Thế giới 7 ngày: Tình báo Mỹ đánh lừa thế giới, tiếp tay cho al- Qaeda

VOV.VN - Trong khi Mỹ vẫn nhận là nước tích cực chống khủng bố, thông tin “tình báo Mỹ tiếp tay cho al-Qaeda” đã gây ra "chấn động lớn" trong nhiều ngày qua.

1. Trong tuần vừa qua, những câu chuyện về “khủng bố” và “cuộc chiến chống khủng bố” trên toàn cầu vẫn luôn là đề tài nóng. Mới đây, một tờ báo uy tín hàng đầu của Mỹ là New York Times đã cho đăng tải bài hồ sơ gây “chấn động” về việc tình báo Mỹ CIA đã từng tiếp tay cho tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng al-Qaeda. 

New York Times đã phanh phui mối quan hệ qua lại lâu dài giữa CIA và Saudi Arabia – đất nước có chương trình vũ trang cho các phiến quân Syria được Tổng thống Mỹ Obama hậu thuẫn hồi đầu năm 2013. Trong chương trình “Timber Sycamore”, người Saudi Arabia cung cấp tiền và mua vũ khí cho phiến quân Syria, trong khi CIA đào tạo những người này trong các trại bí mật ở Jordan. Trong những năm ông Ronald Reagan làm Tổng thống Mỹ, người Saudi Arabia đã rót tiền cho phong trào thánh chiến mujahedeen ở Afghanistan khi lực lượng này chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô. 

Các chiến binh mujahideen Afghanistan trong thập niên 1980. Ảnh: 

sebastianjunger.com.

Không chỉ New York Times cung cấp thông tin về mối quan hệ giữa tình báo Mỹ và khủng bố, trong một phỏng vấn với Sputnik News, ông Springmann cũng đã chia sẻ, tình báo Mỹ thậm chí còn cung cấp visa cho những “tên khủng bố”.

Ông Springmann cho biết, khi đến Jeddah, ông mới nhận thấy thực chất công việc làm thị thực của mình là xem xét hơn 100 đơn xin visa mỗi ngày, tách thành loại được cấp, loại không được cấp, và loại “tự do đi lại dành cho điệp viên CIA”.

Springmann nói với Sputnik News rằng gần như ngày nào ông cũng tranh cãi với Jay Freres, Tổng lãnh sự, cùng với một số quan chức CIA khác – những người nhất nhất yêu cầu cấp visa cho những đối tượng mà thông thường luật pháp và quy định nghề nghiệp không cho phép Springmann cấp visa cho họ.

“Sau này tôi mới thất vọng nhận ra rằng, những người xin visa là những kẻ được chiêu mộ cho cuộc chiến chống quân đội Liên Xô ở Afghanistan. Theo dòng thời gian, các chiến binh này – được đào tạo ở Mỹ, tiếp tục tham chiến ở các chiến trường khác như là Nam Tư, Iraq, Libya, và Syria”, ông Springmann nói.

Trong khi Mỹ vẫn tự nhận là nước tiên phong trong cuộc chiến chống khủng bố, thông tin gây sốc nói trên về tình báo Mỹ khiến nhiều nhà quan sát băn khoăn: Mỹ có thực sự quan tâm đến cuộc chiến chống khủng bố hay còn vì mục đích nào khác? 

Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/1, Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu nhóm cố vấn an ninh quốc gia đánh giá và xem xét lại chính sách chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Yêu cầu này được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra trong bối cảnh, tổ chức IS đang cố gắng mở rộng ảnh hưởng tại một số quốc gia khác ngoài Iraq và Syria – trong đó có Libya. 

Theo đánh giá của Bộ quốc phòng Mỹ, bước đi tiếp theo của IS tại Libya sẽ tổ chức các đợt huấn luyện khủng bố cho số binh sĩ này – điều mà chúng đã làm tại Iraq và Syria những năm trước đây. Trước đó, ngày 27/1 vừa qua, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Peter Cook cho biết, nuớc này đã gửi một số nhân viên quân sự tới Libya để nắm bắt tình hình cụ thể đang diễn ra tại đây.

Tòa án liên bang tại Virginia - Mỹ, hôm 27/1 (theo giờ địa phương), cũng đã tiến hành xét xử một công dân Kosovo- tin tặc nguy hiểm của IS, với cáo buộc đánh cắp dữ liệu thông tin cá nhân của hơn 1.000 quan chức chính phủ Mỹ, sau đó cung cấp cho tổ IS tại Syria. 

2. Cuộc đua giành lấy chiếc ghế Tổng thống Mỹ đang ngày “nóng” và quyết liệt. Trong nội bộ đảng đảng Cộng hòa, tỷ phú Michael R.Bloomberg, cựu Thị trưởng thành phố New York (Mỹ) đã tiết lộ khả năng cao ông sẽ tham gia chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay. 

Cựu Thị trưởng New York Michael Bloomberg. 

Theo hãng tin Reuters, vị tỷ phú này đã yêu cầu các phụ tá của mình lập kế hoạch cụ thể cho chiến dịch tranh cử độc lập và đặt thời hạn chót trong vòng 3 tháng đưa ra quyết định để sẵn sàng gia nhập cuộc đua. Được biết,  ông Bloomberg sẽ chi khoảng 1 tỷ USD cho chiến dịch này.

Trước thông tin trên, ứng cử viên sáng giá trong đảng Cộng hòa, Donald Trump ngày 24/1 lên đã tiếng ủng hộ cựu Thị trưởng New York ra tranh cử.  Phát biểu qua điện thoại với kênh truyền hình CBS News, tỷ phú Mỹ Donald Trump cho biết: “Tôi rất thích ý tưởng này. Tôi biết rất rõ về Michael và rất muốn được cạnh tranh với ông ấy”.

Trong khi đó, các ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa đã kết thúc cuộc tranh luận trực tiếp thứ 7 trên truyền hình vào tối 28/1 mà không có sự xuất hiện của ông Trump. Việc thoát khỏi “cái bóng” của ông Donal Trump được cho là cơ hội tốt để các thượng nghị sỹ Ted Cruz và Marco Rubio – hai ứng cử viên tiềm năng khác có đất diễn và thực tế, hai nhân vật này đã trở thành tâm điểm chú ý của cuộc tranh luận thứ 7. 

Còn đối với đảng Dân chủ, mới đây Tổng thống đương nhiệm của Mỹ  Barack Obama đã ca ngợi hết lời ứng cử viên Hillary Clinton trên báo chí và các phương tiện truyền thông.

 Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí Politico, ông Obama nhận định, thế mạnh cũng như những đặc quyền của bà Hillary có thể trở thành bất lợi cho chính bà. Kinh nghiệm phong phú, thông minh một cách “xấu xa”, nắm rõ các chính sách cùng những vấn đề chính trị có thể khiến bà Hillary trở nên thận trọng hơn, và bởi thế chiến dịch tranh cử có thể trở thành “bài văn xuôi” chán ngắt thay vì là “bài thơ” bay bổng.

Tuy nhiên, khả năng điều hành của bà Hillary là điều không thể phủ nhận. Ông Obama cho rằng: “Bà ấy (Hillary) có thể bắt đầu làm việc ở đây (Nhà Trắng) từ ngày đầu tiên với kinh nghiệm nhiều hơn bất kỳ ai khác chưa từng làm Tổng thống”. 

Các nhà quan sát cho rằng, lời có cánh của Tổng thống Mỹ Obama có thể là “bàn đạp” giúp bà Hillary tiến xa hơn các đối thủ khác trong việc chiếm lấy sự tin tưởng của công chúng Mỹ. Tuy nhiên, con đường đến với vị trí “chủ nhân Nhà Trắng” đối với bà chưa bao giờ dễ dàng. Bà gặp phải vướng mắc với những chỉ trích xung quanh việc bà sử dụng hòm thư điện tử cá nhân trong thời gian giữ cương vị Ngoại trưởng Mỹ.

