Thổ Nhĩ Kỳ muốn tấn công phiến quân người Kurd: Phép thử với Iran ở Syria
VOV.VN - Iran rơi vào tình thế khó xử về mặt ngoại giao khi Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tiến hành một chiến dịch quân sự ở Syria - một đồng minh quan trọng của Tehran.
Iran đã tăng cường các nỗ lực ngoại giao trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự mới ở Syria - một đồng minh thân thiết của Tehran – nhằm chống lại phiến quân người Kurd.
Trong vài tháng qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, ngay sau khi các công tác chuẩn bị về quân sự và an ninh kết thúc, Ankara sẽ nhắm mục tiêu vào các nhóm vũ trang “khủng bố” người Kurd ở ít nhất 2 thành phố của Syria gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Tal Rifaat và Manbij.
Ông Erdogan muốn và tấn công với Các đơn vị bảo vệ nhân dân (YPG) người Kurd và thiết lập một “vùng an toàn” sâu 30km trên đất Syria. Ankara cho rằng YPG có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) - lực lượng đã tiến hành các chiến dịch vũ trang chống đối chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm qua. PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Việc Mỹ trang bị vũ khí cho Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - có liên kết với YPG, đã làm rạn nứt quan hệ giữa Ankara và Washington. SDF cùng với YPG đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến của Mỹ chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.
Iran phản đối chiến dịch đã được lên kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ, vì cùng với Nga, Iran là đồng minh và là nước ủng hộ quân sự lớn nhất cho chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Iran muốn cân bằng ngoại giao trong khu vực
Iran lâu nay theo đuổi chính sách đối ngoại “cân bằng” như một phần trong kế hoạch của Tổng thống Ebrahim Raisi nhằm mở rộng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh Tehran muốn thúc đẩy ngoại giao khu vực.
Ngoại trưởng Iran Hossein Amir Abdollahian đã thể hiện thái độ mềm mỏng khi gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng như Tổng thống Erdogan tại Ankara hồi tháng 6 vừa qua.
“Chúng tôi hiểu những lo ngại về an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và đã thảo luận về khả năng tiến hành một chiến dịch đặc biệt ở các khu vực trên lãnh thổ Syria”, Ngoại trưởng Iran Abdollahian nói như vậy trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Cavusoglu.
Điều này làm dấy lên suy đoán rằng Iran sẽ không phản đối chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria.
Tuy nhiên, trong chuyến đi tới Damascus cuối tuần trước, ông Abdollahian nói với Tổng thống al-Assad rằng Tehran phản đối giải pháp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và tin rằng chỉ có đối thoại mới có thể giải quyết được tình hình. Iran sẽ cố gắng làm trung gian để giúp giải quyết những bất đồng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kế hoạch về hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra trong bối cảnh nước này sẽ có cuộc bầu cử vào năm tới. Ông Erdogan sẽ tái tranh cử trong bối cảnh khó khăn về kinh tế, lo ngại về năng lượng, xu hướng phản đối người nhập cư ngày tăng và bạo lực gia tăng đối với phụ nữ.
Theo ông Ali Golmohammadi, giảng viên về quan hệ quốc tế tại Đại học Tarbiat Modares ở Tehran, trong thập kỷ qua, Tổng thống Erdogan đã tận dụng các vấn đề chính sách đối ngoại để thu hút cử tri trước cuộc bầu cử.
“Đặc biệt trong 5 năm qua, một trong những chính sách của ông Erdogan là nội bộ hóa các vấn đề an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ liên quan đến người Kurd ở miền Bắc Syria và Iraq để giành được phiếu bầu của những người theo chủ nghĩa dân tộc”, ông Golmohammadi nói với Al Jazeera, đồng thời cho biết thêm, đồng minh của ông Erdogan, đảng MHP theo chủ nghĩa dân tộc nắm giữ số ghế đáng kể trong quốc hội.
Thế khó xử của Iran
Ông Goldmohammadi cho rằng, trong nỗ lực mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại các chiến binh người Kurd, Iran đã nhận thấy mình đang ở trong “vòng vây của những căng thẳng không mong muốn” và muốn tránh đụng độ với Ankara.
“Có lẽ chuyến đi của ông Abdollahian tới Ankara có ý nghĩa quan trọng ở chỗ nó có thể giúp xác định những điểm nhạy cảm trong quan hệ song phương mà hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể tạo ra, để ngăn chặn một cuộc đụng độ quân sự không mong muốn. Chuyến thăm này chủ yếu là về quản lý xung đột hơn là giải quyết xung đột”, ông Goldmohammadi nhận định.
