Thân với Iran, Trung Quốc rơi vào tình thế “khó xử” ở Trung Đông
VOV.VN - Hợp tác với Iran, Trung Quốc đứng trước nguy cơ làm mất lòng các đối tác khu vực cũng như vướng vào các vấn đề chính trị - an ninh phức tạp ở Trung Đông.
Hàm ý từ thỏa thuận hàng trăm tỷ USD
Thông tin được báo chí tiết lộ về thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện đầy tham vọng giữa Iran và Trung Quốc đã đặt ra câu hỏi liệu chúng ta đang chứng kiến sự dịch chuyển mang tính xây dựng ở khu vực địa lý chiến lược của châu Á này hay đây chỉ là "cuộc hôn nhân" vì lợi ích của 2 nước trên. Câu trả lời vẫn chưa rõ ràng nhưng trên thực tế, thỏa thuận này có thể đối mặt với một số trở ngại, cũng như có thể khiến Trung Quốc bị cuốn vào "vòng xoáy" chính trị phức tạp ở Trung Đông.
Trước tiên, cần phải nhìn nhận về bối cảnh ra đời của thỏa thuận này. Thỏa thuận đối tác Iran - Trung Quốc được nêu ra giữa bối cảnh quan hệ Mỹ-Iran và quan hệ Mỹ - Trung đều trong giai đoạn căng thẳng. Nền kinh tế Iran bị phá hủy do các lệnh trừng phạt của Mỹ và thỏa thuận với Trung Quốc có thể cho Tehran "đường sống" trước sức ép từ phía Washington. Ngoài ra, việc lan truyền thông tin về thỏa thuận trên cũng là một thông điệp có chủ ý nhằm gửi đến Mỹ rằng, Tehran có thể làm suy yếu chiến lược gây sức ép tối đa của Washington bằng cách xích lại gần Bắc Kinh.
Mối quan hệ Mỹ - Trung trong thời gian gần đây cũng không tốt đẹp hơn là bao khi 2 nước này đối đầu trên nhiều mặt trận. Tuy nhiên, thỏa thuận lớn của Trung Quốc với Iran không chỉ đơn giản là một minh chứng cho thấy những động thái ngày càng quyết đoán của Bắc Kinh. Để hiểu thấu đáo nhất thỏa thuận này, chúng ta cần phải nhìn nó qua lăng kính của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), vốn có mục đích kết nối về mặt kinh tế giữa Trung Quốc với các thị trường lớn ở châu Á, châu Âu, châu Phi, cũng như đảm bảo nguồn cung năng lượng trong dài hạn của Trung Quốc, đồng thời củng cố vị trí chiến lược của nước này tại vùng Vịnh.
Các dự án trị giá 400 tỷ USD trong thỏa thuận Iran - Trung Quốc cho tới nay là thỏa thuận lớn nhất của Trung Quốc với một quốc gia nào trong BRI, vượt xa khoản đầu tư lớn nhất tiếp theo trị giá 62 tỷ USD như một phần trong Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan. Trung Quốc được cho là sẽ đầu tư vào các lĩnh vực của Iran như đường sắt, bến cảng, tàu điện ngầm, dầu khí, viễn thông, sản xuất và hợp tác quân sự. Đổi lại, Iran dường như sẽ nhất trí giảm giá dầu cho Trung Quốc.
Theo nhà quan sát Puneet Talwar nhận định trên Foreign Policy, thỏa thuận Iran - Trung Quốc không nên chỉ xem xét đến các điều khoản thương mại, vốn luôn khó để đạt được mà là tác động về mặt chiến lược của nó. Ở khía cạnh này, quan hệ đối tác với Tehran sẽ giúp Bắc Kinh xây dựng được ảnh hưởng về địa chiến lược, đồng thời hoàn thành một phần quan trọng trong hành lang BRI tương tự như Con đường Tơ lụa cổ xưa nối phía tây Trung Quốc với Trung Đông và châu Âu.
Dù vậy, hợp tác sâu rộng với Iran không có nghĩa là Trung Quốc sẽ "thuận buồm xuôi gió" thực hiện các kế hoạch của mình ở Trung Đông. Việc thực hiện thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện trên có thể khiến Bắc Kinh đối mặt với những thách thức đáng kể mà cả Iran và Trung Quốc đều chưa đánh giá đầy đủ.
Khẩu hiệu "không phương Đông, không phương Tây" đã ăn sâu vào suy nghĩa của Iran khi nói về quan hệ với các cường quốc. Ngoài ra, nhiều người dân Iran vẫn hoài nghi về thỏa thuận Trung Quốc - Iran, đồng thời cáo buộc chính phủ bán các tài sản quốc gia cho Bắc Kinh với giá rẻ mạt.
