Thế giới 7 ngày: Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên
VOV.VN - Với việc thử tên lửa đạn đạo bay xa khoảng 500km, Mỹ và nhiều căn cứ của nước này ở Thái Bình Dương được cho là trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng thử tên lửa từ tàu ngầm tại một địa điểm không được công bố. Ảnh: Reuters/KCNA |
1. Sáng 24/8, Triều Tiên đã phóng một quả tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm ra vùng biển phía Đông nước này. Đây là vụ phóng thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên bất chấp sự cô lập của cộng đồng quốc tế, cũng như thách thức các nghị quyết trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Hãng tin Yonhap dẫn nguồn tin quân sự Hàn Quốc cho biết tên lửa Triều Tiên đã rơi ở bên trong Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) của Nhật Bản su khi bay được khoảng 500km
Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên tiếng phê phán kịch liệt hành vi của Triều Tiên, coi đây là hành vi uy hiếp nghiêm trọng tới an ninh Nhật Bản khó có thể chấp nhận, đồng thời vi phạm trắng trợn Nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Về phần mình, Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ lên án vụ bắn tên lửa là “hành động khiêu khích” mới nhất của Triều Tiên và tuyên bố sẽ nêu quan ngại về vấn đề này với Liên Hợp Quốc.
Sau vụ thử 1 ngày, Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã lên tiếng khẳng định vụ phóng tên lửa từ tàu ngầm của nước này là “thành công của mọi thành công”. Ông Kim tuyên bố, Mỹ và nhiều căn cứ quân sự của nước này ở Thái Bình Dương giờ nằm hoàn toàn trong tầm tấn công của tên lửa Triều Tiên.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 27/8, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã đưa ra tuyên bố lên án vụ phóng tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm mới đây của Triều Tiên và nhất trí cần phải có các biện pháp “đáng kể” với Bình Nhưỡng.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân của trận động đất mạnh 6,2 độ richter tại miền Trung Italy. Ảnh: Sputnik |
2. Ngày 27/8, khắp nơi trên đất nước Italy đã treo cờ rủ để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng xảy ra hôm 24/8 tại miền Trung nước này.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi tham dự lễ tang những nạn nhân của trận động đất ở hai ngôi làng miền núi Arquata del Tronto và Pescara del Tronto được cử hành tại Ascoli-Piceno. Cuộc sống đảo lộn hoàn toàn của người dân Italy vùng động đất
Theo số liệu thống kê cho đến hết ngày 26/8 của Cơ quan cứu hộ quốc gia Italy, trong số 281 người thiệt mạng có 5 du khách nước ngoài, gồm 3 người Anh, 1 người Canada và 1 người Tây Ban Nha.
Nơi bị thiệt hại nặng nhất về người là thị trấn Amatrice, cách thủ đô Rome 150km, với 201 nạn nhân. Hơn 2.000 người đã phải ngủ đêm trong các ngôi lều dựng tạm sau động đất.
Các chuyên gia động đất ước tính chi phí cho các nỗ lực cứu hộ trước mắt, các nỗ lực tái thiết trung và dài hạn sẽ vượt quá mức 1 tỷ euro.
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào lãnh thổ Syria. Ảnh: Reuters |
3. Sáng 24/8, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ ra thông báo cho biết, xe tăng và lính biệt kích nước này đã bắt đầu tiến vào thị trấn Jarabulus của Syria để tấn công các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và các chiến binh người Kurd.
Phản ứng trước động thái này của Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ Syria coi đây là hành động xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Syria.
Bộ Ngoại giao Nga cũng đã chính thức lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước việc Thổ Nhĩ Kỳ điều động xe tăng và thiết giáp tấn công các mục tiêu người Kurd ở bên trong lãnh thổ Syria.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của Nga, giới chức Mỹ đã lên tiếng bảo vệ cho chiến dịch quân sự của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Một quan chức cấp cao của Mỹ tuyên bố với báo giới rằng, Mỹ muốn giúp Thổ Nhĩ Kỳ đánh bật tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ra khỏi khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Bất chấp sự phản đối của Syria, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 26/8 tuyên bố, nước này sẽ tiếp tục thực hiện chiến dịch quân sự tại miền bắc Syria cho đến khi an ninh trong nước được đảm bảo, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và các nhóm phiến quân khác bị xóa sổ hoàn toàn khỏi khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Xung đột tại Syria vẫn kéo dài do các bên không tìm được tiếng nói chung. Ảnh: AFP |
4. Liên quan đến tình hình Syria, dù không đạt được thỏa thuận mang tính đột phá để thiết lập lệnh ngừng bắn trong vòng 48 giờ ở Aleppo, Syria, tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Nga và Mỹ đã “thông suốt” về con đường hướng tới một lệnh ngừng bắn mới ở Syria và chỉ còn các chi tiết kỹ thuật vẫn phải cần được giải quyết.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov sau cuộc hội đàm ở Geneva Thụy Sĩ, ông Kerry nêu rõ, các chuyên gia Nga và Mỹ sẽ tiếp tục gặp nhau trong những ngày tới để thảo luận các vấn đề chi tiết.
Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ diễn ra trong bối cảnh hai bên đã có những cuộc thảo luận kéo dài nhiều tuần nay về một lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, việc trợ giúp nhân đạo cho những người dân quốc gia Trung Đông này cũng như nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneva giữa Chính phủ Syria và lực lượng đối lập.
Một nhóm tàu Hải quân Iran tham gia cuộc tập trận tại Eo biển Hormuz. Ảnh AFP |
5. Giới chức Mỹ ngày 25/8 cho biết, tàu Hải quân Mỹ đã bắn 3 phát súng cảnh cáo sau khi 1 tàu tấn công cao tốc của Iran tiếp cận và di chuyển vòng quanh hai tàu Hải quân Mỹ và một tàu của Kuwait ở vùng biển quốc tế thuộc Eo biển Hormuz, phía Bắc vùng Vịnh trước đó một ngày.
Phát biểu trong cuộc họp báo, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, ở thời điểm này, Mỹ chưa rõ ý định của tàu Iran, song "cách hành xử như vậy là không thể chấp nhận được", do tàu Mỹ đang ở vùng biển quốc tế.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan khẳng định, những chiếc tàu của Iran bị cáo buộc quấy nhiễu tàu chiến Mỹ chỉ đang làm nhiệm vụ, đồng thời tuyên bố Iran sẽ đối đầu với bất cứ tàu Mỹ nào đi vào vùng biển Iran.
Vụ việc này chỉ là một trong nhiều vụ chạm trán ở cự ly gần giữa tàu Hải quân của Mỹ và Iran trong khu vực thời gian gần đây. Hồi tháng 12 năm ngoái, trong một cuộc tập trận, quân đội Iran đã bắn rocket gần tàu hải quân Mỹ.
Một cuộc tập trận của các lực lượng vũ trang Nga. Ảnh: The Cubic Lane |
6. Quan hệ giữa Ukraine và Nga đang có dấu hiệu leo thang căng thẳng trong những tuần gần đây. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 25/8 ra lệnh tổ chức các cuộc tập trận quân sự ở sườn phía Tây của đất nước, giáp Ukraine và các nước Baltic.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, các bài tập sẽ kiểm tra khả năng của lực lượng vũ trang đóng tại miền Nam nước Nga trong việc triển khai để giải quyết những tình huống khủng hoảng. Đồng thời, lực lượng ở các quân khu miền Tây và miền Trung có thể gửi viện binh về phía Đông Nam nếu cần thiết.
Trong cuộc điện đàm mới đây với với người đồng cấp Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel về tình hình Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã thông báo tới 2 nhà lãnh đạo Pháp và Đức sự việc xảy ra tại khu vực biên giới Crimea mà Nga cáo buộc là âm mưu khủng bố của Ukraine. Vụ đụng độ này đã làm 2 binh sĩ Nga thiệt mạng.
Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ các hành động mang xu hướng bạo lực của Ukraine gây tổn hại tới thỏa thuận hòa bình Minsk, cũng như sự hợp tác trong khuôn khổ Bộ tứ Normandi.
Ứng viên Trump và Clinton. Ảnh: The Hill |
7. Liên quan đến cuộc bầu cử Mỹ, hiện bà Hillary Clinton đang dẫn trước đối thủ Donald Trump 12 điểm phần trăm tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ, theo thăm dò của Reuters và Ipsos ngày 23/8. Đây là khoảng cách dẫn trước lớn nhất của bà Clinton so với ông Trump trong tháng này.
Việc chỉ trích lẫn nhau giữa hai ứng cử viên này vẫn không có dấu hiệu giảm nhiệt, Ngày 24/8, tỷ phú Mỹ Donald Trump đã công khai chỉ trích bà Hillary Clinton là “kẻ nhỏ mọn” chỉ tìm cách lợi dụng người da màu và Mỹ Latin. Ông Trump cũng gọi vụ bê bối email cá nhân của bà Clinton là vụ Watergate thứ 2.
Mới đây nhất, người sáng lập WikiLeaks Julian Assange vừa lên tiếng đe dọa sẽ tung một loạt thông tin “nhạy cảm” liên quan đến chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
8. Tòa án Tối cao Pháp ngày 26/8 đã ra phán quyết hoãn lệnh cấm phụ nữ Hồi giáo mặc kiểu đồ tắm che kín người (Burkini) vừa được áp đặt tại một thị trấn ven biển nước này. Tòa án Tối cao cho rằng, lệnh cấm được thực thi tại thị trấn Villeneuve-Loubet, phía tây thành phố Nice là bất hợp pháp và vi phạm nghiêm trọng các quyền tự do cơ bản như đi lại, tự do tín ngưỡng và tự do cá nhân. Theo tuyên bố của tòa, việc mặc burkini không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào đối với an ninh tại khu vực trên. Trước đó, tranh cãi về việc cấm mặc Burkini đã gây ra các phản ứng trái chiều trong xã hội, đặc biệt sau khi có những phụ nữ Hồi giáo đầu tiên bị phạt vì “hành vi không phù hợp với tập quán” tại Pháp./.
Burkini đang là đề tài gây tranh cãi trong dư luận Pháp. Ảnh: AFP