Thế giới 7 ngày: 104 người đã thiệt mạng do vụ nổ tại cảng Thiên Tân
VOV.VN- Theo thông tin mới nhất số người thiệt mạng trong vụ nổ một kho hàng ở cảng Thiên Tân (Trung Quốc) đã tăng lên 104 người, hơn 700 người khác bị thương.
1. Vào khoảng 22h50 đêm 12/8 đã xảy ra một vụ nổ lớn tại một kho container ở thành phố cảng Thiên Tân, Trung Quốc - cách Bắc Kinh khoảng 150 km. Vụ nổ đã phá hủy hoàn toàn kho chứa các loại hóa chất độc hại.
Vụ nổ kho hàng tại Thiên Tân (Trung Quốc) tương đương với 24 tấn thuốc nổ TNT. Ảnh AP |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngay lập tức ra chỉ thị, chỉ đạo công tác cứu hộ, điều tra nguyên nhân xảy ra vụ nổ.
Đã có 2 vụ nổ xảy ra, vụ nổ thứ nhất, xảy ra vào khoảng 22h50, vụ nổ thứ hai xảy ra sau đó khoảng 30 giây.
Các vụ nổ đã làm vỡ vụn toàn bộ cửa kính các khu nhà nằm trong bán kính 2km, toàn bộ xe ô tô nằm gần khu vực phát nổ bị thiêu rụi.
Theo đánh giá của các chuyên gia, vụ nổ có sức công phá tương đương với 24 tấn thuốc nổ TNT, và gây ra rung chấn tương đương với một trận động đất mạnh 2,9 độ richter, thậm chí một số địa phương thuộc tỉnh giáp ranh là Hà Bắc cũng cảm nhận được rung chấn.
Thống kê mới nhất cho biết, số người thiệt mạng trong vụ nổ đã tăng lên 104 người và có tới hơn 700 người khác bị thương, trong đó có hàng chục trường hợp đang nguy kịch.
Khoảng 6.000 người dân đã được sơ tán đề phòng các loại khí độc có thể bị phát tán vào không khí. Ngày 15/8, những cư dân đang tạm trú tại một trường học gần nơi xảy ra vụ nổ lại được lệnh sơ tán do gió đổi chiều làm dấy lên lo ngại các loại chất độc có thể bị thổi ngược vào nội địa.
Nhóm 217 chuyên gia về hạt nhân và hóa học của quân đội Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra mức độ ô nhiễm không khí do các loại khí độc hại phát tán sau vụ nổ.
Nhóm bảo vệ môi trường Greenpeace cảnh báo rằng các hóa chất tại hiện trường vụ nổ có thể rất nguy hiểm và cần giám sát chặt chẽ các độc tố tiềm ẩn trong không khí.
Tờ Nhân dân nhật báo cho biết, lực lượng cứu hộ đã cố gắng để loại bỏ 700 tấn hóa chất nguy hiểm Natri Cyanua khỏi khu vực hiện trường vụ nổ vào cuối ngày hôm qua.
Xem: Video hai vụ nổ kinh hoàng tại Thiên Tân, Trung Quốc
NASA chụp được vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân, 85 người đã chết
2. Không chỉ chịu thiệt hại nặng nề trong vụ nổ kinh hoàng ở Thiên Tân, trước đó, 2 tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến của Trung Quốc cũng đã phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như bị thiệt hại nhiều nhất từ siêu bão Soudelor.
Cơn bão có tên quốc tế là Soudelor - Trung Quốc gọi là cơn báo số 13, sau khi quét qua Đài Loan và gây thiệt hại tại nơi đây, đã đổ bộ vào các tỉnh miền Đông Trung Quốc trong các ngày 8-9/8.
Trong đó, Chiết Giang và Phúc Kiến là hai địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp cũng như bị thiệt hại nhiều nhất.
Theo thống kê mới nhất, tại tỉnh Chiết Giang, siêu bão Soudelor đã làm 14 người thiệt mạng, 4 người mất tích và gần 2 triệu người phải gánh chịu thiệt hại.
Còn tại tỉnh Phúc Kiến, bão Soudelor đã làm 3 người thiệt mạng, 1 người mất tích, kéo đổ 3.000 căn nhà, huỷ hoại gần 60.000 ha hoa màu, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn 1 triệu người.
Xem: Những clip về sức mạnh khủng khiếp của siêu bão Soudelor ở Trung Quốc
Sự khác biệt giữa bão hurricane, bão cyclone, và bão typhoon là gì?
3. Ngày 9/8, Singapore long trọng tổ chức duyệt binh lớn, điểm nhấn trong hàng loạt sự kiện trên khắp cả nước để chào mừng ngày kỷ niệm tròn 50 năm ngày thành lập nước.
Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu không phải là người đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của Singapore vào đúng ngày này 50 năm trước nhưng bản ghi âm lời ông đọc văn bản khai sinh ra quốc đảo này được thực hiện cách đây 3 năm.
Hình ảnh cố Thủ tướng Lý Quang Diệu xuất hiện trong lể kỷ niệm 50 năm Ngày Độc Lập của Singapore. Ảnh AP |
Cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày Độc Lập của Singapore ngày 9/8 cũng bao gồm lễ tưởng nhớ đặc biệt tới cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người vừa qua đời hồi tháng 3 vừa qua, để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng người dân Singapore và bạn bè quốc tế.
Trong Thông điệp Ngày Độc lập, Thủ tướng Lý Hiển Long đã ôn lại những ký ức của cha ông, cố Thủ tướng lập quốc Lý Quang Diệu, trong những tháng ngày gian khó của Singapore khi mới tách ra khỏi Malaysia. Ông cũng khẳng định, người dân Singapore cần phải tự hào vì trong nửa thế kỷ ngắn ngủi so với lịch sử của nhiều quốc gia khác, đất nước nhỏ bé này đã vượt qua nhiều bão tố như cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973, khủng hoảng dịch SARS hay khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây.
Ông nói: “Hơn hết, chúng tôi kỷ niệm chặng đường đi từ thế giới thứ ba đến thế giới thứ nhất mà ở đó người dân chúng tôi đoàn kết, không ai bị bỏ lại phía sau. Mỗi người dân đều được hưởng lợi từ sự tiến bộ của đất nước này. Cuộc sống của mọi người, dù là người Hoa, người Mã Lai, người Ấn hay người châu Âu, dù là công nhân hay nhân viên văn phòng đều được cải thiện. Mọi người đều có cơ hội phát triển và có thể nhìn về một tương lai tươi sáng hơn.”
Singapore tưng bừng kỷ niệm 50 năm ngày độc lập
4. Cũng trong ngày 9/8, Nhật Bản kỷ niệm 70 năm ngày quả bom nguyên tử thứ hai của Mỹ ném xuống thành phố cảng công nghiệp Nagasaki, 3 ngày sau khi quả bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới rơi xuống Hiroshima.
Những người may mắn sống sót sau thảm họa này giờ đây cũng đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng những ký ức kinh hoàng và bài học đau thương mà họ còn lưu giữ cho thế hệ mai sau vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Trẻ em Nhật Bản thả bóng bay hình chim bồ câu và trái tim trong lễ kỷ niệm 70 năm ngày quả bom nguyên tử thứ hai của Mỹ ném xuống thành phố cảng công nghiệp Nagasaki. Ảnh Reuters |
Đúng 11h02 sáng (tức 9h02 theo giờ Việt Nam) tại khu tưởng niệm các nạn nhân vụ ném bom nguyên tử ở Nagasaki, một hồi chuông gióng lên trong phút mạc niệm dành cho những người đã khuất.
Tham dự lễ tưởng niệm có Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Caroline Kennedy, quan chức 76 nước trên thế giới, trong đó có Nga và Pháp, cùng người dân thành phố Nagasaki, trong đó có những nhân chứng của thảm họa này.
Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gửi lời chia buồn sâu sắc đến những người đã mất thân nhân cũng như bày tỏ sự cảm thông đối với những người vẫn còn hứng chịu những hậu quả của vụ nổ bom nguyên tử.
Ông Abe nhấn mạnh: “Khi tôi nhìn thấy thành phố Nagasaki ngày nay đã được xây dựng lại, tôi càng trân trọng hơn những giá trị của hòa bình. Và để không bao giờ phải hứng chịu những thảm họa hạt nhân như thế nữa, chúng tôi tái khẳng định cam kết tuân thủ những nguyên tắc về an toàn hạt nhân là không sở hữu, không sản xuất và không cho phép vũ khí hạt nhân. Đáng tiếc là sau 70 năm xảy ra thảm họa này, thế giới vẫn chưa có một Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân nhưng Nhật Bản sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa để góp phần xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Nỗi đau thảm kịch Nagasaki được thả theo chiếc đèn lồng
5. Chính quyền thị trấn Ferguson (Mỹ) ngày 10/8 một lần nữa phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp đề phòng tái diễn làn sóng biểu tình tại đây.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các thẩm phán chuẩn bị buộc tội một đối tượng có vũ trang bị cảnh sát bắn trọng thương khi có hành vi nổ súng trong các cuộc tuần hành kỷ niệm tròn một năm vụ một cảnh sát da trắng cố tình nổ súng sát hại một thiếu niên da đen không vũ trang.
Cảnh sát Ferguson lập hàng rào chống bạo động. Ảnh AP |
Lệnh tình trạng khẩn cấp được ban bố tại vùng ngoại ô St. Louis và các khu vực lân cận trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa các cư dân địa phương và cảnh sát, sau khi các nhân viên cảnh sát bắn trọng thương một thanh niên 18 tuổi trong một vụ đấu súng.
Theo các phương tiện truyền thông địa phương, tay súng bị bắt giữ là Tyrone Harris, bạn thân của nạn nhân Michael Brown, người bị cảnh sát bắn chết ở Ferguson ngày 9/8 năm ngoái.
Những cuộc biểu tình hòa bình tại Ferguson, 1 năm sau khi thanh niên da màu không vũ trang Brown bị bắn chết, đang rơi vào hỗn loạn khi cảnh sát chống bạo động cố gắng giải tán người biểu tình làm ách tắc giao thông và đập vỡ nhiều cửa sổ trên đường.
Hiện đã có hàng chục người biểu tình bị bắt giữ khi họ định phá vỡ rào chắn tại một tòa án ở hạt St. Louis và chặn nút giao thông gần Ferguson trong giờ cao điểm.
Hàng trăm người biểu tình vẫn tiếp tục tuần hành qua các con phố ở hạt St. Louis, mang theo các khẩu hiệu như “Phân biệt chủng tộc vẫn còn hiện diện tại đây”, “Hãy chống lại phân biệt chủng tộc” và yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ hành động.
6. Chính phủ Ukraine ngày 10/8 cáo buộc lực lượng đối lập ở miền Đông tiến hành các vụ tấn công bằng đạn pháo dữ dội nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Một ngôi nhà tại miền Đông Ukraine tan hoang sau các cuộc đấu pháo giữa quân Chính phủ và phe đối lập. Ảnh AP |
Quân đội Ukraine cho biết, 400 tay súng lực lượng đối lập với sự hỗ trợ của xe tăng đã tấn công vào các vị trí của chính phủ quanh ngôi làng Starohnativka, cách thành phố cảng Mariupol do chính phủ kiểm soát chỉ khoảng 50km về phía Bắc.
Trong vòng 24 giờ qua, phía quân đội chính phủ đã có một quân nhân thiệt mạng, một người mất tích và 16 người bị thương. Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko miêu tả, đây là vụ nã pháo dữ dội nhất của lực lượng đối lập kể từ trận chiến ở thị trấn Debaltseve hồi tháng 2. Tuy nhiên, lực lượng đối lập miền Đông đã bác bỏ cáo buộc này.