Thế giới 7 ngày: Tuần đẫm máu ở Trung Đông

(VOV) - Vụ đánh bom ở Beirut dẫn đến bùng phát các vụ bạo lực và làm căng thẳng mối quan hệ Syria- Lebanon

 

Người Hồi giáo Sunni biểu tình đốt lốp xe và chặn một đường phố ở Beirut khi họ phản đối vụ sát hại quan chức tình báo cấp cao Wissam al-Hassan trong một vụ nổ tại Beirut (Lebanon) 19/10/2012 (Ảnh Reuters). Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế cũng đồng loạt lên án vụ nổ bom này.

  

Trước đó, một vụ tấn công đẫm máu xảy ra ở thủ đô Beirut (Lebanon) ngày 19/10, làm gần 100 người thương vong, trong đó có Giám đốc tình báo thuộc Lực lượng an ninh nội địa nước này. Phe đối lập tại Lebanon đã cáo buộc chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đứng đằng sau vụ ám sát quan chức tình báo cấp cao Lebanon. (Ảnh Reuters)

  

Tổng thống Lebanon Michel Suleiman và nội các dành một phút im lặng mặc niệm quan chức tình báo cấp cao Wissam al-Hassan, người đã chết trong vụ nổ hôm 19/10 (Ảnh Reuters). Ngày 20/10 được tuyên bố là Ngày quốc tang ở Lebanon.

  

 

 Những ngày qua, cả Chính phủ Syria và phe đối lập tại nước này đều khẳng định ủng hộ việc tiến tới một lệnh ngừng bắn tạm thời trong dịp lễ Hiến sinh (Eid al-Adha) của người Hồi giáo. Đây là sáng kiến của Đặc phái viên chung của Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Arab về Syria, ông Lakhdar Brahimi. Động thái này được đánh giá là tích cực liên quan đến cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 1,5 năm qua tại Syria. Trong ảnh: Tổng thống Syria al- Assad tiếp Đặc phái viên LHQ Brahimi ngày 21/10/2012 (Reuters)

 

Tối 16/10 cuộc tranh luận trực tiếp thứ 2 giữa Tổng thống Obama và ứng cử viên Mitt Romney đã diễn ra vô cùng căng thẳng và đầy kịch tính. Tổng thống Obama đã thể hiện một hình ảnh hoàn toàn trái ngược với một diễn giả Obama ở thế bị động tại vòng tranh luận thứ nhất, trong khi ứng cử viên Romney đã mất đi thế thượng phong và tỏ ra mất bình tĩnh.Theo kết quả thăm dò ý kiến của CNN/ORC, gần 3/4 số người theo dõi cuộc tranh luận thứ 2 cho rằng Tổng thống Obama đã làm tốt hơn mong đợi. Hai ứng cử viên sẽ chạm trán một lần nữa trong vòng tranh luận cuối cùng tại bang Florida vào ngày 22/10 với chủ đề chính sách đối ngoại, điểm mạnh của Tổng thống Obama (Ảnh Fox News)

  

 

Cựu Vương Campuchia Norodom Sihanouk vừa qua đời ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hưởng thọ 90 tuổi. Trong ảnh: Cựu Hoàng hậu Norodom Monineath Sihanouk để tang phu quân ngày 15/10 (Reuters/Tân Hoa Xã). Campuchia tổ chức quốc tang trong 1 tuần.

 

Bốn tàu hải giám Trung Quốc đi vào vùng biển tiếp giáp gần đảo Uotsuri, đảo lớn nhất của Senkaku/Điếu Ngư, vào sáng 20/10. Ngoài ra, một tàu ngư chính của Trung Quốc cũng đã xuất hiện khu vực gần đảo Kuba thuộc chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư vào lúc khoảng 7h30 (giờ Việt Nam). Đây là lần đầu tiên sau 10 ngày qua, tàu Trung Quốc lại xuất hiện ở khu vực này.

  

 

 Cách đây một năm, ngày 20/10/2011, Hội đồng dân tộc chuyển tiếp Libya đã chính thức tuyên bố về cái chết của cựu lãnh đạo Gaddafi, kết thúc cuộc chiến kéo dài tại Libya cũng như chế độ cầm quyền của ông Gaddafi. Nhiều nước cho rằng, cái chết của ông Gaddafi mở đường cho sự khởi đầu chính trị mới ở Libya. Tuy nhiên 1 năm sau sự ra đi của ông Gaddafi, quốc gia Bắc Phi này vẫn chìm trong bất ổn (Ảnh: Reuters). Ngày 20/10, lực lượng an ninh Libya đã giao tranh ác liệt với các tay súng tại thị trấn Bani Walid, cách thủ đô Tripoli 180 km về phía Đông Nam, khiến 26 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, trong đó có người con trai của ông Gaddafi là Khamis.

 

 

Ngày 16/10/2012 - Hội thảo quốc tế quy mô lớn có chủ đề “Biển Đông: Phải chăng là một không gian khủng hoảng mới?” vừa diễn ra tại Pháp. thu hút khoảng 300 người tham dự, gồm các học giả Pháp và quốc tế về Châu Á; quan chức nước chủ nhà cùng một số quốc gia có liên quan; đại diện nhiều tập đoàn kinh tế lớn, báo chí Pháp và quốc tế… Đa số ý kiến tại hội thảo phản bác mạnh mẽ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt là luận điệu về đường Lưỡi bò. (Ảnh Võ Trung Dung)

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên