Tầm nhìn “NATO phiên bản châu Á” của tân thủ tướng Nhật Bản, ý tưởng và hiện thực
VOV.VN - Thủ tướng Nhật Bản Ishiba cho rằng, việc thành lập tại châu Á một tổ chức quân sự theo mô hình của NATO là điều không thể thiếu.
Trong những ngày gần đây, dư luận trong và ngoài nước của Nhật Bản sôi động những bàn tán, bình luận xung quanh đề xuất của tân thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru về việc thành lập tại châu Á một tổ chức quân sự theo mô hình của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với tên gọi “NATO phiên bản châu Á”.
Viện Hudson (Hudson Institute), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho đăng tải bài viết của tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru vào hôm 27/9 vừa qua – ngày mà ông Ishiba vừa đắc cử chức vụ chủ tịch đảng cầm quyền Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP). Trong bài viết, ông Ishiba nhấn mạnh, hiện nay, chiến tranh và xung đột vũ trang liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, và tại châu Á vẫn chưa có một liên minh quân sự nào giống như NATO, cũng như chưa có quy định nào về việc các nước có nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau để tự bảo vệ, do đó, nguy cơ xảy ra chiến tranh là rất cao.
Ý tưởng
Với tiền đề đó, ông Ishiba cho rằng, việc thành lập tại châu Á một tổ chức quân sự theo mô hình của NATO đã trở nên không thể thiếu. Theo giới phân tích chính trị, nguồn gốc của ý tưởng này là khá rõ ràng. Yếu tố đầu tiên, ông Ishiba vốn đã từng là cục trưởng Cục Phòng vệ (tương đương bộ trưởng Quốc phòng) trong nội các của thủ tướng Koizumi Jyunichiro. Vì vậy, mối quan tâm đối với vấn đề quân sự của ông Ishiba luôn tồn tại. Bên cạnh đó, hiện nay, Nhật Bản đang đứng trước nhiều thách thức về mặt an ninh – quốc phòng, trong đó, nổi lên một số nguy cơ như: vấn đề tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc....
Về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, lo ngại của Nhật Bản là có cơ sở khi chỉ từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã 11 lần tiến hành thử tên lửa đạn đạo. Thêm nữa, tại khu vực bờ biển Nhật Bản, phía hướng sang Triều Tiên, có nhiều nhà máy điện nguyên tử, nếu vì một lý do nào đó, các nhà máy này bị tấn công, sẽ là những thảm họa không lường nổi.
Về tranh chấp chủ quyền biển đảo với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc, Nhật Bản luôn tỏ ra quan ngại vì nhiều lần máy bay và tàu quân sự của Nga, Trung Quốc đi vào không phận và hải phận Nhật Bản, cùng việc quân đội Hàn Quốc tiến hành tập trận tại khu vực đang tranh chấp, khiến lực lượng phòng vệ nước này bị đặt vào tình trạng báo động cao.
Thêm nữa, việc các nước không ngừng tăng ngân sách cho quốc phòng, cũng đẩy Nhật Bản vào thế phải làm theo một cách bị động, trong khi Hiến pháp Nhật Bản không cho phép nước này có “quyền tự vệ tập thể”, tức là không được tham gia hoặc tổ chức chiến tranh. Ông Ishiba cho biết dự định tiến hành chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức thủ tướng để dự Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ được tổ chức vào hai ngày 10 và 11/10 này tại Lào, khiến giới quan sát liên tưởng tới khả năng ông Ishiba sẽ công bố ý tưởng về một “NATO phiên bản châu Á” tại đây.
Hiện thực
Tuy nhiên, giới phân tích chính trị nhận định, ý tưởng này ít có khả năng trở thành hiện thực. Đầu tiên, nhìn từ góc độ dư luận trong nước, ngay sau khi ý tưởng này được Viện Hudson đăng tải trên mạng, đã lập tức xuất hiện nhiều ý kiến không đồng tình.
Nhiều tờ báo lớn đăng tải các bình luận và nhất trí cho rằng ý tưởng này là không thực tế và khó thực hiện. Tờ Thời báo kinh tế Toyo còn nói một các bóng bẩy nhưng rất thẳng thắn rằng, ý tưởng về một “NATO phiên bản châu Á” là một “bài thơ”. Ngay cả trong giới chính trị Nhật Bản cũng có nhiều ý kiến không nhất trí.
Cựu thủ tướng Hatoyama Yukio đăng trên trang cá nhân một bình luận, trong đó viết: “Ông Ishiba không nên đưa ra ý tưởng này. Xin nêu một ví dụ. Giả sử, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia NATO phiên bản châu Á, và nếu giữa Hàn Quốc và Triều Tiên xảy ra chiến tranh, Nhật Bản cũng sẽ phải tiến hành chiến tranh với Triều Tiên hay sao?! Điều này vi phạm Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản”.
Thậm chí, ngay cả các bộ trưởng vừa được ông Ishiba bổ nhiệm cũng tỏ ra rất thận trọng. Trả lời báo chí, Bộ trưởng Quốc phòng tân nhiệm Nakatani Gen cho biết chưa nhận được chỉ thị cụ thể nào từ thủ tướng, trong khi tân ngoại trưởng Iwaya Takeshi nói một cách thẳng thắn: “Việc thành lập ngay một tổ chức quân sự tại châu Á là khó thực hiện. Cần cân nhắc trong trung và dài hạn”. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cũng tỏ ra không mặn mà với đề xuất của ông Ishiba khi tuyên bố: “Khác với Nhật Bản, Ấn Độ không thiết lập quan hệ đồng minh với nước khác và chưa hề suy nghĩ đến khuôn khổ mang tính chiến lược này”.
Theo phân tích của giới quan sát chính trị, để một ý tưởng trở thành hiện thực, cần cả một quá trình dài cùng hàng loạt điều kiện cần và đủ. Do đó, việc ông Ishiba có đưa ra ý tưởng của mình trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tới đây hay không, và nếu có đưa ra thì sẽ được đón nhận như thế nào, đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.