Thế giới 24h: Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ Su-24 của Nga là “sai lầm khủng khiếp“
VOV.VN- Tướng McInerney khẳng định, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga là “một sai lầm khủng khiếp xuất phát từ một đánh giá thiếu chính xác”.
1. “Chiếc Su-24 không hề có ý định tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ”, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Không quân Mỹ, Trung tướng Tom McInerney ngày 24/11 chia sẻ với hãng tin Fox News: “Kể cả chiếc máy bay này có bay quá đà một chút thì bạn cũng không thể bắn hạ chỉ với lý do như vậy”.
Một chiếc Su-24 của Nga. Ảnh AFP |
Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn cho rằng, hành động quân sự này là hoàn toàn hợp lý. “Chúng tôi không muốn điều này xảy ra nhưng mọi người cần phải tôn trọng quyền bảo vệ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nhấn mạnh và khẳng định hành động quân sự đó là “hoàn toàn phù hợp với luật của nước này”.
Ở chiều ngược lại, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, chiếc Su-24 của Nga chưa hề bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bị bắn hạ khi vẫn ở không phận Syria cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4km.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra nhận định, nhiều khả năng, tiêm kích F-16 đã xâm phạm không phận Syria chỉ để bắn hạ máy bay Nga.
Phương Tây phản ứng trái chiều sau vụ máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ
2. Nga sẽ điều tuần dương hạm Moskva đến gần tỉnh Latakia để bảo vệ lực lượng Không quân của nước này ở Syria sau vụ máy bay Su- 24 bị bắn hạ.
Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Moskva là soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Nga và là một trong 2 tàu lớn nhất của hạm đội này.
Tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Moskva của Nga. Ảnh Hải quân Nga |
Tàu Moskva rời cảng Sevastopol vào mùa hè năm 2015 để đến Địa Trung Hải tham gia cùng các lực lượng Hải quân Nga tại đây.
Từ khi Nga bắt đầu các cuộc không kích IS ở Syria ngày 30/9, tàu Moskva làm nhiệm vụ bảo vệ cho các máy bay chiến đấu của Nga tại đây.
Người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, Trung tướng Sergey Rudskoy ngày 24/11 tuyên bố: “Chúng tôi cảnh báo rằng, mọi mục tiêu được cho là có nguy cơ đe dọa các máy bay và căn cứ không quân của Nga ở Syria sẽ bị tiêu diệt”.
Thủ tướng Nga: Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ IS do lợi ích nhóm trong buôn dầu
3. Lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) đối lập ngày 24/11 đã tung video khẳng định đã bắn hạ trực thăng Mi-8 được điều đi cứu phi công trên chiếc Su-24 bị bắn hạ.
Đoạn video được FSA đăng tải trên Youtube bắt đầu bằng hình ảnh chiếc trực thăng Mi-8 này đang bay cùng một chiếc khác trong một vùng rừng núi.
Hình ảnh trong video của FSA cho thấy một phiến quân lắp đặt bệ phóng TOW và chuẩn bị bắn hạ trực thăng Mi-8. Ảnh Sputnik |
Sau đó là cảnh một phiến quân thuộc FSA thiết lập bệ phóng tên lửa TOW và ngắm bắn chiếc trực thăng. Chiếc trực thăng này nổ tung sau khi trúng tên lửa.
Bộ Tổng tham mưu Nga xác nhận một chiếc trực thăng Mi-8 đã bị rơi sau khi bị trúng đạn trong quá trình tìm kiếm 2 phi công trên chiếc cường kích Su-24 bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Theo đó, một lính thủy quân lục chiến của Nga đã thiệt mạng tại hiện trường trong khi những binh sĩ khác trên chiếc trực thăng được đưa về căn cứ không quân Hmeymim của Nga ở Syria.
4. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ngày 24/11 lên tiếng ủng hộ việc Hải quân Mỹ điều tàu chiến tuần tra ở Biển Đông.
Phát biểu sau cuộc gặp với Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ trong chuyến thăm trụ sở Bộ Chỉ huy ở Hawaii, Mỹ, ông Nakatani khẳng định, quân đội Mỹ đang đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực bảo vệ quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ. Ảnh Hải quân Mỹ |
“Cộng đồng quốc tế sẽ không cho phép có hành động đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông bằng vũ lực và Nhật Bản cũng nghĩ như vậy. Mỹ cũng nghĩ như vậy và chúng tôi đã nhất trí về việc này”, ông Nakatani nói.
Hải quân Mỹ hồi tháng 10 đã điều tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen áp sát khu vực 12 hải lý quanh các bãi đá mà Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông. Động thái này của Mỹ được cho là nhằm thách thức “tham vọng nuốt trọn Biển Đông” của Trung Quốc.
Ông Nakatani cho biết, Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước trong khu vực tăng cường năng lực Hải quân của mình. Theo đó, Nhật Bản sẽ tặng 10 tàu tuần tra cho lực lượng tuần duyên Philippines.
“Chúng tôi luôn tham gia một cách tích cực vào việc tăng cường ổn định trong khu vự, bao gồm việc xây dựng năng lực phòng vệ cho các nước có liên quan ở Biển Đông và tiến hành tập trận thường xuyên với Mỹ”, ông Nakatani nói.
5. Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Pháp Hollande đã nhất trí tăng cường các nỗ lực chống IS nói riêng và chủ nghĩa khủng bố nói chung.
Cuộc gặp Tổng thống Mỹ tại Washington ngày 24/11 nằm trong khuôn khổ chuyến thăm nhiều nước của Tổng thống Pháp Hollande nhằm tìm kiếm thêm sự ủng hộ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhất là sau khi xảy ra các vụ tấn công ở Paris.
|
Phát biểu trong cuộc họp báo chung sau hơn một giờ hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama cho biết, Chính phủ và người dân Mỹ không bao giờ quên những gì nước Pháp đã trải qua sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại thủ đô Paris đêm 13/11 vừa qua.
Ông Obama khẳng định, Mỹ sẽ đoàn kết, sát cánh bên cạnh Pháp trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ các nước bạn bè và đồng minh. Theo ông Obama, Mỹ đã hỗ trợ các chiến dịch không kích gần đây của Pháp ở Syria và sẽ tiếp tục hoạt động này trong thời gian tới.
“Đây là thời điểm quan trọng đối với cả thế giới. Nhóm khủng bố man rợ mang tên IS và hệ tư tưởng giết người của chúng đã dấy lên mối đe dọa nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Đó là điều không thể chấp nhận được và cần phải bị triệt tiêu. Chúng ta phải làm điều đó cùng nhau. Đó là ý tưởng đã mang chúng ta lại cùng nhau hôm nay”, ông Obama tuyên bố.