định hợp đồng mua bán khí đốt đã ký với Ukraine là hợp pháp và đáp ứng các tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev mới đây đã khẳng định với báo giới rằng, hợp đồng này cần phải được thực hiện vô điều kiện và Ukraine nên hành động như Belarus để có thể mua khí đốt của Nga với giá rẻ hơn, hàm ý Tập đoàn Dầu khí Naftogaz của Ukraine nên tham gia Liên minh hải quan (gồm ba nước Nga, Belarus và Kazakhstan) như Công ty vận tải khí đốt Beltransgaz của Belarus. Tuy nhiên, Kiev lo ngại kế hoạch này cho phép Moscow kiểm soát trực tiếp hệ thống trung chuyển khí đốt của mình. 

Đây không phải lần đầu Nga và Ukraine tranh cãi về giá mua - bán khí đốt. Còn nhớ vụ tranh cãi năm 2009 đã từng làm gián đoạn nguồn cung khí đốt tới nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) giữa mùa đông giá rét, bởi 80% xuất khẩu khí đốt của Nga sang EU phải quá cảnh qua Ukraine. Cũng từ sau vụ việc đó, Nga và Ukraine nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc vào nhau. Kiev đã lên kế hoạch giảm dần khoảng 1/3 lượng khí đốt mua của Nga trong vòng 5 năm tới, từ 40 tỷ m3 xuống còn 12 tỷ m3, bằng cách tăng mức khai thác trong nước, nhằm giảm áp lực cho nền kinh tế.

Từ cuối tháng 7/2011, Kiev cũng quyết định vay tiền từ các ngân hàng châu Âu nâng cấp hệ thống vận chuyển khí đốt của nước này để giảm bớt sự phụ thuộc vào Nga. Còn Nga cũng đang khẩn trương hoàn tất để đưa vào sử dụng hệ thống đường ống khí đốt North Stream đi ngầm từ Nga qua biển Baltic sang Đức mà không quá cảnh qua bất cứ nước nào. Tuy vậy, những dự án trên còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, đồng nghĩa với việc Nga và Ukraine trong thời gian tới vẫn phải phụ thuộc vào nhau. 

Và lần này, trong khi Nga kiên quyết giữ lập trường không thay đổi giá bán, thì Ukraine không chỉ muốn xem xét lại toàn bộ hợp đồng về khí đốt đã ký mà còn dự định khởi kiện Nga để hủy hợp đồng mua bán khí đốt ký năm 2009 và đặc biệt, đưa cựu Thủ tướng Yulia Timoshenko ra xét xử vì đã lạm quyền khi ký bản hợp đồng mua - bán khí đốt nêu trên như một chứng cứ cho sự vi phạm pháp luật. Những tranh cãi xung quanh giá khí đốt một lần nữa khiến EU lo ngại nguy cơ tái diễn cuộc chiến khí đốt mới vào thời điểm EU cần khí đốt nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên