Thế giới 7 ngày: Triều Tiên khẳng định vị thế quốc gia hạt nhân
VOV.VN -Đại hội Đảng Lao động Triều Tiên khẳng định vai trò lãnh đạo của ông Kim Jong-un, chính sách phát triển vũ khí hạt nhân và tăng trưởng kinh tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. (Ảnh: Reuters) |
Theo các nhà phân tích, Đại hội Đảng lần này của Triều Tiên là nhằm khẳng định lại vị thế lãnh đạo của ông Kim Jong-un và nhằm củng cố chính sách “byungjin” của ông. Chính sách "byungjin" nhấn mạnh đến việc Triều Tiên tiếp tục theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân trong khi vẫn tập trung vào tăng trưởng kinh tế.
Chương trình nghị sự của Đại hội đảng Lao động Triều Tiên gồm: xem xét công việc của Ủy ban Trung ương Đảng và Ủy ban kiểm toán Trung ương, sửa đổi quy tắc Đảng, bầu ông Kim làm lãnh đạo đảng và bầu các chức danh chủ chốt trong đảng.
Việc bầu ông Kim làm lãnh đạo đảng là việc đưa ra một quyết định chính thức. Trên thực tế, ông Kim Jong-un đã giữ vai trò lãnh đạo đảng nhưng với chức danh Bí thư thứ nhất. Hiện vẫn chưa rõ ông Kim sẽ được bầu vào vị trí này một lần nữa hay được trao cho một chức danh mới chưa được xác định.
Đại hội Đảng Triều Tiên: khi ông Kim Jong-un khẳng định siêu quyền lực
2. Ngày 5/5 một chiếc trực thăng chở một số quan chức Malaysia đã mất tích tại bang Sarawak ngày 5/5. Vụ mất tích xảy ra trong bối cảnh giới chức Malaysia đang chuẩn bị cho chiến dịch bầu cử cấp bang.
Lực lượng tìm kiếm thu thập các mảnh vỡ của chiếc trực thăng gặp nạn. (Ảnh: The Star) |
Trực thăng Eurocopter AS 350 mất tích khi đang bay từ Betong đến Kuching, thủ phủ bang Sarawak. Nó chở theo nhiều quan chức trong đó có Thứ trưởng Công nghiệp Đồn điền và Hàng hóa Malaysia Noriah Kasnon.
Vào lúc 12h00, ngày 6/5, Sở Cứu hỏa và Cứu hộ xác định có một thi thể phụ nữ nằm không xa nơi họ tìm thấy các mảnh vỡ của chiếc trực thăng gặp nạn". Thi thể này đã được xác định là thi thể của bà Noriah Kasnon, Thứ trưởng Công nghiệp Đồn điền và Hàng hóa Malaysia.
3. Sáng 4/5 ứng cử viên đảng Cộng hòa Ted Cruz đã đưa ra tuyên bố rút lui sau thất bại trước tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Indiana. Chiều cùng ngày, ứng cử viên John Kasich cũng thừa nhận thất bại trước ông Trump và tuyên bố bỏ cuộc.
Hình ảnh tỷ phú Donald Trump xuất hiện sau chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Indiana. Ảnh NYT |
Với những lời tuyên bố rút lui của 2 ứng cử viên này, tỷ phú Donald Trump về lý thuyết sẽ trở thành ứng cử viên chính thức của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào mùa thu tới.
Tình báo Mỹ “nín thở” sợ Donald Trump tiếp cận tài liệu tối mật
4. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 5/5 thông báo ông sẽ từ chức, mở đường cho Tổng thống Erdogan kiểm soát quyền lực chặt chẽ hơn.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. (Ảnh: Reuters). |
Phát biểu với giới báo giới, ông Davutoglu nhấn mạnh, quyết định từ chức của ông là vì sự đoàn kết của đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và việc thay đổi Chủ tịch đảng này sẽ phù hợp hơn. Ông Davutoglu cũng kêu gọi sự thống nhất trong đảng AKP và khẳng định sẽ không chống lại Tổng thống Erdogan.
Tuy nhiên, nguyên nhân ông Davutoglu buộc phải rút lui được cho là bởi dưới bàn tay chèo lái của mình, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa đất nước chìm sâu vào bất ổn chính trị, bên cạnh đó là quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” với Tổng thống Tayyip Erdogan.
5. Hôm 6/5, một ủy ban đặc biệt tại Thượng viện Brazil đã bỏ phiếu thông qua việc tiến hành phiên luận tội Tổng thống Dilma Rousseff, chính thức mở đường cho cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện về việc xem xét khả năng phế truất nhà lãnh đạo này.
Người biểu tình phản đối bà Rousseff. (Ảnh: Sputnik) |
Dự kiến, ngày 11/5 tới, Thượng viện Brazilsẽ bắt đầu xem xét khả năng phế truất bà Rousseff, sau khi Hạ viện đã thông qua hôm 17/4.
Theo quy định, chỉ cần 41 trong 81 thượng nghị sĩ thông qua thủ tục phế truất, Tổng thống Brazil sẽ bị buộc rời nhiệm sở trong vòng 180 ngày, nhường chỗ cho Phó Tổng thống Michel Temer, chấm dứt 13 năm cầm quyền ở Brazilcủa đảng Lao động (PT) với những thành quả xã hội mà cộng đồng quốc tế đã nhiều lần thừa nhận.
Cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Brazil được coi là một trang tồi tệ nhất trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này. Ngoài việc chính trường Brazil đang ngày càng rối ren, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ cũng đang lún sâu vào suy thoái.
6. Lãnh đạo Nga và Nhật Bản nhất trí cùng hợp tác giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua việc tạo ra mối quan hệ định hướng trong tương lai.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. (Ảnh: Getty) |
Tranh chấp chủ quyền đối với 4 hòn đảo hiện do Nga kiểm soát và gọi là quần đảo Nam Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, khiến hai nước chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa nhất trí hướng tới bước tiếp cận mới đối với các cuộc đàm phán về một hiệp ước hòa bình.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tổ chức một hội nghị thượng đỉnh khác trong tháng 9 tới tại Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga.
7. Nhân kỷ niệm 5 năm ngày các đặc nhiệm của CIA tiêu diệt được bin Laden- kẻ đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 gây rúng động nước Mỹ và toàn thế giới, CIA ngày 2/5 đã chia sẻ trên Twitter những thông tin về vụ tiêu diệt trùm khủng bố bin Laden hệt như khi vụ này đang xảy ra 5 năm trước.
Trùm khủng bố bin Laden trước khi bị tiêu diệt ngày 2/5/2011. Ảnh AP. |
Khi được hỏi liệu việc tiêu diệt được thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi có được coi là quan trọng như việc Mỹ tiêu diệt được trùm khủng bố bin Laden hay không, Giám đốc CIA Brennan phân tích: “Nếu chúng ta tiêu diệt được Baghdadi, tôi tin điều này sẽ tác động trực tiếp đến IS và chúng sẽ cảm nhận rõ về tổn thất đó. Tuy nhiên, IS không chỉ là một tổ chức mà còn là một hiện tượng.
Chúng không chỉ có mặt tại Syria và Iraq mà còn ở Libya, Nigeria và nhiều quốc gia khác. Chúng ta cần phải tập trung vào việc phá hủy mọi thứ liên quan đến chúng”.