Trên thực tế, Iran có lẽ sẽ cố ý kéo dài việc tái đàm phán hoặc thậm chí hủy bỏ các dự án đã nhất trí với Trung Quốc, đặc biệt nếu Tehran có thể tái lập quan hệ thương mại với phương Tây.
Sự đối đầu gay gắt và các cuộc xung đột trực chờ bùng nổ ở Trung Đông cũng cho thấy những thách thức ở khu vực này. Bắc Kinh chắc chắn muốn tránh can thiệp quân sự vào Trung Đông giống như Mỹ, ngay cả khi Washington nhận được những lợi ích nhất định nhờ "chiếc ô an ninh" này.
Tuy nhiên, lịch sử cho thấy các lợi ích chính trị, kinh tế và quân sự của các quốc gia khu vực gắn kết chặt chẽ với nhau. Khi các lợi ích kinh tế ở Trung Đông lớn dần lên, Trung Quốc sẽ thấy ngày càng khó duy trì thái độ trung lập về chính trị và an ninh trong một khu vực mà các nhân tố liên quan đều muốn bất kỳ ai tham dự đều phải "chọn phe".
Tình thế khó xử của Trung Quốc
Sự phức tạp trong các mối quan hệ ở Trung Đông khiến cho Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử. Bắc Kinh muốn xây dựng quan hệ chiến lược với Tehran ngay trong khi nước này thúc đẩy các mối quan hệ gần gũi hơn với các nước khu vực như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Israel. Trên thực tế, Trung Quốc cũng đang đàm phán quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Saudi Arabia và UAE. Tuy nhiên, những quốc gia này gọi Iran là một mối đe dọa hiện hữu và nếu Trung Quốc thúc đẩy quan hệ với "kẻ thù không đội trời chung" này, Bắc Kinh có thể đặt mối quan hệ với các nước trên vào vòng xoáy rủi ro.
Năm 2018, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Saudi Arabia, UAE và Israel lớn hơn gấp 3,5 lần kim ngạch thương mại của nước này với Iran (123 tỷ USD so với 35 tỷ USD). Chỉ vài ngày trước khi thông tin về thỏa thuận Trung Quốc - Iran bị rò rỉ ra ngoài, Ngoại trưởng Trung Quốc và các ngoại trưởng của Liên đoàn Arab đã thông qua Tuyên bố Amman với việc các nước Arab tán thành chính sách ngoại giao trung lập của Trung Quốc về "một cộng đồng với tương lai chung vì nhân loại". Những dấu hiệu trên có thể giúp giải thích tại sao Bắc Kinh chưa chính thức xác nhận nước này đang trong quá trình đàm phán một thỏa thuận với Iran.
Lợi ích của Trung Quốc trong việc duy trì các mối quan hệ tốt đẹp với các nước vùng Vịnh và Israel đã làm dấy lên một câu hỏi phức tạp rằng liệu Bắc Kinh sẽ làm gì để cân bằng mối quan hệ với Iran và với các nước vốn luôn coi Tehran là mối đe dọa khu vực với cáo buộc nước này ủng hộ các lực lượng ủy nhiệm tại Lebanon, Yemen, Iraq và Syria. Nếu xử lý không khéo léo, Bắc Kinh có thể “mất nhiều hơn được” tại Trung Đông bởi việc nước này thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Iran có thể là một lý do để các nước vùng Vịnh và Israel đi đến kết luận rằng, hiện nay, Trung Quốc đã quyết định đứng về phía kẻ thù của họ.
Trở thành nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới từ năm 2017, Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Trung Đông. Năm 2019, Saudi Arabia trở thành nhà cung cấp dầu mỏ hàng đầu của Trung Quốc. 3 nước Trung Đông khác gồm Iraq, UAE và Iran cũng là những nhà cung cấp lớn.
Cho tới nay, Trung Quốc cố gắng để tận dụng các mối quan hệ phát triển tốt đẹp với các nước vùng Vịnh, Israel và Iran. Mỗi bên đều có những giá trị to lớn với các dự án đầu tư của Trung Quốc. Tuy nhiên, sự đối đầu gay gắt giữa các bên ở Trung Đông buộc Trung Quốc phải giảm bớt mức độ hợp tác với Iran hoặc nước này sẽ phải tìm cách để làm yên lòng các quốc gia vùng Vịnh và Israel về các chính sách của Tehran. Trung Quốc dường như vẫn e ngại thừa nhận rằng, nước này đang đứng trong tình thế buộc phải lựa chọn nhưng thực tế khốc liệt ở Trung Đông sẽ khiến điều đó trở nên rõ ràng hơn./.