Tuy nhiên, có một số thông tin cho rằng Tehran đang trao đổi với các đồng minh ở Syria về khả năng huy động quân sự trong và xung quanh Aleppo, gần với Tal Rifaat - mục tiêu chính trong kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặt khác, vì mục tiêu thúc đẩy quan hệ song phương Tehran muốn tránh căng thẳng với Ankara nếu có thể.
Trong chuyến thăm tới Ankara, Ngoại trưởng Abdollahian đã nêu đề xuất của Tehran về việc thiết lập một lộ trình hợp tác kéo dài hàng thập kỷ. Tài liệu này ban đầu được cho là sẽ được ký kết trong chuyến thăm của ông Erdogan tới Tehran vốn được lên kế hoạch vào tháng 11/2021, nhưng đã không được thực hiện.
Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác thương mại lớn của nhau. Thương mại song phương chỉ đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2020 do các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào năm 2018. Đến cuối năm 2021, con số này đã phục hồi lên 5,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, kim ngạch thương mại của hai nước vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 21 tỷ USD vào năm 2012, do xuất khẩu dầu và khí đốt của Iran đã giảm đáng kể vì các lệnh trừng phạt và giới hạn sản xuất của Mỹ. Đây cũng là những vấn đề mà Tehran muốn khắc phục khi nước này tìm cách tăng cường quan hệ trong khu vực, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù vậy, điều này rất phức tạp, bởi Thổ Nhĩ Kỳ hiện cũng đang nỗ lực thúc đẩy quan hệ với một số đối thủ chính của Iran trong khu vực.
Ông Yair Lapid, người hiện đảm nhận vị trí Thủ tướng lâm thời Israel, đã thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước trong bối cảnh 2 bên nỗ lực bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này đã phá vỡ một âm mưu được cho là của Iran nhằm sát hại người Israel ở Istanbul. Tehran bác bỏ cáo buộc này và cho là “vô lý”.
Trong bối cảnh đang rất cần các khoản đầu tư để khôi phục nền kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng đã tiếp đón các nhà lãnh đạo của các Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Cả 2 đều là đối thủ Iran.
Tehran muốn tránh xung đột lợi ích với Ankara
Theo ông Yusuf Erim, nhà phân tích các vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ và biên tập viên của TRT World, các quốc gia mà Thổ Nhĩ Kỳ đang bình thường hóa quan hệ sẽ hy vọng Ankara có quan điểm cứng rắn hơn đối với Iran và đảm nhận vai trò cung cấp an ninh trong bối cảnh có nhiều dự đoán sự hiện diện của Mỹ trong khu vực sẽ giảm đi trong tương lai.
Theo ông, Iran muốn Thổ Nhĩ Kỳ trung lập và sẽ sử dụng các lĩnh vực song phương và các công cụ ngoại giao theo ý mình để đạt được điều này.
“Vì vậy, tôi dự đoán sẽ có sự thấu hiểu và thỏa hiệp nhiều hơn từ Iran đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt ở những khu vực là mối quan tâm lớn về an ninh quốc gia đối với Ankara như Iraq và Syria. Iran muốn tránh xung đột lợi ích với Thổ Nhĩ Kỳ, bởi nếu điều này xảy ra, các đối thủ trong khu vực của Iran chắc chắn sẽ lợi dụng để lôi kéo Ankara về phía họ”, ông Erim nói.
Theo hướng này, ông Erim tin rằng những bình luận của Ngoại trưởng Abdollahian ở Ankara báo hiệu rằng Iran ở một mức độ nào đó có thể chấp nhận cho một chiến dịch quân sự mới của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại người Kurd ở Syria, nhưng sẽ muốn giới hạn phạm vi của chiến dịch thông qua đối thoại. Điều này cũng có thể mở ra cơ hội để Iran thuyết phục YPG xích lại gần chính quyền Tổng thống Syria al-Assad.
“Kịch bản Iran có thể khiến Thổ Nhĩ Kỳ hạn chế phạm vi hoạt động quân sự trong khi đẩy YPG đến gần Damascus sẽ là một chiến thắng lớn cho Tehran và chính quyền Assad”, ông Erim nhận định.
Ông nói thêm rằng mặc dù sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria có thể không phải là điều mà Tehran và Damascus mong muốn, nhưng họ có thể tận dụng lợi thế đó để đạt được lợi ích ở những nơi khác.
“Việc giải tán và tiếp nhận YPG vào quân đội của chính quyền Syria, đồng thời chuyển các đơn vị của lực lượng này ra khỏi khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có đem lại thêm lợi ích từ việc giảm bớt những lo ngại về an ninh của Ankara trong tương lai”./.