Thế giới 7 ngày: Mỹ và nỗi lo bị tấn công khủng bố
Chủ Nhật, 21:00, 11/08/2013
VOV.VN -Mỹ đóng cửa 22 cơ sở ngoại giao ở nước ngoài, Tổng thống Obama hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin, Ai Cập vẫn căng thẳng...
Quân đội Mỹ giúp nhân viên sứ quán rời khỏi Yemen (Ảnh: Wochit) |
Trong tuần qua, Mỹ đã quyết định đóng cửa 22 đại sứ quán và lãnh sự quán ở nước ngoài, do lo ngại các cơ sở này bị khủng bố tấn công. Tổng thống Mỹ Obama thừa nhận Al Qaeda vẫn có khả năng đe dọa các cơ quan đại diện và doanh nghiệp Mỹ. Ngày 6/8 chính phủ Mỹ lệnh cho tất cả các nhân viên ngoại giao không có nhiệm vụ cần thiết rút khỏi Yemen, đồng thời kêu gọi công dân nước này lập tức rời khỏi Yemen do “cảnh báo tấn công rất cao”.
Cùng với Mỹ, nước Anh cũng thông báo sơ tán tất cả nhân viên Đại sứ quán tại Yemen, vốn bị đóng cửa từ cuối tuần qua do “những lo ngại ngày càng tăng về an ninh”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết, Đại sứ quán sẽ tiếp tục đóng cửa cho tới khi nhân viên có thể trở lại làm việc.
Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ tiến hành cải tổ để hoạt động giám sát thông tin của NSA minh bạch hơn (Ảnh: Wochit) |
Khi quyết định sơ tán nhân viên sứ quán và các cơ sở ngoại giao, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói đó không phải là phản ứng thái quá, mà nước này nắm được những thông tin do các nhóm khủng bố liên lạc với nhau.
Trong cuộc họp báo ngày 9/8, Tổng thống Obama đã lên tiếng bảo vệ các chương trình giám sát thông tin của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) nhưng cũng khẳng định sẽ tiến hành cải tổ để các hoạt động này minh bạch hơn. Ông Obama nhấn mạnh cơ quan tình báo Mỹ chỉ tìm kiếm thông tin cần thiết để bảo vệ người dân Mỹ và, trong một số trường hợp, cả các đồng minh của Mỹ trước nguy cơ khủng bố.
Ông Lon Snowden trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters (Ảnh: Reuters) |
Một số nhà phân tích cho rằng, thông tin của Tổng thống Mỹ Obama về việc phát hiện ra liên lạc của các nhóm khủng bố là để biện minh cho Chương trình giám sát thông tin của cơ quan an ninh NSA, mà nhân vật tiết lộ bí mật chương trình này đang phải trốn ở Nga. Edward Snowden đã được Nga cấp quy chế tỵ nạn 1 năm, điều này khiến cho quan hệ Nga- Mỹ vốn không mấy êm đềm lại rơi vào vòng khủng hoảng mới.
Cha của Edward, ông Lon Snowden trả lời phỏng vấn của Reuters hôm 7/8 đã nói: “Tôi tôn trọng sức mạnh và lòng dũng cảm của Tổng thống Putin. Ông ấy đã đứng vững trước áp lực mạnh mẽ từ Chính phủ của chúng tôi và tôi tin rằng ông sẽ tiếp tục đứng vững”. Ông Obam sẽ sang Nga dự Hội nghị Cấp cao G20, nhưng quyết định hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin.
Tổng thống Syria Assad tham dự lễ Eid al-Fitr tại Nhà thờ Hồi giáo Anas bin Malek ở Damascus ngày 8/8 (Ảnh Reuters) |
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Obama nói rằng, quyết định hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin không chỉ vì Snowden, mà còn vì Nga và Mỹ bất đồng quan điểm trong một số vấn đề khác, mà Syria là một ví dụ.
Hội nghị quốc tế về Syria do Nga và Mỹ khởi xướng, dự kiến tổ chức vào tháng 9 tới nhiều nguy cơ thất bại do những căng thẳng trong quan hệ 2 nước. Trong khi đó, tình trạng Syria vẫn bất ổn ngay cả trong tháng lễ ăn chay Ramadan. Tháng lễ Ramadan vừa kết thúc bằng lễ Eid al-Fitr ngày 8/8 vừa qua.
Ngoại trưởng Nga Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry tại cuộc họp báo trước hội nghị 2+2 (Ảnh: Reuters) |
Mặc dù Tổng thống Mỹ Obama hủy cuộc gặp song phương với Tổng thống Nga Putin, nhưng Hội nghị 2+2 với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng 2 nước vẫn diễn ra tại Mỹ ngày 9/8 vừa qua. Tại Hội nghị, các Bộ trưởng hai nước đã thảo luận một loạt vấn đề từ vụ Snowden, tình hình tại Syria, Afghanistan, Iran, Triều Tiên đến những bất đồng tồn tại giữa hai nước như: hệ thống phòng thủ tên lửa, kiểm soát vũ khí và nhân quyền…
Tân Tổng thống Iran Rowhani phát biểu tại cuộc họp báo (Ảnh CBSTV) |
Tân Tổng thống Iran Hassan Rowhani, được phương Tây đánh giá là một nhà lãnh đạo theo đường lối ôn hòa, phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên của ông ngày 6/8, rằng ông đã "xác định nghiêm túc" vấn đề giải quyết tranh chấp và đã sẵn sàng để bước vào cuộc đàm phán một cách "nghiêm túc và thực chất". Điều này làm dấy lên một sự hy vọng về sự tiến triển sau nhiều năm bế tắc về vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran.
Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ ông Mohamed Morsi tham gia Lễ Eid al-Fitr, đánh dấu kết thúc Tháng ăn chay Ramadan truyền thống ngày 8/8 (Ảnh: AP) |
Cuộc khủng hoảng tại Ai Cập có dấu hiệu nghiêm trọng hơn khi vào tuần trước, Tổng thống lâm thời Adly Mansour tuyên bố các nỗ lực trung gian của quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này đã không có kết quả như mong đợi. Hơn 250 người, chủ yếu là người ủng hộ ông Morsi đã bị thiệt mạng trong các vụ đụng độ kể từ khi Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, ông Morsi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự hôm 3/7.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đặt vòng hoa tưởng niệm nạn nhân tại Lễ kỷ niệm tại thành phố Nagasaki (Ảnh Reuters) |
Ngày 6/8, Nhật Bản đã tiến hành lễ kỷ niệm 68 năm vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki. Hơn 50.000 người đã tham gia vào lễ kỷ niệm tại Hiroshima. Tại lễ kỷ niệm, Thị trưởng thành phố Hiroshima Matsui đã nhấn mạnh đây là một thảm họa phi nhân đạo khủng khiếp nhất của nhân loại và kêu gọi sự đoàn kết của toàn xã hội hướng tới bãi bỏ vũ khí hạt nhân.
Tham gia lễ kỷ niệm tại thành phố Nagasaki, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: “Chúng ta phải có trách nhiệm hiện thực hóa một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc đi vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản (Ảnh Reuters) |
Ngày 7/8 tàu của Trung Quốc đã đi vào khu vực tranh chấp với Nhật Ban và đến sáng ngày 8/8 vẫn tiếp tục lưu lại đây. Sự việc này đánh dấu lần hiện diện lâu nhất của các tàu Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp kể từ khi căng thẳng leo thang năm 2012. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, Tokyo đã trao công hàm phản đối đến quyền Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản Han Zhiqiang./.