Thách thức và kỳ vọng đối với Tổng thống đắc cử Iran Ebrahim Raisi
VOV.VN - Chiến thắng của ông Ebrahim Raisi mang theo nhiều kỳ vọng của người dân Iran về một sự thay đổi sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng kinh tế do tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch Covid-19, cũng như tạo đà mới cho các cuộc đàm phán hạt nhân.
Đúng như dự đoán của giới chuyên gia, Bộ trưởng Tư pháp Iran, Giáo sĩ Hồi giáo Ebrahim Raisi, người mà truyền thông nước này gọi là “ứng cử viên không đối thủ” đã trở thành người kế nhiệm Tổng thống Hassan Rouhani sau cuộc bầu cử ngày 18/6 vừa qua. Cả 3 ứng cử viên còn lại trong cuộc đua đều đã thừa nhận thất bại.
Chiến thắng của ông Ebrahim Raisi mang theo nhiều kỳ vọng của người dân Iran về một sự thay đổi sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng kinh tế do tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch Covid-19, cũng như tạo đà mới cho các cuộc đàm phán hạt nhân.
Giành chiến thắng với tỷ lệ áp đảo 61.95%, ông Ebrahim Raisi theo đường lối bảo thủ cũng luôn dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước bầu cử. Ông Ebrahim Raisi được đánh giá là khá gần gũi với thủ lĩnh tinh thần Iran, Đại giáo chủ Ali Khemenei, nhân vật có ảnh hưởng nhất tại nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Báo chí Iran trước đó đã gọi ông là “ứng cử viên không đối thủ”, trong khi những người ủng hộ không khỏi kỳ vọng về một sự thay đổi cho đất nước Iran:
“Tôi rất vui vì ông Raisi đã đắc cử Tổng thống Iran. Tôi đã bỏ phiếu cho ông ấy và tôi tin ông ấy chắc chắn sẽ thực hiện đúng những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử”.
"Chính phủ mới sẽ là nền tảng vững chắc giúp chúng ta thành công trên mặt trận ngoại giao".
Cuộc bầu cử tổng thống Iran thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận quốc tế và khu vực bởi những ảnh hưởng của nước này ở Trung Đông và nhất là trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Iran chưa bao giờ hết nóng. Đánh giá về chiến thắng của ông Ebrahim, giới phân tích nhận định, cuộc bầu cử và kết quả của nó đã cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của phe cứng rắn, mà một trong những lý do chính là chính sách gây sứ ép tối đa của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Thực tế là trong 2 nhiệm kỳ tổng thống của ông Hassan Rouhani, phe cải cách đã không thể thực hiện được những cam kết về phát triển kinh tế của mình.
Ông Rouhani cũng đã ngay lập tức gửi lời chúc mừng tới ông Ebrahim Raisi: “Tôi xin gửi lời chúc mừng tới chiến thắng ông Ebrahim Raisi. Ông ấy có một trách nhiệm rất nặng nề và tôi không nghi ngờ rằng người dân sẽ ủng hộ chính phủ hợp pháp của ông ấy để lợi ích của họ được đảm bảo một cách tốt nhất”.
Ông Ebrahim Raisi tranh cử tổng thống năm 2021 với khẩu hiệu “Chính quyền của dân, Iran hùng mạnh”, đồng thời cam kết giải quyết vấn nạn tham nhũng trong chính phủ nước này. Êkíp tranh cử của ông Raisi cũng kêu gọi triển khai những biện pháp nhằm giải quyết tình trang đói nghèo, tạo công ăn việc làm và kiềm chế lạm phát. Về đối ngoại, dù có quan điểm chống đối phương Tây rõ ràng, song Ebrahim Raisi lại là người có quan điểm ủng hộ việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký với các cường quốc thế giới hồi năm 2015, trong bối cảnh các cuộc đàm phán đã được nối lại tại Vienna (Áo) sau hơn 2 năm đổ vỡ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Trump.
“Những điều mà tôi và chính phủ của mình sẽ theo đuổi là đảm bảo tất cả mọi người đều có tiếng nói, đều đóng một vai trò nào đó, đặc biệt là giới tinh hoa và các chuyên gia”, ông Ebrahim Raisi tuyên bố.
Cuộc bầu cử Tổng thống Iran diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã rơi vào suy thoái nghiêm trọng trong những năm qua do sức tàn phá của các lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Iran, cũng những khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước những khó khăn và thách thức lớn, cuộc bầu cử Tổng thống Iran năm 2021 được kỳ vọng sẽ mang lại luồng sinh khí mới, giúp vực dậy nền kinh tế vốn đã điêu đứng do các lệnh trừng phạt quốc tế./.