Thế giới 24h: Tàu ngầm Trung Quốc tấn công giả định tàu sân bay Mỹ
VOV.VN- Các quan chức quốc phòng Mỹ ngày 15/12 cáo buộc một tàu ngầm Trung Quốc đã tấn công giả định bằng tên lửa vào tàu sân bay USS Reagan của Mỹ.
1. Các quan chức Mỹ cho biết, vụ việc này diễn ra trên Biển Nhật Bản ngày 24/10. Theo đó, ngay khi rời cảng Yokosuka, tàu sân bay USS Reagan được cho là đã áp sát một tàu ngầm của Trung Quốc.
Theo tạp chí Washington Free Beacon đây là vụ “áp sát gần nhất” giữa một tàu sân bay của Mỹ và một tàu ngầm của Trung Quốc trong vòng 5 năm qua.
Tàu USS Reagen của Mỹ. Ảnh Hài quân Mỹ |
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, căng thẳng gia tăng khi họ phát hiện ra chiếc tàu ngầm của Trung Quốc đã khóa mục tiêu tàu sân bay của Mỹ trong một cuộc tập trận của Hải quân Trung Quốc.
Hạ Nghị sĩ Randy Forbes, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ tuyên bố: “Nếu thông tin này là chính xác, nó một lần nữa cho thấy Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ có thể gây nguy hiểm đến các lực lượng của Mỹ trong khu vực.
Hành động mới nhất này của Trung Quốc là lời nhắc nhở chúng ta rằng, Trung Quốc đang đi theo con đường gây bất ổn trong khu vực và Mỹ đang phải đối phó với thách thức rất lớn trong việc duy trì ổn định về cán cân quân sự tại châu Á- Thái Bình Dương”.
Trung Quốc nói Mỹ "thổi phồng" nguy cơ chạy đua vũ trang ở Biển Đông
Trung Quốc phản đối Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
2. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Nga và Mỹ đã thống nhất được rất nhiều điểm mấu chốt trong vấn đề Syria.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Sergei Lavrov ngày 15/12, ông Kerry nhấn mạnh: “Mỹ sẵn sàng hợp tác với Nga”.
|
Theo ông Kerry, quan chức hai nước đã “có một ngày làm việc rất hiệu quả” và các cuộc đối thoại “đều mang tính xây dựng”.
“Bất chấp khác biệt giữa 2 nước chúng tôi vẫn thể hiện được rằng, khi Mỹ và Nga xích lại gần nhau và cùng nhìn về một hướng, chúng tôi có thể đạt được những bước tiến quan trọng”, ông Kerry nói.
Ông Kerry gọi những nỗ lực của cả hai bên là “thiện chí ngoại giao” và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế được hưởng lợi rất nhiều từ sự hợp tác này.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov khẳng định, Mỹ và Nga đều đã cam kết hợp tác chống lại IS ở Syria và trong cuộc gặp giữa ông và ông Kerry cả hai bên đều đã nhất trí tiến hành “một số bước đi cụ thể” để hiện thực hóa nỗ lực này.
“Chúng tôi xác nhận quân đội Nga và Mỹ đã đạt được nhiều thỏa thuận với những điều khoản rõ ràng nhằm giúp tăng cường sự điều phối và hiệu quả của các chiến dịch quân sự mà hai bên đang tiến hành tại Syria”, ông Lavrov nói.
3. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 15/12 đã lên tiếng yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ liên quân nhiều hơn nữa trong cuộc chiến chống IS.
Phát biểu trong chuyến công du Trung Đông và có mặt tại căn cứ Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông Carter nhấn mạnh, Ankara cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa khu vực biên giới với Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Ảnh Reuters |
Theo ông Carter, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cần phải “rào dậu thật kỹ” khoảng 100km đường biên giới Syria- Thổ Nhĩ Kỳ được cho là bị IS lợi dụng để buôn lậu hàng hóa và tuồn binh sĩ nước ngoài vào Syria.
“Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống IS. Dù trân trọng những gì nước này đã làm được, chúng tôi vẫn muốn họ làm thêm nhiều nữa”, ông Carter nói.
Theo ông Carter, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải tham gia vào cuộc chiến chống IS cả trên không và trên bộ bởi vị trí địa lý của họ là lý tưởng để làm điều này”.
Căn cứ sân bay Incirlik đóng vai trò thiết yếu trong chiến dịch không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu chống IS. Trong số 59 máy bay chiến đấu của Mỹ, có tới 45 chiếc sử dụng căn cứ này để hoạt động. Ngoài ra, số quân nhân Mỹ có mặt tại căn cứ này đã tăng từ 300 hồi tháng 7 lên 1.300 tại thời điểm này.
