Thế giới 7 ngày: Trung Đông tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn mới

(VOV) - Bất ổn tại Ai Cập, sự mong manh của lệnh ngừng bắn tại Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu triển khai tên lửa khiến Trung Đông càng thêm "nóng".


Ngày 23/11, làn sóng biểu tình phản đối sắc lệnh mới của Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi có dấu hiệu biến thành bạo lực khi đụng độ nổ ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, trong khi một số văn phòng của Tổ chức Anh em Hồi giáo bị đốt cháy.

Khủng hoảng tại Ai Cập xảy ra chỉ một ngày sau khi ông Mursi ban hành tuyên bố hiến pháp mới, trong đó quy định các cơ quan tư pháp không có quyền giải tán Hội đồng lập hiến hoặc Hội đồng Shura (tức Thượng viện), đồng thời không có quyền phủ quyết, bãi bỏ hoặc sửa đổi bất cứ điều luật, tuyên bố hay sắc lệnh nào do Tổng thống Mursi ban hành kể từ khi ông nhậm chức ngày 30/6 vừa qua cho đến khi Hiến pháp mới được phê duyệt và Quốc hội mới được bầu ra.

Lo ngại Ai Cập có thể trở lại thời chính biến, kéo theo rất nhiều tác động và hệ lụy tới an ninh, ổn định trong khu vực,
Mỹ và châu Âu đã kêu gọi Tổng thống Mursi tiếp tục tiến trình dân chủ. Chính phủ Mỹ cũng một lần nữa nhắc lại rằng, một trong những nguyện vọng của người dân là nhằm đảm bảo rằng quyền hạn sẽ không tập trung quá nhiều trong tay một cá nhân hay một thể chế. Trong ảnh: Một văn phòng của Tổ chức Anh em Hồi giáo tại thành phố cảng Alexandria bị người biểu tình đốt cháy để phản đối tuyên bố hiến pháp mới của Tổng thống Mursi (Ảnh: AP).

Ngoại trưởng Thổ Nhỹ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 23/11 cho biết, nước này đã đề nghị NATO triển khai tên lửa tới khu vực gần biên giới với Syria nhằm bảo vệ lãnh thổ quốc gia.

Trong phản ứng đầu tiên về việc Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị NATO triển khai tên lửa Patriot, Chính quyền Syria cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm ”về tình trạng quân sự hóa tình hình tại khu vực biên giới”.

Nga và Iran lên án mạnh mẽ việc Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu triển khai các tên lửa đất đối không Patriot tại khu vực biên giới với Syria. Chính phủ Nga cho rằng, việc quân sự hóa khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria sẽ chỉ làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Ramon Mehmanparast cho rằng, điều này không những không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria mà còn làm cho tình hình trở nên trầm trọng và phức tạp hơn. Trong ảnh: Hệ thống tên lửa phòng không Patriot (Ảnh: israel matzav).

Sau rất nhiều nỗ lực ngoại giao, trong đó phải kể đến nỗ lực của Ai Cập - nước đóng vai trò là trung gian hòa giải, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại dải Gaza (có hiệu lực từ 2h sáng 22/11 - giờ Hà Nội), chấm dứt 8 ngày xung đột khiến 162 người Palestine, trong đó có gần 40 trẻ em và 5 người Israel thiệt mạng.

Cộng đồng quốc tế đã có những phản ứng tích cực sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực. Hội đồng Bảo an LHQ hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại dải Gaza nhằm duy trì hòa bình và ổn định cũng như chấm dứt sự thù địch tại đây; đồng thời kêu gọi các bên liên quan thực thi những kết quả đạt được và hành động nghiêm túc để thực thi các điều khoản ngừng bắn một cách thiện chí. Trong ảnh: Khói lửa bốc lên sau một vụ không kích của Israel vào dải Gaza (Ảnh: Reuters).

Hơn ai hết, nhiều người dân ở dải Gaza và Israel đã bày tỏ vui mừng về thông tin thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực. Ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, hàng nghìn người dân Palestine tại dải Gaza đã đổ ra đường ăn mừng, trong khi đó tại Israel, nhiều người dân cũng bày tỏ phấn khởi khi biết tin về ngừng bắn.

Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế nhận định, việc hai bên nhất trí ngừng bắn ở Gaza mới chỉ là bước đi đầu tiên trên chặng đường gian nan, để tìm kiếm một thỏa thuận ngừng giao tranh lâu dài và phức tạp. Điều quan trọng nhất là các bên phải chấp hành nghiêm chỉnh lệnh ngừng bắn, thêm vào đó, Israel cần chấm dứt hoàn toàn lệnh phong tỏa dải Gaza để tiến tới một tiến trình hòa bình, ổn định ở khu vực Trung Ðông bấy lâu nay vẫn bị lâm vào bế tắc. Trong ảnh: Người dân Palestine tại Gaza đổ ra đường ăn mừng sau khi biết tin về thỏa thuận ngừng bắn (Ảnh: AP).


Sáng 24/11, khoảng 10.000 người tham gia cuộc biểu tình do Nhóm "Bảo vệ Siam" (Pitak Siam) tổ chức tại Quảng trường Hoàng gia ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) nhằm phản đối chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Đây là cuộc biểu tình quy mô lớn đầu tiên chống lại chính quyền 16 tháng của bà Yingluck. Tuy nhiên, cuộc biểu tình dự kiến kéo dài 2 ngày này đã kết thúc sớm hơn dự định vào chiều 24/11. Trong ảnh: Cảnh sát chống bạo động sử dụng hơi cay để giải tán người biểu tình (Ảnh: AP).

Theo kết quả thăm dò ý kiến của người dân nước này đối với nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và Chính phủ do Trung tâm nghiên cứu dư luận của Thái Lan (ABAC) công bố ngày 25/11 cho thấy, gần 90%  ý kiến muốn Chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra tiếp tục điều hành đất nước.


Chiều tối 20/11, Hội nghị Cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) đã chính thức bế mạc với những kết quả quan trọng đạt được trên tất cả các lĩnh vực hợp tác chủ chốt.

Sự kiện được dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt là Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 7, với sự tham dự của lãnh đạo ASEAN, cùng lãnh đạo các nước đối tác như: Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nhật Bản Noda, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, Thủ tướng Australia Julia Gillard và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Các nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng về tiến bộ đạt được trong hợp tác Đông Á ở 6 lĩnh vực ưu tiên, gồm môi trường và năng lượng, giáo dục, tài chính, y tế toàn cầu dịch bệnh, khắc phục thảm họa tự nhiên và hỗ trợ kết nối ASEAN. Trong ảnh: Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị đối thoại toàn cầu ASEAN (Ảnh: Tuấn Anh/VOV Phnom Penh).

Ngay sau khi tái đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2, ông Obama đã chọn Đông Nam Á là địa điểm công du đầu tiên của mình. Đây có thể coi là minh chứng minh cho chiến lược hướng về châu Á trong chính sách đối ngoại của Mỹ, đồng thời góp phần đáng kể củng cố diện mạo và tầm ảnh hưởng của nước Mỹ trên khu vực Thái Bình Dương.

Chuyến thăm Đông Nam Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama được coi là một chuyến đi khá thành công. Bởi chuyến thăm tới Thái Lan, đối tác chủ yếu của Mỹ trong khu vực châu Á, giúp Mỹ củng cố mối quan hệ liên minh quốc phòng với nước này, còn chuyến thăm Campuchia và dự Hội nghị Cấp cao Đông Á lại góp phần tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại khu vực kinh tế phát triển năng động thông qua việc xúc tiến mở rộng Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

Trong khi đó, những cam kết viện trợ và nới lỏng lệnh cấm vận đối với Myanmar, một quốc gia có vị thế địa-chính trị quan trọng với nguồn tài nguyên giàu có, đã giúp Mỹ cải thiện đáng kể mối quan hệ với nước này và nhờ đó có thể mang lại cho Mỹ những nguồn lợi to lớn trong tương lai. Trong ảnh: Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp với Tổng thống Myanmar Thein Sein tại Yangon ngày 19/11 (Ảnh: AP).
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên