Thế giới 7 ngày: Bạo lực lan tràn tại Trung Đông vì vấn đề Jerusalem
VOV.VN - Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Jerusalem đã thổi bùng lên làn sóng bạo lực trên khắp khu vực Trung Đông tuần qua.
Không chỉ tại Palestine, quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel của ông Trump, mà tại nhiều quốc gia Arab và Hồi giáo khác trong khu vực như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Saudi Arabia, các cuộc biểu tình bạo động liên tiếp diễn ra. Ảnh: Reuters |
Tuy nhiên, căng thẳng nhất vẫn là tại khu vực Bờ Tây, nơi người biểu tình Palestine liên tục đụng độ với cảnh sát Israel. Đã có nhiều người thiệt mạng và bị thương trong các cuộc đụng độ nói trên. Ảnh: Reuters |
Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cũng đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Jerusalem. Nhiều quốc gia Hồi giáo và Arab cũng đã lên tiếng yêu cầu công nhận Đông Jerusalem là của Palestine như một cách để phản ứng với ông Trump. ảnh: Reuters |
Cũng liên quan đến tình hình Trung Đông, sau khi khẳng định đã giúp quân đội Syria đánh bại hoàn toàn IS, Tổng thống Nga Putin đã quyết định rút binh sĩ Nga khỏi Syria. Ảnh: Sputnik |
Theo các nhà phân tích, quyết định trên cho thấy Nga tin tưởng vào khả năng đảm bảo an ninh của chính quyền Syria nhưng cũng không muốn mắc phải sai lầm “sa lầy” vào các cuộc chiến ở Trung Đông như Mỹ. Ảnh: Sputnik |
Trước đó, quân đội Iraq cũng đã tuyên bố giành chiến thắng cuối cùng trước IS. Tuy nhiên, dù sạch bóng ở cả Syria và Iraq, IS vẫn cho thấy chúng là mối đe dọa lớn với thế giới bằng vụ tấn công khủng bố ở New York do một kẻ tôn sùng chúng gây ra. Ảnh: AP |
Không dừng lại ở đó, IS rất biết lợi dụng tình hình căng thẳng liên quan đến vấn đề Jerusalem để khuấy động thù hằn tôn giáo khi tuyên bố sẽ tấn công thủ đô Washington của Mỹ để trả thù. Ảnh: AP |
Cũng liên quan đến tình hình Syria, các cuộc hòa đàm tại Geneva đã rơi vào thế bế tắc khi đại diện Chính phủ Syria đã không chịu ngồi vào bàn đàm phán do tiếp tục bất đồng với phe đối lập về nhiều nội dung hội đàm. Ảnh: Reuters |
Một vấn đề khác cũng gây nhiều tranh cãi là cách tiếp cận của Mỹ liên quan đến hồ sơ hạt nhân Triều Tiên. Những tuyên bố “tiền hậu bất nhất” của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson được cho là đã “đóng sầm cánh cửa” đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Ảnh: AP |
Trong một diễn biến đáng chú ý, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc họp báo thường niên cuối cùng trong nhiệm kỳ Tổng thống thứ 3 của mình. Tại cuộc họp báo, ông Putin đã tuyên bố sẽ tiếp tục ra tranh cử Tổng thống và vạch rõ chính sách đối ngoại của Nga trong tương lai. Ảnh: AP./. |