Thấy gì từ mối quan hệ chiến lược Mỹ - Ấn?
VOV.VN - Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi rất có ý nghĩa trong việc xác định khuynh hướng quan hệ của Ấn Độ với các nước lớn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có chuyến công du tới Mỹ 4 ngày (26 - 30/9) với hai mục đích chính là dự kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và có cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhằm khẳng định quan hệ mới giữa hai nước.
Từ “đồng minh tự nhiên”…
“Đồng minh tự nhiên” trong quan hệ Ấn – Mỹ đã được các Thủ tướng tiền nhiệm của Ấn Độ đưa ra vào những năm 1998 – 2004. Với bước đột phá lớn trong quan hệ hai nước vào thời kỳ đó đã đưa lại các thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự, hợp tác quốc phòng...
Tuy nhiên, do tình trạng “vừa yêu, vừa ghét” của ban lãnh đạo Đảng Quốc đại và Chính phủ cùa Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) đã làm “lãng phí” những cơ hội lịch sử trong quan hệ hai nước.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ dưới thời ông A.K. Antony đã thận trọng giảm sự hợp tác với Mỹ bằng cách nêu ra những mối quan ngại của Trung Quốc. Chính vị trí địa lý của Ấn Độ đã tạo nên điều đó.
Đảng Quốc đại đã không mặn mà với việc xích lại gần Mỹ, vì quan ngại rằng có thể làm phức tạp thêm quan hệ Ấn - Trung. Thực tế cho thấy, quan hệ của Ấn Độ với Mỹ và Trung Quốc hiện vẫn “mỏng hơn” nhiều so với quan hệ Washington - Bắc Kinh.
Giới chức Ấn Độ thời kỳ đó cho rằng, nước Mỹ hùng mạnh nhưng ở xa, trong khi Trung Quốc là nước láng giềng đang nổi lên nhanh chóng và đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Ấn Độ và cạnh tranh ảnh hưởng với New Delhi tại châu Á và Ấn Độ Dương.
Vì thế, quan hệ Ấn – Mỹ tuy được miêu tả là “đồng minh tự nhiên”, nhưng thực tế lại xảy ra nhiều sóng gió trong năm vừa qua, nhiều thỏa thuận không được ký kết và triển khai.
Ngày nay, giới hoạch định chính sách của Ấn Độ cho rằng, đã đến lúc Ấn Độ cần quan hệ tốt với cả Washington và Bắc Kinh, với mục tiêu: “xây dựng sức mạnh quốc gia toàn diện của Ấn Độ bằng bất cứ sự hợp tác nào có thể được với cả Mỹ lẫn Trung Quốc”.
Tuy nhiên, những rào cản giữa hai nước chưa phải đã hết. Trong khi giới chức Ấn Độ quan ngại về cam kết mà Tổng thống Obama đã đưa ra về việc rút hết quân khỏi Afghanistan, thì người Mỹ cũng có những lo lắng về việc Ấn Độ không muốn thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Về kinh tế, trong những năm trước đây (2000–2011), liên tục tăng trưởng thường ở mức 7,4%/năm, nay chỉ còn 4,5% trong năm 2012 và sau đó tăng nhẹ trở lại vào năm 2013. Điều này đặt ra nhiều câu hỏi cho giới chức kinh tế ở Washington về khả năng tạo dựng sức mạnh quốc gia của Ấn Độ.
… đến đỉnh cao của “khúc dạo đầu”
Trong chuyến thăm Mỹ lần đầu tiên của Thủ tướng Modi, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tổ chức bữa tiệc riêng tại Nhà Trắng vào tối 29/9 để chào mừng.
Giới phân tích cho rằng, chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Modi rất có ý nghĩa trong việc xác định khuynh hướng quan hệ của Ấn Độ với các nước lớn xuyên suốt nhiệm kỳ của Chính phủ của Đảng Quốc đại (NDA).
