Thấy gì từ chính trường Anh Quốc?
VOV.VN- Ngay sau khi chiến thắng ông Cameron nhấn mạnh, Đảng Bảo thủ của ông đã “tạo ra hy vọng thực sự cho người dân”.
Theo kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử ở Anh, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng đương nhiệm David Cameron được 331 ghế, Công Đảng đứng thứ hai với 232 ghế.
Tiếp theo là Đảng Quốc gia Scotland (SNP) 56 ghế, Đảng Dân chủ Tự do 8 ghế, số ghế còn lại thuộc về các đảng nhỏ. Với con số 329 ghế của Đảng Bảo Thủ, ông Cameron chắc chắn sẽ tái giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ hai.
Từ sự bất ngờ, hứng khởi…
Chiến thắng vang dội của Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử lập pháp ở Anh được xem là một trong những bất ngờ lớn nhất trong các cuộc bầu cử trong vài thập niên qua tại Vương quốc Anh.
Nếu như chỉ số thăm dò dư luận trước đó, thì Đảng Bảo thủ và Công Đảng luôn bám sát nhau, nhưng kết quả cuối cùng cho thấy Đảng Bảo thủ cầm quyền không chỉ dẫn đầu mà còn giành số ghế quá bán với mức có quyền tự thành lập Chính phủ mà không cần liên minh với Đảng nào.
Trước đó, trong khi tranh cử ông Cameron tự tin nói rằng: “Thủ tướng tiếp theo bước vào cánh cửa kia sẽ là tôi hoặc ông Ed Miliband” và một chính phủ do Đảng Bảo thủ lãnh đạo sẽ chăm lo “một nền kinh tế phát triển, tạo công ăn việc làm, làm ra tiền bạc để đảm bảo Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) được cải thiện và tài trợ đúng cách”.
Ngay sau khi chiến thắng ông Cameron nhấn mạnh thêm rằng, Đảng của ông đã “tạo ra hy vọng thực sự cho người dân”. Kết quả bầu cử chứng tỏ kế hoạch tích cực của Đảng Bảo thủ đã được cử tri hưởng ứng và tạo cơ hội cho ông Cameron tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được trong 5 năm cầm quyền vừa qua.
Sự bất ngờ thứ hai là Đảng Dân tộc Scotland (SNP) và Đảng Dân chủ tự do LibsDem. Đảng SNP đã giành kết quả được báo chí Anh ví như là “cơn sóng thần” ở phía Bắc Vương quốc Anh với số ghế áp đảo 56/59 ghế tại đây và trở thành độc quyền lãnh đạo xứ Scotland trong 5 năm tới.
Với chiến thắng này SNP chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn trong các cải cách của Vương quốc Anh liên quan đến vùng đất Scotland. Trong khi Đảng Dân chủ tự do chỉ còn giữ được 8 ghế, khiến thủ lĩnh của Đảng này là ông Nick Clegg lập tức tuyên bố từ chức.
Giới phân tích chính trị tại Anh cho rằng, kết quả bầu cử lần này ở Anh quả là khó dự đoán nhất kể từ sau Thế chiến thứ II và đây là dấu hiệu của sự đảo lộn lớn trên chính trường nước Anh trong tương lai gần.
Về đối nội, sau thất bại của Công Đảng, Đảng Dân chủ tự do, và Đảng UKIP – bài châu Âu với sự ra đi của các thủ lĩnh các Đảng nói trên thì đường lối kinh tế của Đảng Bảo thủ ắt sẽ được triển khai với ít sự cản trở hơn.
Về đối ngoại, chiến thắng lớn của Đảng Bảo thủ đã củng cố vị thế và uy tín của Thủ tướng Anh Cameron trong các cuộc thương lượng với EU về tương lai của nước Anh trong khối này. Và việc tổ chức trưng cầu ý dân về rút khỏi EU vào năm 2017 chỉ còn là vấn đề thời gian.
Vào đêm 7/5, ông Cameron khẳng định, Đảng Bảo thủ đã có “một đêm mạnh mẽ và tuyệt vời”, ông nói: “Tôi muốn rằng Đảng Bảo thủ và chính phủ do tôi tiếp tục lãnh đạo sẽ khôi phục lại sự đoàn kết, thống nhất của một Liên hiệp Vương quốc Anh. Đây chính là điều tôi sẽ làm khi lãnh đạo đất nước.
Và nếu có đủ may mắn tôi sẽ thành lập một chính phủ mới trong những ngày tới. Chúng tôi sẽ không bao giờ lo ngại và sẽ đối đầu với những thách thức chính trị lớn. Từ việc giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, đến tổ chức trưng cầu ý dân về tương lai của Scotland, của Liên hiệp Vương quốc Anh hay cả vấn đề tương lai của Anh tại EU”.
Giới phân tích cho rằng, với thắng lợi của đảng Dân tộc xứ Scotland do bà Nicola Sturgeon cầm đầu và Cựu lãnh đạo SNP là Alex Salmond cũng giành được ghế từ tay phe Lib-Dem để vào Quốc hội khiến cho xứ Scotland khó bề tách khỏi cộng đồng Vương quốc Anh.
