Thế giới chống đói nghèo: Cuộc chiến cam go

Trong một thế giới ngày càng liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, vấn đề nghèo đói chỉ có thể được giải quyết khi có sự phối hợp của cả cộng đồng quốc tế

Năm nay, thế giới kỷ niệm ngày “Thế giới chống đói nghèo” (17/10) trong bộn bề lo âu. Kinh tế toàn cầu đối diện với những căng thẳng và nguy cơ tụt giảm ngày càng lớn, khủng hoảng việc làm, giá lương thực tăng cao, bất công xã hội, biến đổi khí hậu, khiến cho số người lâm vào cảnh cùng cực gia tăng.

Đầu năm nay, Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) ước tính, trên thế giới có khoảng một tỷ người lâm vào tình trạng thiếu lương thực. Đến cuối tháng 10 này, dân số thế giới sẽ đạt 7 tỷ người. Điều đó có nghĩa, mỗi ngày trên hành tinh cứ 7 người sẽ có 1 người bị đói, mặc dù thế giới sản xuất đủ lương thực cho tất cả mọi người.

Những bàn tay xin lương thực cứu đói tại một trại tị nạn tạm thời ở khu vực Sukkar, thuộc tỉnh Sindh, miền Nam Pakistan

Điều đáng buồn là con số này sẽ không dừng lại mà còn có xu hướng tăng trong năm nay, trong đó nhiều người không chỉ nghèo mà còn bị đẩy vào cảnh cùng cực. Đặc biệt, nạn đói đang tác động tới 12,4 triệu người ở vùng Sừng châu Phi. Tại đây, có tới 7 nước đang phải đối phó với nạn đói và tính mạng của hàng chục triệu người bị đe doạ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến nghèo đói đã được chỉ ra, trong đó phải kể đến cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đến nay vẫn đeo đuổi nhiều nước, đặc biệt các nước phát triển trong đó có Mỹ. Khu vực đồng euro đang phải đối mặt với khủng hoảng nợ công nên buộc phải áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội, trầm trọng thêm tình trạng thất nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến phần còn lại của thế giới.

Nguyên nhân quan trọng nữa phải kể đến là giá lương thực trên thế giới tăng cao. Dân số thế giới gia tăng trong khi sản xuất lương thực chỉ đủ cho 7 tỷ miệng ăn mà chẳng có dư thừa nên bất cứ biến động nào như thiên tai, lũ lụt, hạn hán (mà vùng Sừng châu Phi đang phải đối mặt) khiến sản lượng giảm, đều có thể làm lương thực tăng giá. Đó là chưa kể quá trình đô thị hoá đang tăng tốc khiến đất đai canh tác ở nhiều nước ngày càng bị thu hẹp, trong khi đầu tư cho nông nghiệp không được chú trọng.

Giá lương thực biến động là một nguy cơ lớn đối với an ninh lương thực ở các nước đang phát triển, tác động mạnh nhất đến người nghèo, đặc biệt ở các nước đang phát triển - nơi tập trung tới 98% số dân bị đói trên thế giới.

Thật không ngoa khi nói rằng, lương thực là sản phẩm sinh tử, bởi mất cân băng cung cầu lương thực sẽ khiến giá cả tăng cao, kéo theo lạm phát lớn cản trở sự tăng trưởng kinh tế, giảm sức mua và khiến cho đời sống người nghèo trở nên khốn đốn. Và các cuộc bạo loạn, các cuộc xuống đường tại nhiều nước trên thế giới mà nguyên nhân là từ nghèo đói, bất bình đẳng xã hội là điều tất yếu xảy ra.

Còn nhớ trong cuộc khủng hoảng năm 2008, bạo loạn đã xảy ra ở 30 nước trên thế giới và nay tình trạng này lại tái diễn bắt đầu từ châu Phi với các cuộc cách mạng “hoa” dẫn đến sự ra đi của một loạt lãnh đạo trong đó phải kể đến Tổng thống Tunisia Ben Ali và Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak... Còn chính quyền nhiều nước Arập cũng đang buộc phải tính đến việc cải cách chính trị để tồn tại.

Các nước công nghiệp phát triển, nơi khởi nguồn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng đang phải đối mặt với sự thất vọng, tức giận của người dân khi mà hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng rộng. (Năm 2010, có tới 46,2 triệu người dân, tương đương 15,2% dân số nước Mỹ thuộc diện nghèo (mức cao nhất trong hơn hai thập niên qua), trong khi thâm hụt ngân sách ngày càng lớn, nợ quốc gia ngày càng chồng chất.

Cựu Bộ trưởng Lao động Mỹ Robert Reich đã từng so sánh: Số người giàu nhất nước Mỹ tuy chiếm 1% dân số nhưng kiếm được số tiền nhiều bằng số tiền của 120 triệu người nghèo nhất nước này cộng lại.

Phong trào “Chiếm lấy phố Wall”, khởi đầu chỉ với một nhóm thanh niên dựng trại trước cửa sở giao dịch chứng khoán New - York để bày tỏ bất bình trước sự bất công xã hội, sự tham lam của các công ty tài chính mà điển hình là phố Wall - nơi 1% dân số độc chiếm quyền lực và tài sản của nước Mỹ, nay đã trở thành một phong trào có quy mô rộng khắp nước Mỹ và lan sang một loạt các quốc gia láng giềng, tới tận Nhật Bản và châu Âu.

Khủng hoảng kinh tế kéo theo thất nghiệp, lạm phát, bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn, cùng với đó là thiên tai, hạn hán, khiến cuộc chiến chống đói nghèo trở nên cam go hơn.

Trong một thế giới mà các nước ngày càng liên kết và phụ thuộc lẫn nhau, vấn đề nghèo đói chỉ có thể được giải quyết thoả đáng khi có sự phối hợp của cả cộng đồng quốc tế, sự chung tay hợp tác của các quốc gia trong khuôn khổ những biện pháp ở quy mô toàn cầu, trong đó LHQ đóng vai trò lớn hơn trong điều phối và quản trị kinh tế, các nước phát triển chia sẻ gánh nặng và trách nhiệm đối với các nước nghèo./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên