Thách thức lớn nhất của quân đội Nga không phải đến từ Mỹ
VOV.VN - Khi mà quân đội Nga liên tục cho ra mắt những khí tài mới thì ở một diễn biến khác, những người lính của họ đang đối mặt với thách thức thực sự lớn.
Theo tờ Nezavisimaya, mức lương và điều kiện làm việc trong quân đội Nga không được cải thiện, thậm chí xuống cấp. Mặc dù, chi tiêu dành cho Quốc phòng trong năm 2019 dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 5,2 nghìn tỷ Rúp, tương đương 28,7% ngân sách Quốc gia (4,9% tổng sản phẩm quốc nội). Đây là khoản chi lớn nhất của nước Nga (hơn cả các khoản chi cho Chính sách xã hội 27,1% và "Kinh tế quốc dân" 14,7%). Tuy nhiên, việc gia tăng các khoản chi khổng lồ cho Quốc phòng lại không giúp cho hệ thống lương bổng va lương hưu của các quân nhân được tốt hơn.
Dự kiến trong năm 2019, mức lương của một quân nhân Nga sẽ chỉ tăng lên 4,3%, vừa bằng mức lạm phát của đồng Rúp, nhà báo Vladimir Mukhin cho hay. Có một thực tế trong khi tiền lương của quân đội luôn được tăng từ 2012 đến 2017 thì lạm phát cũng vậy. Theo tính toán của Ủy ban Quốc phòng Duma, những khoản lương thường bị "giảm đi gần một nửa" (về giá trị) do lạm phát gây ra. Chính phủ Nga tính tổng tỷ lệ lạm phát từ năm 2012 đến 2017 ở mức 46%, với thực phẩm mức tăng giá lên tới 60%.
Thách thức với quân đội Nga chưa chắc đến từ phía trước họng súng (Ảnh Wikimedia Commons) |
Chăm sóc y tế, sức khỏe cho các quân nhân cũng trở thành một vấn đề nóng. Có rất nhiều chủng loại thuốc mới trong các bệnh viện quân y nhưng với những người lính thì họ khó có thể tiếp cận và chi trả cho những lần an dưỡng hay chữa bệnh với mức lương hiện tại. Điều đáng nói các điều kiện sống như tiền lương và chất lượng sinh hoạt xuống cấp đang khiến những người lính trở nên không tuân lệnh với cấp trên, thậm chí còn có những nguy cơ chống lại chính phủ và an ninh quốc gia. Mới đây nhất, trong kỳ bầu cử Tổng thống hồi đầu năm 2018, đã không ít quân nhân bỏ phiếu chống lại, Shvedkov cho biết.
Trong quá khứ, điều kiện sống trong quân đội Nga dù dưới thời Sa hoàng hay Xô Viết đều rất khắc nghiệt. Lương thấp, thực phẩm khan hiếm và kỷ luật khắt khe. Trong quân đội thời Liên Xô, các tân binh phải chịu sự kỳ thị và chèn ép từ những người lính lâu năm. Và với quân đội Nga hiện tại, hai phần ba lực lượng là những quân nhân chuyên nghiệp, những người này tinh nguyện gia nhập, làm việc cho quân đội. Họ sống bằng đồng lương hàng tháng, vì thế vấn đề càng trở nên nghiêm trọng.
Hiện nay, quân đội Nga vẫn áp dụng chính sách nghĩa vụ quân sự nhằm bổ sung lực lượng và giảm thiểu chi phí lương hàng năm. Nhưng ngay cả việc biên chế các binh lính nghĩa vụ cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề khi mà môi trường quân ngũ nói chung xuống cấp hoặc không đáp ứng được những nhu cầu bình thường của người lính.
Các hoạt động quân sự được tăng cường ở Ukraine, đặc biệt là tại khu vực Bán đảo Crimea và vùng Donbass. Hay các hoạt động vào năm 2015, lực lượng quân đội Nga được triển khai tại Syria. Mặc dù. đây cũng là thời điểm cuộc khủng hoảng kinh tế nổ ra tại Nga, nhưng chính phủ vẫn phê duyệt các khoản chi tăng vọt đáng kể cho an ninh quốc phòng.
Các cơ sở hạ tầng quân sự liên tục phát triển mạnh trước các mối đe dọa đến từ phía Tây, cường độ huấn luyện chiến đấu được tăng lên, nhiệm vụ tác chiến thực tế rõ ràng hơn. Tuy nhiên, các đãi ngộ dành cho quân nhân vẫn khiêm tốn, không có nhiều thay đổi, khiến cho một số người mặc sắc phục "biến chất" trong quân đội. Năm 2017, một số sỹ quan cao cấp đã vận động chính phủ nên giải quyết vấn đề này bằng cách tăng lương cho quân nhân ít nhất từ 10 - 15% nhưng đã bị bác bỏ, Vladimir Mukhin cho hay./.