Thế tiến thoái lưỡng nan của Iran khi xung đột Israel-Hezbollah leo thang
VOV.VN - Giữa bối cảnh xung đột Israel-Hezbollah leo thang trong thời gian gần đây và có nguy cơ lan rộng ra khắp khu vực, giải pháp đàm phán hòa bình hay một cuộc tấn công trả đũa đều buộc Iran phải trả một cái giá đắt.
Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/9, Tổng thống Masoud Pezeshkian chỉ trích các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, đồng thời nhấn mạnh, Iran cần một câu trả lời từ Tel Aviv sau khi Lebanon phải hứng chịu những đợt không kích dữ dội trong những ngày qua.
Tuy nhiên, thay vì tuyên bố sẽ trả thù, Tổng thống Pezeshkian bày tỏ thiện chí "tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho tất cả mọi người và không có ý định xung đột với bất kỳ quốc gia nào”; đồng thời cho biết sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với phương Tây nhằm xoa dịu nỗi lo ngại của các nước này về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân ở Trung Đông.
Trước đó, ngày 23/9, Tổng thống Pezeshkian cũng nói với báo giới tại New York rằng Israel đang tìm cách "lôi kéo Iran vào một cuộc chiến tranh" nhưng "Iran sẵn sàng xoa dịu căng thẳng với Israel và hạ vũ khí nếu Israel cũng làm như vậy”. Giống như nhà lãnh đạo Iran, các quan chức cấp cao khác của Tehran và các chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cũng bất ngờ tỏ ra kiềm chế khi nhắc đến ý định đáp trả Israel.
Điều đáng chú ý là ngay cả Đại giáo chủ Khamenei cũng không đề cập đến bất kỳ kế hoạch trả đũa hay đe dọa nào đối với Israel trong cuộc gặp với các phát biểu trước các cựu chiến binh vào tuần này - một điều được xem là khá bất thường đối với ông.
Theo BBC, dù Iran đã trang bị vũ khí, tài trợ và huấn luyện binh sĩ cho cả hai nhóm vũ trang Hamas và Hezbollah, nhưng giới lãnh đạo Tehran coi Hezbollah như "một hàng rào phòng thủ" nhằm ngăn xung đột tràn qua biên giới Iran.
Tuần trước, Đại sứ Iran tại Lebanon, ông Mojtaba Amani, đã bị thương nặng khi máy nhắn tin của ông phát nổ tại Đại sứ quán ở Beirut. Hàng ngàn máy nhắn tin và bộ đàm khác do các thành viên Hezbollah sử dụng cũng phát nổ trong hai vụ tấn công khiến tổng cộng 39 người thiệt mạng.
Iran đổ lỗi cho Israel nhưng không đưa ra lời đe dọa trả đũa ngay lập tức.
Động thái này trái ngược với những gì đã diễn ra và tháng 4 vừa qua, khi Iran đã phóng hàng trăm UAV và tên lửa vào lãnh thổ Israel trong đêm nhằm đáp trả cuộc tấn công lãnh sự quán Iran tại Damascus khiến 8 chỉ huy cấp cao của Lực lượng Quds thiệt mạng. Sau đó, Iran cũng tuyên bố sẽ trả đũa sau khi đổ lỗi cho Israel về vụ ám sát nhà lãnh đạo chính trị Hamas - Ismail Haniyeh tại Tehran vào cuối tháng 7, mặc dù nước này vẫn chưa thực hiện bất kỳ hành động nào.
Chia sẻ với BBC, một cựu chỉ huy IRGC giấu tên cho biết việc liên tục đe dọa Israel mà không thực hiện đã "làm tổn hại thêm uy tín của lực lượng này" trong số những người ủng hộ ở Iran và các lực lượng ủy nhiệm ở nước ngoài.
Nhiều nhà quan sát lập luận rằng, có vẻ như Iran đang lo ngại rằng việc tấn công Israel có thể gây ra phản ứng quân sự của Mỹ, kéo đất nước này vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn. Với nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh trừng phạt của Mỹ và tình hình bất ổn trong nước, một cuộc tấn công tiềm tàng của Mỹ nhằm vào IRGC có thể làm suy yếu thêm bộ máy an ninh của Iran và khiến những thế lực đối lập nổi dậy một lần nữa.
Tuy nhiên, việc Iran kiềm chế không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột giữa Hezbollah với Israel có thể gửi đi một tín hiệu xấu tới các đồng minh khác trong khu vực rằng, trong thời điểm khủng hoảng, Tehran đã ưu tiên sự sống còn và lợi ích của chính mình hơn lợi ích của họ.
"Điều này có thể làm suy yếu ảnh hưởng của Iran trong các liên minh và trên khắp khu vực", nhà báo Jiyar Gol của BBC nhận định.