Đến việc ở lại hay rời bỏ EU…
Trong quá trình vận động tranh cử, ông Cameron tuyên bố nếu Đảng Bảo thủ của ông giành chiến thắng, cuộc trưng cầu dân ý về việc rời bỏ EU sẽ được tổ chức vào năm 2017. Đây là phương án được Đảng Dân chủ Tự do trong liên minh cầm quyền ủng hộ.
Các Đảng còn lại, trong đó có Đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) vẫn theo đuổi đường lối chống nhập cư, và mở chiến dịch vận động rời khỏi EU ngay lập tức. Trong khi, Công Đảng và Đảng Quốc gia Scotland (SNP) lại phản đối ý tưởng về cuộc trưng cầu dân ý nói trên.
Tạp chí Nikkei Asian Review cho rằng, nếu Anh “ra đi”, các thành viên khác của EU chắc cũng sẽ lung lay, nhất là trong bối cảnh Hy Lạp đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và rời bỏ EU có thể dẫn tới sự suy yếu của liên minh này. “Nếu EU suy yếu, châu Á - Thái Bình Dương có thể trở thành sân khấu của những căng thẳng phân cực giữa Trung Quốc, Mỹ và các đồng minh”.
Đến nay kết quả bầu cử đã ngã ngũ, việc tổ chức trưng cầu dân ý vào năm 2017, để xem xét khả năng Anh Quốc có rút khỏi EU hay không, chắc chắn sẽ diễn ra. Tuy nhiên, việc sớm có các cuộc thương lượng với EU để điều chỉnh lại các quyền lợi và nghĩa vụ của Anh trong Liên hiệp và đều sẽ diễn ra trước năm 2017.
Ngay sau khi Đảng Bảo thủ của Anh do Thủ tướng Cameron dẫn đầu giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Người phát ngôn Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố EC muốn “hợp tác mang tính xây dựng” với Vương quốc Anh liên quan các chương trình cải cách mà London muốn EU thực hiện.
EC cũng cho biết đã sẵn sàng các cuộc thảo luận với Anh về khả năng cải tổ các hiệp ước mới của châu Âu. Đó là những tín hiệu tốt, khiến khả năng rời khỏi EU của Anh quốc khó có thể trở thành hiện thực, vì khi lợi ích của nước Anh trong liên minh được bảo đảm, có lợi hơn, thì các cử tri Anh cũng sẽ thay đổi quan điểm. Điều quan trọng hơn là sự nhượng bộ lẫn nhau của EU và Anh quốc trong các cuộc thương thảo sắp tới.
Và chính sách nhập cư mới…
Vấn đề nhập cư thật sự là một “điểm nóng” trên chính trường Anh và hiện người ta chưa biết diễn biến sẽ theo chiều hướng nào. Tuy nhiên, theo thị trưởng London, ông Boris Johnson từng đặt hàng đại học hàng đầu về kinh tế ở Anh là trường LSE khảo sát vấn đề người nước ngoài cư trú bất hợp pháp ở Anh thì với những giải pháp như cấp giấy tạm thời cho họ đi làm và đóng thuế, nước Anh sẽ thu được khoảng 4 tỷ bảng Anh cho ngân sách mỗi năm, thay vì chính sách phải bỏ ra số tiền trên để giải quyết những hệ quả do những người nhập cư gây ra cho xã hội.
Giờ đây Đảng Bảo thủ đã thắng lợi, liệu có còn cứng rắn trong việc trục xuất người nước ngoài cư trú bất hợp pháp nữa hay không, với kinh nghiệm quản lý khu đô thị số một của nước Anh, ông Boris Johnson có thể làm thay đổi định hướng hoạt động của bộ máy nhà nước, tạo ra hi vọng cho những người nhập cư trái phép là câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Được biết Chính phủ đương nhiệm của Anh trước đó đã có chủ trương giảm người nhập cư thực tế xuống dưới 100.000 người. Theo số liệu của Cơ quan thống kê quốc gia Anh (ONS) thì năm 2014 số người nước ngoài nhập cư vào Anh là 624.000 cao hơn so với con số 530.000 người trong 12 tháng trước đó.
Theo BBC ngày 9/5, ngay sau khi giành thắng lợi, Thủ tướng Anh David Cameron đã tiến hành sắp xếp lại nội các. Theo đó, 4 vị trí nội các chủ chốt vẫn được tái nhiệm.
Đó là, Bộ trưởng Tài chính George Osborne, Bộ trưởng Nội vụ bà Theresa May, Bộ trưởng Ngoại giao Philip Hammond, và Bộ trưởng Quốc phòng ông Michael Fallon.
Vì thế, giới phân tích và dư luận cho rằng, những thắng lợi “ngoạn mục” trong bầu cử sẽ tạo hứng khởi cho Chính phủ của ông David Cameron sớm triển những ý tưởng của mình trên thực tế đáp ứng những nhu cầu của đại bộ phận cử tri Anh đang kỳ vọng ở Đảng Bảo thủ. Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của chính sách của Đảng Bảo thủ mà ông Cameron cầm đầu vẫn còn đang ở phía trước./.