Tổng thống Mỹ đe dọa các trùm sò IS “Các người là mục tiêu tiếp theo”
Vì sao Mỹ không ném bom các cơ sở truyền thông bí mật của IS?
4. Triều Tiên ngày 15/12 mô tả cuộc đối thoại cấp cao với Hàn Quốc là “mất thời gian” và “đẩy lùi mối quan hệ giữa hai bên”.
Tuyên bố trên được phía Triều Tiên đưa ra trong bối cảnh cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tiếp tục đổ lỗi cho nhau về thất bại của cuộc đối thoại kết thúc hôm 12/12.
Đại diện Triều Tiên và Hàn Quốc gặp nhau trong cuộc đối thoại liên Triều. Ảnh Reuters |
Theo đó, cuộc đối thoại cấp thứ trưởng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc- cuộc đối thoại đầu tiên giữa 2 bên ở cấp độ này trong vòng 2 năm qua- đã kết thúc sau 2 ngày đàm phán liên tục mà không đạt được bất kỳ một thỏa thuận hay cam kết nào giữa hai bên.
“Cuộc đối thoại này mang lại kết quả còn tệ hơn là khi hai bên không tổ chức cuộc đối thoại nào và triển vọng về việc cải thiện mối quan hệ liên Triều ngày càng trở nên mờ mịt”, Ủy ban về Thống nhất và Hòa bình liên Triều (CPRK) của Triều Tiên tuyên bố.
Theo đó, tại cuộc đối thoại, trong khi Triều Tiên tập trung vào việc yêu cầu Hàn Quốc mở lại tuyến du lịch lên núi Kumgang thì Hàn Quốc lại ưu tiên bàn về việc tổ chức các cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
5. Chín người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác đã phải trèo lên mái nhà tránh lụt tại miền Trung Philippines sau khi cơn bão nhiệt đới Melor tràn vào.
Bão Melor, gọi theo tên địa phương là Nona hiện cách đảo Mindoro khoảng 150km về phía Tây Bắc.
Bão Melor gây sóng to và mưa lớn tại một khu vực ven biển Philippines. Ảnh AP |
Khoảng 80% các tỉnh thành của Philippines đã bị ảnh hưởng nặng nề. Hàng nghìn ngôi nhà được xây dựng thô sơ đã bị phá hủy hoàn toàn sau trận bão.
Gần 800.000 người đã phải sơ tán tại các trung tâm. Nhiều hộ gia đình phải sống trong cảnh mất điện và mất nước. Ước tính, phải mất từ 3-4 tháng mới có thể khôi phục lại điện cho các địa phương bị ảnh hưởng.
Tính đến cuối ngày 15/12, thủ đô Manila gần như bị tê liệt do nước lũ dâng cao tới ngực, đã khiến nhiều dịch vụ tàu hỏa bị đình trệ, gây gián đoạn giao thông tại nhiều đường phố. Ít nhất 5 người được cho là đã mất tích. Khoảng 120 chuyến bay trong nước đã bị hủy bỏ. Nhiều dịch vụ tàu phà đã phải đình chỉ.
6. Ngày 15/12, IAEA đã thông qua nghị quyết chấm dứt cuộc điều tra kéo dài 12 năm về những vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.
Nghị quyết được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thông qua sau khi bản báo cáo đánh giá cuối cùng về chương trình hạt nhân của Iran được công bố hồi đầu tháng 12, trong đó xác nhận không tìm thấy bằng chứng về việc Iran phát triển vũ khí hạt nhân sau năm 2009.
Bên trong một nhà máy điện hạt nhân của Iran. Ảnh Reuters |
Việc IAEA thông qua nghị quyết chấm dứt cuộc điều tra về quân sự được cho là sẽ mở đường cho việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được hồi tháng 7 vừa qua giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh cùng với Đức).
Phát biểu trong buổi họp báo tại Vienna (Áo), Giám đốc điều hành IAEA Yukiya Amano cho biết: “IAEA không có các bằng chứng đáng tin cậy về hoạt động ở Iran liên quan đến phát triển vũ khí hạt nhân sau năm 2009, cũng như không tìm thấy bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào liên quan đến quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran. Do đó, chúng tôi đã thông qua nghị quyết hướng dẫn việc dừng điều tra đối với Iran”./.