Tiến sĩ Raja Mohan - chuyên viên đặc biệt tại Viện Nghiên cứu Nhà quan sát (ORF) của Ấn Độ cho rằng, sau các cuộc trao đổi cấp cao với hai nước phía Đông là Nhật Bản và Trung Quốc, chuyến thăm của Thủ tướng Modi tới phía Tây là Mỹ sẽ đánh dấu đỉnh cao trong “khúc dạo đầu” về chính sách ngoại giao của Chính phủ NDA đối với các nước lớn.
Mặc dù giới nghiên cứu Ấn Độ có đánh giá chung rằng, vị thế của Mỹ bị suy giảm và sẽ tiếp tục suy giảm tương đối so với Trung Quốc, nhưng trên thực tế, Mỹ vẫn là thế lực nổi trội nhất thế giới cả về kinh tế và quân sự.
Mỹ vẫn dẫn đầu và có vị thế chi phối các thể chế toàn cầu như: Liên Hợp Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… và là đầu tầu trong việc thiết lập những nguyên tắc toàn cầu mới, và vẫn là nước đầu tiên cho ra đời những công nghệ mới (chiết xuất khí đốt tự nhiên trong lòng đất, công nghệ in 3D và những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng...).
Nước Mỹ cũng là nơi tập trung đông đảo số người gốc Ấn giàu có, và cũng là nơi có nhiều người gốc Ấn giữ các vị trí quan trọng trong chính phủ, trong các ngành công nghiệp và các viện hàn lâm khoa học.
Thủ tướng Modi hiện ở vị thế tốt hơn những người tiền nhiệm để khai thác đầy đủ tiềm năng quan hệ Ấn - Mỹ. Ông Modi cũng có cơ hội tiếp xúc với tất cả giới lãnh đạo nước Mỹ để vạch lộ trình cho sự mở rộng mạnh mẽ quan hệ song phương trong những năm tới.
Vì thế, giới phân tích cho rằng, chuyến thăm của ông Modi tới Mỹ có thể coi là một cơ hội “vàng” để “nạp lại” mối quan hệ song phương, và đây cũng là cơ hội quan trọng mà cả hai nước Mỹ - Ấn đều không thể bỏ qua.
Và “góp phần định hình thế kỷ 21”…
Trong các cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Narendra Modi với Tổng thống Obama, các nhà lãnh đạo Quốc hội và giới chức cấp cao Mỹ đã diễn ra tốt đẹp.
Hai bên tập trung thảo luận nhằm nỗ lực làm sâu sắc thêm mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn đã được ông Obama từng mô tả là “góp phần định hình thế kỷ 21”.
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi, hai bên cũng sẽ thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng cường hợp tác về an ninh và phối hợp hành động nhằm mang lại những lợi ích lâu dài không chỉ cho hai nước mà cho cả thế giới, trong đó có những diễn biến mới nhất tại Syria, Iraq và Afghanistan.
Về kinh tế, Ấn Độ đã thuyết phục các công ty đa quốc gia của Mỹ tin tưởng rằng Ấn Độ là một nền kinh tế đang phát triển mạnh, một thị trường lớn với chi tiêu của người dân năm 2013 đạt 1.100 tỷ USD và dự kiến đến năm 2023 sẽ đạt 4.300 tỷ USD.
Chính phủ mới tại Ấn Độ cũng chủ trương mở rộng cảnh cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trong lĩnh vực quốc phòng. Hai bên cũng sẽ thảo luận cách thức thúc đẩy quan hệ thương mại hiện vẫn ở mức khiêm tốn với 63 tỷ USD năm 2013.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã đánh giá quan hệ hữu nghị với Ấn Độ là một trong những ưu tiên chiến lược dài hạn của Mỹ, ông cho rằng hiện tại là “thời điểm chuyển đổi tiềm năng” trong quan hệ đối tác khi hai nước đã quyết tâm thực hiện những cơ hội chiến lược.
Như vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Modi tới Mỹ sẽ đánh dấu bước tiến mới hướng tới mối quan hệ đối tác chiến lược thực sự, với một nghị trình đầy tham vọng, nhưng thực tế về các mối quan hệ kinh tế, an ninh và chính trị… Vì thế, giới phân tích cho rằng, mối quan hệ Mỹ-Ấn sâu sắc hơn, sẽ có tác động tích cực, toàn diện đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cũng có tính toàn cầu./.