Tân Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhậm chức
VOV.VN - Ngày 20/10, Tổng thống đắc cử Indonesia Joko Widodo chính thức nhậm chức sau chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 7 vừa qua.
Nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hẹp bất bình đẳng xã hội được coi là những ưu tiên đầu tiên để các cử tri Indonesia quyết định lá phiếu của mình.
Tuy nhiên, với những thách thức không nhỏ phía trước, liệu Tân Tổng thống Indonesia có đáp ứng được kỳ vọng của quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới này?
Ít nhất 8 nhà lãnh đạo các nước và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Indonesia. Đây là một dấu hiệu cho thấy vai trò lớn của Indonesia trong khu vực và quốc tế.
Sau nhiều năm dưới chế độ độc tài, đất nước vẫn chưa thoát khỏi bất ổn vào cuối những năm 1990 và chuyển sang chế độ dân chủ trong bối cảnh biến động của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Tuy nhiên, Indonesia hiện đang vươn lên là nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á và là quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất. Trong một dấu hiệu tích cực đối với Chính phủ thiểu số do ông Widodo dẫn đầu, người đứng đầu lực lượng đối lập-ứng cử viên bị thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Prabowo Subianto ngày 19/10 thừa nhận thất bại trong cuộc bầu cử và tuyên bố ủng hộ Chính phủ mới.
Người dân Indonesia cũng bày tỏ vui mừng đối với sự hợp tác giữa các Đảng trong Chính phủ có thể giúp thúc đẩy cải cách, mang lại sự phát triển thịnh vượng cho Indonesia.
Một người dân Jakarta bày tỏ: “Tôi hy vọng, tất cả các đại diện của người dân trong quốc hội có thể làm nhưng gì tốt nhất cho người dân. Họ phải hiểu họ đang đại diện cho ý nguyện của người dân. Người dân Indonesia ủng hộ ông Widodo và Đảng cầm quyền để mang lại sự cải cách cho quốc gia này”.
Tất cả những điều kiện này cho thấy một tương lai rộng mở đối với chính trị gia được coi là “ gương mặt mới” trên vũ đài chính trị thế giới. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định, con đường phía trước của ông Widodo không trải hoa hồng.
Phép thử lớn và khó khăn đầu tiên trong chính sách của ông Widodo là đưa ra quyết định cắt giảm trợ cấp nhiên liệu, có thể tiêu tốn của Chính phủ 30 tỷ USD trong năm 2014.
Trợ cấp đang giúp giữ giá nhiên liệu rẻ, nhưng lại làm nghèo nàn quỹ sử dụng cho việc xây dựng trường học, bệnh viện, cầu cống…. Cắt trợ cấp điều đó cũng có nghĩa là sẽ khiến giá nhiên liệu tăng, kéo theo sự tăng giá của hàng loạt các loại hàng hóa cơ bản khác, ảnh hưởng trực tiếp đến người nghèo và cả những người giàu- đang được hưởng lợi từ nền kinh tế phát triển của Indonesia.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế, chuyên gia phân tích chính trị và các nhà đầu tư đều cho rằng, tân Tổng thống Indonesia không có lựa chọn nào khác, nếu ông muốn thể hiện trách nhiệm kinh tế và giải phóng các quỹ.
Tổng thống Widodo có thể không cần sự chấp thuận của Quốc hội để cắt giảm các khoản trợ cấp, nhưng ông sẽ đối mặt với sự chỉ trích của phe đối lập.
Các đợt tăng giá nhiên liệu trước đó tại Indonesia cũng đã dẫn đến các cuộc biểu tình đường phố và bạo động, là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Chính phủ độc tài Suharto.
Bất chấp những triển vọng kinh tế đáng lạc quan cũng như triển khai hàng loạt các cơ sở dự án hạ tầng qui mô lớn, nhưng vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm khoảng cách giàu nghèo tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của người dân.
Mặc dù được coi là nền dân chủ lớn thứ 3 trên thế giới nhưng nước này vẫn bị chia rẽ bởi khoảng cách giàu nghèo. Khoảng 11% trong số 240 triệu dân Indonesia sống dưới mức ngưỡng nghèo. Indonesia cũng là một khu vực hứng chịu nhiều thiên tai với các trận động đất mạnh thường xuyên xảy ra.
Chính vì vậy, Chính phủ của Tổng thống Widodo cũng phải nhanh chóng thực hiện các bước đi để thúc đẩy một nền kinh tế đang phát triển chậm chạp, thu hút đầu tư nước ngoài và tạo nhiều việc làm cho người dân.
Trong chính sách đối ngoại của mình, Tổng thống Widodo cùng nội các mới cần tiếp tục đảm bảo được vai trò và tiếng nói của Indonesia trong các vấn đề quốc tế và khu vực.
Là một quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới, Indonesia sẽ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống các nhóm phiến quân Hồi giáo đang nổi lên hiện nay.
Việc Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Indonesia cũng không ngoài mục tiêu nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của quốc gia Đông Nam Á này trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Syria.
Chính phủ của Tổng thống Widodo cũng cần phải gia tăng tiếng nói của mình trong các vấn đề khu vực, đặc biệt là những căng thẳng đang gia tăng tại biển Đông trong thời gian gần đây./.