Dự kiến, Chính phủ Mỹ sẽ công bố một phần trong số 7.000 trang email của bà Hillary. Tuy nhiên, ngày 29/1, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, nhà chức trách nước này sẽ không không bố 37 trang thư điện tử của bà Hillary Clinton vì những bức thư này có chứa những thông tin “tối mật”, được phân loại ở mức bảo mật cao nhất của Chính phủ Mỹ. Theo AP, 37 trang tài liệu mật này có nội dung liên quan đến “những chương trình truy cập đặc biệt”, bao gồm kế hoạch triển khai các cuộc tấn công sử dụng máy bay không người lái, hay chương trình nghe lén của Mỹ.

3. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry vừa kết thúc chuyến thăm châu Á gồm 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc và bày tỏ sự quan tâm sâu sắc về vấn đề Biển Đông. Ngoại trưởng Mỹ đã bày tỏ thái độ quan ngại đồng thời đưa ra lời kêu gọi các nước có thái độ và hành động cụ thể nhằm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông hiện nay. 

Hình ảnh vệ tinh Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông (Ảnh CSIS).

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến châu Á trong thời điểm lúc này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sắp diễn ra tại Mỹ vào giữa tháng 2 tới. Hội nghị lần này được đánh giá là cuộc thảo luận chiến lược giữa Tổng thống Mỹ Obama và các nhà lãnh đạo Đông Nam Á theo hướng cởi mở về tất cả các lĩnh vực. 

Chặng dừng chân tại Lào đúng là điểm đến khá đặc biệt trong chuyến công du lần này khi đây mới chỉ là chuyến viếng thăm cấp ngoại trưởng thứ 3 trong vòng 60 năm qua. AP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố sau cuộc gặp với Thủ tướng Lào Thammavong nhấn mạnh, Thủ tướng Lào nêu rõ với cương vị là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia thành viên Đông Nam Á (ASEAN) ông mong muốn “một ASEAN đoàn kết để bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông cũng như tránh nguy cư quân sự hóa và xung đột trong khu vực”.

Còn về phía cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng hai nước cần phải tìm giải pháp nhằm giảm căng thẳng trên Biển Đông và kiềm chế chương trình hạt nhân của Triều Tiên

Về Biển Đông, ông Kerry đã nêu bật quan điểm của Mỹ khẳng định tầm quan trọng của việc các bên có tuyên bố chủ quyền tìm kiếm điểm chung, sự đồng thuận và tránh các hành động gây bất ổn, làm gia tăng sự nghi ngờ lẫn nhau hoặc làm leo thang căng thẳng.

Ngoại trưởng Mỹ còn thẳng thừng bày tỏ sự quan ngại về các hoạt động trên Biển Đông và kêu gọi Trung Quốc ngừng hoạt động cải tạo và xây dựng tại các khu vực có tranh chấp. Các tuyên bố trong chuyến thăm của ông Kerry cho thấy bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc về căng thẳng Biển Đông đồng thời cũng phần nào làm rõ quan điểm của Mỹ đối với các vấn đề an ninh khu vực Đông Nam Á trước thềm thượng đỉnh Mỹ - ASEAN sắp tới. 

4. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ ngày 28/1 cho biết, Mỹ đã phát hiện Triều Tiên đang gia tăng sự di chuyển các thiết bị và chất nổ đẩy xung quanh một bãi phóng ở phía Tây Bắc nước này, cho thấy có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành một vụ phóng tên lửa vào không gian trong khoảng 2 tuần tới. Quan chức Mỹ lo ngại Triều Tiên sẽ sử dụng công nghệ tương tự như công nghệ trong phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho vụ phóng này tên lửa này. 

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một lần thị sát cuộc thử nghiệm phóng tên lửa. - Ảnh: AFP.

Hàn Quốc ngày 28/1 kêu gọi Triều Tiên kiềm chế khi có thông tin nước này chuẩn bị phóng thử tên lửa tầm xa. Nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên có thể tiến hành thử tên lửa tầm xa “một cách bất ngờ,” song đến nay Bình Nhưỡng chưa tuyên bố vùng cấm tàu thuyền trên biển để chuẩn bị cho vụ phóng.

Phản ứng trước diễn biến mới này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh ngày 28/1 cũng thể hiện quan ngại đồng thời hy vọng các bên liên quan sẽ không có hành động gây khiêu kích.

Bên cạnh đó, quân đội Nhật Bản cũng đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ sau khi có thông tin Triều Tiên chuẩn bị thử tên lửa đạn đạo. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ra lệnh cho các tàu khu trục lớp Aegis hoạt động tại Biển Nhật Bản sẵn sàng tiêu diệt mọi mục tiêu từ phía Triều Tiên nhằm vào Nhật Bản.

Cùng ngày, Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự luật mở rộng trừng phạt Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân và nhân quyền.

Dự luật được thông qua với sự nhất trí cao. Theo các thành viên Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Ủy ban này hy vọng dự luật cũng sẽ được toàn thể Thượng viện Mỹ thông qua và sau đó được trình lên Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành luật. 

5. Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng các phe đối lập chính tại Syria cũng đồng ý tham gia các cuộc đàm phán hòa bình tại Geneva (Thụy Sĩ). Dù tuyên bố chỉ có mặt để thảo luận các vấn đề nhân đạo với Liên Hợp Quốc, song quyết định của phe đối lập đã mở ra cơ hội mới cho hòa bình tại quốc gia Trung Đông này, sau gần 5 năm chìm trong nội chiến. 

Các tay súng thuộc phe đối lập ở Syria. Ảnh: Reuters.

Hội đồng đàm phán cấp cao, cơ quan đại diện cho các phe phái đối lập chính tại Syria hôm qua đã đồng ý cử phái đoàn tới Geneva để thảo luận về các vấn đề nhân đạo, sau khi nhận được đảm bảo của Liên Hợp Quốc và Mỹ rằng những yêu cầu của họ sẽ được đáp ứng.

Việc phe đối lập tại Syria đồng ý quay lại bàn đàm phán không nằm ngoài dự đoán. Bởi trước đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tuyên bố, đàm phán vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch, tức là bắt đầu từ ngày hôm qua 29/01 và tự tin là phe đối lập sẽ tới Geneva.

Các chuyên gia phân tích tại khu vực cũng cho rằng, việc phe đối lập cố tình trì hoãn tới Geneva là nhằm đạt được một sự nhượng bộ nào đó do tương quan lực lượng trên thực địa đã có nhiều thay đổi. Thời gian gần đây, các lực lượng quân đội trung thành với chính quyền Tổng thống Syria Bashar al Assad đã giành được những thắng lợi quan trọng.

Trước đó, lời đe dọa tẩy chay hòa đàm của phe đối lập Syria đã đặt các cuộc đàm phán trước nguy cơ thất bại hoàn toàn và giấc mơ hòa bình của người dân Syria càng trở nên xa vời. 

6. Đau đầu trước làn sóng người tị nạn dâng cao, nhiều nước châu Âu đã tiến hành một loạt các giải pháp mới. Ngày 28/1, Đức và Thụy Điển đã công bố những biện pháp nhằm thắt chặt chính sách xin tị nạn.

Thỏa thuận đạt được giữa Đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel với hai Đảng khác trong Liên minh cầm quyền là Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) cùng với Đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU) có lệnh cấm một số người tị nạn đưa cả gia đình sang đoàn tụ tại Đức trong vòng 2 năm. 

Lời giải cho bài toán người tị nạn vẫn chưa có lời đáp. (Ảnh: Getty).

Đức hy vọng rằng các biện pháp này sẽ hạn chế việc khủng hoảng tị nạn và số lượng người di cư từ Bắc Phi, vốn đang tăng đột biến trong những tháng gần đây. Nhiều địa phương của Đức cho biết, họ đang phải vật lộn để đối phó với hơn 1 triệu người tị nạn trong năm qua. Luật mới này cũng yêu cầu giảm ngân sách tài chính dành cho người tị nạn.

Bên cạnh đó, Thụy Điển cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch trục xuất 80.000 người tìm kiếm quy chế tị nạn từng đến nước này trong năm 2015 và những người có đơn xin tị nạn bị bác bỏ.

Thụy Điển cho biết, họ buộc phải thực hiện kế hoạch này do số lượng người tìm kiếm diện tị nạn hồi năm 2015 quá lớn. Chính phủ nước này đã yêu cầu lực lượng cảnh sát và các cơ quan chính quyền chuyên trách vấn đề người di cư tổ chức quá trình trục xuất này.

Bên cạnh đó, ngày càng nhiều nước thuộc không gian tự do đi lại Schengen có ý muốn muốn khôi phục các đường biên giới bên trong. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo, nếu Schengen bị khai tử, thì thị trường chung cũng tới hồi kết.

7. Iran đang có được nhiều lợi ích kinh tế sau khi nút thắt hạt nhân với phương Tây được gỡ bỏ, thể hiện sau chuyến thăm Pháp của Tổng thống IranChuyến thăm Pháp của Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi đầu tuần này đã mang lại những hợp đồng kinh tế trị giá hàng chục tỷ euro cho nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius (trái) chào đón Tổng thống Iran Hassan Rouhani. (ảnh: AFP).
Tổng thống Hassan Rouhani tới Pháp trong chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một Tổng thống Iran tới Pháp kể từ năm 1999. Nguồn tin ngoại giao Pháp ngày 28/1 cho biết, 2 nước đã ký kết các thỏa thuận hợp tác trị giá 15 tỷ euro. 

Trong chuyến thăm, Tổng thống Iran và người đồng cấp Pháp Francois Hollande đã đưa ra nhiều tuyên bố lạc quan về quan hệ song phương. Tại cuộc họp báo chung sau lễ ký kết hàng loạt hợp đồng thương mại, Tổng thống Pháp khẳng định hai nước đã mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Về phần mình, Tổng thống Iran kêu gọi hai bên khép lại quá khứ đau thương để mang đến một tương lai mới tươi sáng cho mối quan hệ song phương.

Ngoài các vấn đề hợp tác song phương, Syria được xem là một nội dung quan trọng được đề cập trong cuộc hội đàm giữa Tổng thống Iran và Tổng thống Pháp. Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã nhấn mạnh rằng, người dân Syria cần phải được quyền quyết định tương lai của mình

Về phần mình, Tổng thống Pháp Hollande thì cho rằng, đàm phán chính trị và quá trình chuyển giao ở Syria là một vấn đề cấp thiết với Syria lúc này.

Bên cạnh vấn đề Syria, Tổng thống Iran và Tổng thống Pháp cũng đề cập đến những cam kết của các bên liên quan đến thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết hồi năm ngoái. Tổng thống Iran đã tái khẳng định rằng Iran sẽ giữ đúng những cam kết theo thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc thế giới. Còn Tổng thống Pháp cũng cam kết sẽ giữ đúng những thỏa thuận đã hứa với Iran./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”
Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

VOV.VN - Câu chuyện phong trào Hồi giáo tàn bạo IS không hoàn toàn là sự phát triển ngẫu nhiên của lịch sử.

Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

Hậu khủng bố 11/9: Mỹ “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”

VOV.VN - Câu chuyện phong trào Hồi giáo tàn bạo IS không hoàn toàn là sự phát triển ngẫu nhiên của lịch sử.

