Thế giới 7 ngày: Quân đội Thái Lan đảo chính, bắt Thủ tướng

VOV.VN -Đảo chính quân sự là bước ngoặt quan trọng trên chính trường Thái Lan

Người biểu tình Thái Lan đối đầu với binh sĩ trong một cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính tại một khu mua sắm ở Bangkok, Thái Lan ngày 24/5/2014 (Ảnh EFE)

Cuộc đảo chính lần thứ 19 đã diễn ra tại Thái Lan vào 16h 30 ngày 22/5. Cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra và một số thành viên gia đình bà cùng một số chính trị gia đã bị bắt giữ. Cuộc đảo chính này một lần nữa cho thấy, quân đội là một lực lượng không thể tách rời khỏi bàn cờ chính trị tại Thái Lan, cho dù Thái Lan đã có những bước tiến rất nhanh và xa về một nền dân chủ.

Tình hình Thái Lan trở nên phức tạp sau cuộc đảo chính quân sự. Báo Bangkok Post dẫn nguồn tin cảnh sát và quân đội cho biết các vụ tấn công được ghi nhận tại 3 tỉnh có đông người Hồi giáo sinh sống là Pattani, Yala và Narathiwat. Các vụ đánh bom xảy ra tại khu vực tập trung đông người dân mua sắm trước giờ giới nghiêm, làm 3 người chết và 55 người bị thương. Sau cuộc đảo chính, làn sóng biểu tình chống đảo chính cũng dâng cao ở Bangkok và một số địa phương.

Dư luận thế giới hết sức lo ngại và phản ứng về tình hình Thái Lan. Mỹ tuyên bố hủy tập trận quân sự chung với Thái Lan. Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Steven Warren cho biết, Washington đang đình chỉ khoản viện trợ trị giá 3,5 triệu USD của Mỹ dành cho Thái Lan cũng như hủy bỏ các chuyến thăm tới Thái Lan đã được lên kế hoạch trước của các quan chức quân sự Mỹ.

Theo nguồn tin quân đội Thái Lan, cựu Thủ tướng Yingluck hôm nay (25/5) đã được trả tự do sau hai ngày bị quân đội giam giữ tại một căn cứ quân sự ở tỉnh Saraburi phía Bắc thủ đô Bangkok. 


Một người phụ nữ thả lá phiếu của mình trong cuộc bầu cử tổng thống ở thị trấn phía đông Krasnoarmeisk, Ukraine, Chủ Nhật 25/5 (Ảnh AP) 

Từ 8h sáng 25/5 (giờ địa phương), cử tri Ukraine đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống. Các điểm bỏ phiếu dự kiến đóng cửa lúc 17h cùng ngày. Khoảng 36 triệu cử tri nước này có quyền bỏ phiếu hợp pháp để lựa chọn ra người đứng đầu nhà nước trong số 17 ứng cử viên hiện nay.

Đối với đa số người dân Ukraine, hy vọng lớn nhất vào cuộc bầu cử lần này là sẽ tạo ra một bước ngoặt cho cuộc khủng hoảng chính trị đang đẩy quốc gia Đông Âu này tới bờ vực chia rẽ.

Cho dù ai lên nắm quyền, thì thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo mới của Ukraine là phải làm thế nào để nhanh chóng thúc đẩy sự hòa giải dân tộc vốn bị chia rẽ sâu sắc, giữa một bên mong muốn hợp tác gần gũi hơn với Liên minh Châu Âu (EU) và một bên, chủ yếu là miền Đông muốn thắt chặt quan hệ với Nga.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bên phải) trong lễ ký kết Hợp đồng mua khí đốt tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 21/5 (Ảnh AP)

Ngày 21/5 tại Thượng Hải, Nga và Trung Quốc đã nhất trí về một hợp đồng cung cấp khí đốt dài hạn sau nhiều năm thương thuyết về thỏa thuận trị giá hàng trăm tỷ USD này. Ước tính giá nằm vào khoảng 350 USD cho 1.000m3 khí. Hợp đồng khí đốt trị giá 400 tỷ USD kéo dài 30 năm được ký kết giữa Nga và Trung Quốc được cho là sẽ thay đổi bộ mặt của thị trường khí đốt toàn cầu, đặc biệt là tại châu Á. 

Một nguồn tin của Tập đoàn khí đốt quốc doanh Nga Gazprom mới đây cho biết, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNPC) sẽ trả trước 25 tỷ USD cho Gazprom nhằm xây dựng đường ống dẫn khí Sila Sibiri theo thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa hai quốc gia.


Cảnh sát vũ trang Trung Quốc đứng gác trên Đại lộ Trường An gần Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh hôm 12/5/2014 (Ảnh AP). Sau các vụ tấn công khủng bố tại Tân Cương, an ninh tại thủ đô Bắc Kinh được thắt chặt.

Ít nhất 31 người thiệt  mạng và hơn 90 người khác bị thương trong một vụ nổ xảy ra sáng 22/5 ở thủ phủ Urumqi của khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Tây Bắc Trung Quốc.

Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, 5 kẻ tình nghi là thủ phạm vụ tấn công tại một khu chợ ở thành phố Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương ở Tây Bắc Trung Quốc hôm 22/5 đã chết sau khi gây ra các vụ nổ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu các lực lượng chức năng trấn áp mạnh mẽ đối các hoạt động khủng bố, dốc toàn lực để đảm bảo ổn định xã hội.


Những người ủng hộ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi giơ cao lá cờ của Ai Cập và cờ tranh cử của ông trong một cuộc biểu tình ở Cairo, ngày 23/5/2014 (Ảnh Reuters)

Ngày 23/5, hai ứng cử viên tham gia cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới (26-27/5) tại Ai Cập là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Abdu Fatah El Sisi và đại diện phe cánh tả Hamdeen Sabahy, đã kết thúc chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 20 ngày của mình bằng nhiều hoạt động khác nhau.

Trong 20 ngày vận động tranh cử vừa qua (bắt đầu từ ngày 3/5), mỗi ứng cử viên đã đưa ra chương trình hành động của riêng mình, đề cập hầu hết mọi mặt đời sống tại Ai Cập, từ vấn đề an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, ngoại giao, cho đến tôn giáo.

24 giờ trước khi tiến trình bỏ phiếu chính thức trong cuộc bầu cử Tổng thống được dư luận chờ đợi tại Ai Cập diễn ra, giới chức nước này khẳng định, các bước chuẩn bị cuối cùng cho cuộc bầu cử đã hoàn tất.


Chiếc xe BMV đen tại hiện trưởng vụ xử súng tại Santa Barbara, California ngày 24/5/2014 (Ảnh Reuters)


Ngày 24/5 tại thành phố Santa Barbara, bang California (Mỹ) lại xảy ra một vụ xả súng, làm ít nhất 7 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Vụ việc xảy ra ngay gần khuôn viên trường Đại học California khi một người đi trên chiếc BMW màu đen nổ súng vào những người đi đường. Người này sau đó đã bị cảnh sát bắn thương và thiệt mạng ngay sau đó.

Cảnh sát cũng đã cung cấp thêm nhiều chi tiết về vụ xả súng, trong đó mô tả cách thức kẻ tấn công di chuyển từ vị trí này đến vị trí khác và nổ súng vào những người dân thường đi trên đường cũng như tấn công các nhân viên thực thi pháp luật trước khi gây tai nạn trên chiếc BMW của mình. Trong chiếc xe BMW của kẻ tình nghi, cảnh sát cũng đã phát hiện ra 400 viên đạn chưa được sử dụng.
Các nhà chức trách sau đó đã xác nhận tên Elliot Rodger - 22 tuổi, chính là kẻ nổ súng tấn công và cho biết họ đã thu giữ một khẩu súng lục bán tự động. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ tên này bị chết trong các cuộc đấu súng với cảnh sát hay tự tử.

Vụ xả súng đẫm máu này tiếp tục làm dấy lên những quan ngại về tình trạng sở hữu và sử dụng súng đạn tràn lan ở Mỹ hiện nay./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên