Tham vọng của Ukraine lập vùng đệm ở Kursk khó thành hiện thực
VOV.VN - Trước khi Ukraine tuyên bố muốn lập vùng đệm ở Kursk, Nga cũng muốn tạo một vùng đệm ở Kharkov nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu này.
Tổng thống Volodymyr Zelensky ngày 18/8 nói rằng cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk của Nga là nhằm tạo ra một “vùng đệm” để ngăn chặn các cuộc tấn công xuyên biên giới của lực lượng Nga.
“Bây giờ, nhiệm vụ chính của chúng ta trong các hoạt động phòng thủ nói chung là phá hủy càng nhiều tiềm lực của Nga càng tốt và tiến hành các hành động phản công tối đa. Điều này bao gồm việc tạo ra một vùng đệm trên lãnh thổ của đối phương, những gì chúng ta đang làm tại Kursk”, nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh.
Vùng đệm là gì?
Theo định nghĩa quân sự, vùng đệm là vùng đất được thiết lập giữa hai lực lượng đối địch với mục đích giảm thiểu khả năng xảy ra xung đột vũ trang.
Vùng đệm thường được phi quân sự hóa và đôi khi được các lực lượng quốc tế trung lập như lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc giám sát. Một ví dụ tương tự như vậy là vùng đệm do Liên Hợp Quốc kiểm soát ở Síp, được thiết lập năm 1974, phân chia đảo Síp thành khu vực do Cộng hòa Síp kiểm soát và Cộng hòa Bắc Síp thân Thổ Nhĩ Kỳ và không được quốc tế công nhận.
Một ví dụ khác là Khu phi quân sự liên Triều (KDZ) ngăn cách Triều Tiên với Hàn Quốc kể từ năm 1953. Đây là một trong những khu vực rải mìn dày đặc và được canh gác nghiêm ngặt nhất trên hành tinh.
Tuy nhiên, bất kỳ vùng đệm tiềm tàng nào ở tỉnh Kursk cũng sẽ rất khác biệt, bởi có rất ít khả năng một bên thứ ba như Liên Hợp Quốc được đưa vào để phân tách các lực lượng Ukraine và Nga.
Trong bối cảnh vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine sẽ rút khỏi tỉnh Kursk, việc Nga đồng ý về một vùng đệm bên trong lãnh thổ Nga và không cố gắng giành lại lãnh thổ đã mất vào tay lực lượng Kiev là điều hoàn toàn bất khả thi.
Tuyên bố của Tổng thống Zelensky nên được hiểu là Ukraine đang đặt mục tiêu tạo ra sự thay đổi chiến lược ở tiền tuyến, thay vì một vùng đệm theo đúng nghĩa truyền thống.
“Về cơ bản, điều này tạo ra một tình huống để lực lượng Ukraine buộc phía Nga phải tấn công với thế bất lợi trên chính lãnh thổ Nga”, ông Phillips P. O'Brien, giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học St Andrews ở Scotland, nói với Kyiv Independent.
Vùng đệm Ukraine muốn lập sẽ nằm ở đâu?
Hiện tại, không thể nói chính xác vùng đệm sẽ ở đâu vì điều đó phụ thuộc vào nơi lực lượng Ukraine tiến đến được và quân đội Nga có thể đẩy lực lượng Ukraine ra khỏi lãnh thổ hay không.
Cho đến nay, Kiev tuyên bố đã chiếm được 1.150 km2 lãnh thổ Nga và 82 khu định cư, bao gồm thị trấn Sudzha.
Điều có thể thấy rõ ràng là Ukraine đang thực hiện các bước nhằm đảm bảo Nga sẽ gặp nhiều khó khăn nhất có thể khi cố gắng phản công. Tính đến ngày 19/8, Ukraine đã phá hủy 3 cây cầu bắc qua sông Seym ở Kursk.
Cây cầu gần đây nhất bị phá hủy là ở làng Karyzh khi nó trở thành mục tiêu pháo kích của Ukraine, cắt đứt một phần đáng kể tỉnh Kursk khỏi phần còn lại của Nga. Đây cũng là cây cầu lớn cuối cùng ở khu vực này. Trước đó, Ukraine đã phá hủy hai cây cầu xa hơn về phía Đông cũng bắc qua sông Seym vào ngày 16 và 17/8.
“Vùng đệm là một ý tưởng thực sự thông minh về mặt chiến lược. Họ [Ukraine] thiết lập một vị trí phòng thủ vững chắc ở phía biên giới của Nga, tận dụng địa hình để khiến việc tấn công trở nên khó khăn nhất có thể, do đó họ phá hủy các cây cầu bắc qua Sông Seym”, ông O'Brien nói.
Theo ông O’Brien, cuộc đột kích vào Kursk sẽ ngăn chặn được một số cuộc không kích xuyên biên giới từ phía Nga và giảm bớt áp lực cho dân thường sống ở tỉnh Sumy của Ukraine (giáp với tỉnh Kursk).
“Kể từ đầu mùa hè này, tỉnh Sumy của Ukraine đã bị nhắm mục tiêu với hơn 2.000 cuộc tấn công bằng các hệ thống pháo đa nòng, súng cối, máy bay không người lái, 255 quả bom dẫn đường và hơn 100 tên lửa được phóng từ Kursk”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyi cho biết hôm 13/8.
Mục tiêu khó thành
Không chỉ Ukraine, Nga cũng muốn tạo một vùng đệm nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu này.
Hồi tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố cuộc tấn công của lực lượng nước này vào Kharkov là để tạo ra một vùng đệm nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Belgorod của Nga.
Nhưng chỉ 2 tuần sau khi bắt đầu, đà tấn công của Nga vào thành phố lớn thứ hai Ukraine đã chững lại khi gặp phải sự kháng cự dữ dội từ một số lữ đoàn và đơn vị của Kiev được điều đến đó từ các mặt trận phía Đông và phía Nam.
John Foreman, cựu tùy viên quốc phòng của Anh tại Nga từ năm 2019-2022, cho rằng, cuộc tấn công của Ukraine vào tỉnh Kursk chắc chắn đã giáng một đòn mạnh với Điện Kremlin nhưng rất khó làm thay đổi vị thế của họ.
Cũng giống như việc vùng đệm sẽ nằm ở đâu, hiện tại không thể chắc chắn rằng nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc xung đột Nga-Ukraine như thế nào.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình Face the Nation của CBS ngày 18/8, Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Kelly cho biết cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk có thể giúp Ukraine thay đổi cục diện của cuộc xung đột theo hướng có lợi cho Kiev.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra ở Donetsk và lực lượng Nga ngày càng tiến gần đến thành phố Pokrovsk, vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu “canh bạc” của Ukraine mở mặt trận mới trên lãnh thổ đối phương với nguồn lực vốn đã căng thẳng có thành công hay không.