Chân tướng nhóm thánh chiến nghi đã khủng bố máy bay Nga
Chân tướng nhóm thánh chiến nghi đã khủng bố máy bay Nga

VOV.VN - Nếu quả thật nhóm Wilayat Sinai đã khiến máy bay Nga bị rơi thì đây sẽ là vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ ngày 11/9/2001- ngày tòa tháp đôi ở Mỹ sụp đổ.

Chân tướng nhóm thánh chiến nghi đã khủng bố máy bay Nga

Chân tướng nhóm thánh chiến nghi đã khủng bố máy bay Nga

VOV.VN - Nếu quả thật nhóm Wilayat Sinai đã khiến máy bay Nga bị rơi thì đây sẽ là vụ khủng bố đẫm máu nhất kể từ ngày 11/9/2001- ngày tòa tháp đôi ở Mỹ sụp đổ.

Gia tộc trùm khủng bố bin Laden- thế lực đáng gờm tại Trung Đông
Gia tộc trùm khủng bố bin Laden- thế lực đáng gờm tại Trung Đông

VOV.VN- Gia tộc của trùm khủng bố bin Laden thuộc hàng “trâm anh thế phiệt” và có mối quan hệ chặt chẽ với giới Hoàng gia Trung Đông.

Gia tộc trùm khủng bố bin Laden- thế lực đáng gờm tại Trung Đông

Gia tộc trùm khủng bố bin Laden- thế lực đáng gờm tại Trung Đông

VOV.VN- Gia tộc của trùm khủng bố bin Laden thuộc hàng “trâm anh thế phiệt” và có mối quan hệ chặt chẽ với giới Hoàng gia Trung Đông.

Tại sao các tổ chức khủng bố gồm cả IS lại chuộng xe Toyota đến vậy?
Tại sao các tổ chức khủng bố gồm cả IS lại chuộng xe Toyota đến vậy?

VOV.VN- Các quan chức Mỹ gần đây đã yêu cầu Toyota điều tra xem tại sao xe của hãng này lại xuất hiện nhiều trên các video của tổ chức khủng bố IS đến vậy.

Tại sao các tổ chức khủng bố gồm cả IS lại chuộng xe Toyota đến vậy?

Tại sao các tổ chức khủng bố gồm cả IS lại chuộng xe Toyota đến vậy?

VOV.VN- Các quan chức Mỹ gần đây đã yêu cầu Toyota điều tra xem tại sao xe của hãng này lại xuất hiện nhiều trên các video của tổ chức khủng bố IS đến vậy.

Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?
Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?

VOV.VN - Năm 2015 căng thẳng vì các hoạt động khủng bố của Hồi giáo cực đoan. Cuộc chiến chống lại các nhóm tàn độc này vì sao lại dai dẳng đến như vậy?

Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?

Vì sao khủng bố Hồi giáo cực đoan lại tàn độc, khó trị, và dai dẳng?

VOV.VN - Năm 2015 căng thẳng vì các hoạt động khủng bố của Hồi giáo cực đoan. Cuộc chiến chống lại các nhóm tàn độc này vì sao lại dai dẳng đến như vậy?

“Bí kíp” giành thế thượng phong của khủng bố Hồi giáo IS khét tiếng
“Bí kíp” giành thế thượng phong của khủng bố Hồi giáo IS khét tiếng

VOV.VN - Ban lãnh đạo cao nhất của IS rất chặt chẽ, được bảo vệ kỹ lưỡng và gồm những phần tử túc trí đa mưu được tôi luyện trong nhà tù Mỹ.

“Bí kíp” giành thế thượng phong của khủng bố Hồi giáo IS khét tiếng

“Bí kíp” giành thế thượng phong của khủng bố Hồi giáo IS khét tiếng

VOV.VN - Ban lãnh đạo cao nhất của IS rất chặt chẽ, được bảo vệ kỹ lưỡng và gồm những phần tử túc trí đa mưu được tôi luyện trong nhà tù Mỹ.