Thổ Nhĩ Kỳ và “câu chuyện” bắn hạ Su-24 xâm phạm không phận 17 giây
VOV.VN- Lý giải máy bay Su-24 của Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ 17 giây nên bị bắn hạ cho thấy quá nhiều khuất tất trong tuyên bố của Ankara.
Theo RT, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều đã trưng ra những bằng chứng kèm theo những tuyên bố của cả 2 bên liên quan đến vụ tiêm kích cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ cường kích Su-24 của Nga ngày 24/11.
Một chiếc Su-24 của Nga. Ảnh RT |
Những tuyên bố trái ngược của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ
Trong khi Nga khẳng định máy bay của mình không xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ và chính chiếc F-16 mới vi phạm không phận Syria thì Thổ Nhĩ Kỳ lại cáo buộc chiếc Su-24 đã xâm phạm không phận của mình trong vòng 17 giây.
Theo thông tin chính thức mà phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp, chiếc F-16 của nước này đã bắn hạ “một máy bay” sau khi chiếc máy bay này xâm phạm không phận phía Nam nước này. Để củng cố tuyên bố của mình, nước này công bố một bản đồ mô tả về vụ việc này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố về vụ bắn hạ máy bay Nga. Ảnh AFP |
Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ còn lên tiếng tuyên bố họ đã lên tiếng cảnh báo cường kích của Nga về việc xâm phạm không phận tới 10 lần trong vòng 5 phút rồi mới cho phép tiêm kích F-16 phóng tên lửa không đối không để bắn hạ.
Tuy nhiên, trong một văn bản đệ trị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Ankara lại cho biết chiếc máy bay Su-24 đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ 17 giây trước khi bị tấn công.
Trong khi đó, theo thông tin mà Bộ Quốc phòng Nga công bố, chiếc Su-24 của Nga chưa hề bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ và bị bắn hạ khi vẫn ở không phận Syria cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ 4km. Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Nga cũng đưa ra nhận định, nhiều khả năng, tiêm kích F-16 đã xâm phạm không phận Syria chỉ để bắn hạ máy bay Nga.
Phiên bản 17 giây của Thổ Nhĩ Kỳ có đáng tin?
Trên thực tế, khu vực biên giới mà cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cho là nơi máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ có chiều rộng chỉ khoảng 2,5km.
Với tốc độ tối đa khoảng 1.600km/h, chiếc máy bay Nga chỉ mất vài giây là đã lướt qua khu vực đó, và với thông tin từ hai phía khẳng định rằng, chiếc máy bay này đang bay ở độ cao 6km khi bị bắn hạ, sẽ phải mất rất nhiều thời gian để chuẩn bị nếu muốn hạ chiếc máy bay này.
Hơn thế nữa, khi bay ra khỏi căn cứ Không quân Latakia ở Syria gần Địa Trung Hải, các máy bay của Nga nhiều khi không tránh khỏi việc phải tạm thời xâm nhập không phận Thổ Nhĩ Kỳ để tránh gió mạnh thổi từ biển vào.
Gió mạnh tại khu vực này thổi từ phía Nam đồng nghĩa với việc nếu muốn hạ cánh an toàn, máy bay Nga phải tìm cách hạ cánh từ hướng Bắc. Đây là một sự thật hiển nhiên mà Mỹ cần thông báo với Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ và Nga ký thỏa thuận nhằm tránh khả năng máy bay Nga và liên quân va chạm trên bầu trời Syria.
Chỉ cảnh báo 2 lần đã bắn hạ?
Phó Chủ tịch Thứ nhất Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Franz Klintsevich nhấn mạnh, hành động của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động nhằm làm mất uy tín của quân đội Nga và là một hành động khiêu khích rõ ràng từ phía NATO [mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên]”.
“Tôi coi đây là một hành động khiêu khích của phía NATO và mọi quốc gia thành viên NATO đều có liên quan đến vụ này. Họ làm như vậy để hạ uy tín của quân đội Nga sau những thành công của lực lượng Không quân Nga ở Syria”, ông Klintsevich nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng bảo vệ hành động của Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc gặp khẩn đêm 24/11 sau vụ việc nói trên.
“Chúng tôi luôn sát cánh với Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh”, ông Stoltenberg tuyên bố mà không đưa ra những chi tiết cụ thể liên quan đến vụ việc.
Trong khi đó, trong cuộc họp với NATO, Ankara hầu như không trưng ra được bằng chứng gì cho thấy Nga vi phạm không phận của mình.
“Khá nhiều thành viên NATO phản ứng một cách rất thận trọng về những gì Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra”, một quan chức tham dự cuộc họp cho biết, nhiều nước tin rằng chiếc Su-24 bị bắn hạ khi đang bay trên không phận Syria.
Cũng theo quan chức này, khác với những gì Ankara tuyên bố rằng, Không quân Thổ Nhĩ Kỳ đã cảnh báo phi công Nga tới 10 lần, trong cuộc họp với NATO họ thừa nhận chỉ cảnh báo có 2 lần.
Quyết định mang nhiều tính chính trị của Ankara
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, hành động của Thổ Nhĩ Kỳ mà Tổng thống Nga Putin tuyên bố là “đâm sau lưng” là một hành động thù địch mang đậm chất chính trị.
Tổng thống Nga Putin coi vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 là một hành động đâm sau lưng. Ảnh RT |
“Chiếc Su-24 không hề có ý định tấn công vào Thổ Nhĩ Kỳ”, cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Không quân Mỹ, Trung tướng Tom McInerney chia sẻ với hãng tin Fox News: “Kể cả chiếc máy bay này có bay quá đà một chút thì bạn cũng không thể bắn hạ chỉ với lý do như vậy”.
Ông McInerney khẳng định việc bắn hạ chiếc máy bay Nga là “một sai lầm khủng khiếp xuất phát từ một đánh giá thiếu chính xác”.
Việc áp đặt “tiêu chuẩn kép” đối với Nga là một điều rõ ràng trong vụ chiếc Su-24 bị bắn hạ nếu xem xét những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã làm trước đây.
Vào tháng 6/2012, không quân Syria bắn hạ máy bay Phantom F-4 của Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm không phận nước này.
Tại thời điểm đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích gay gắt Syria và nhấn mạnh: “Kể cả khi chiếc máy bay đó có xâm phạm không phận vài giây thì cũng không thể lấy đó làm lý do để tấn công”.
“Rõ ràng chiếc máy bay đó không có ý thù địch, vậy mà nó vẫn bị bắn hạ”, ông Erdogan tuyên bố.
Để minh chứng cho tuyên bố của mình, Thổ Nhĩ Kỳ trưng ra một loạt bằng chứng cho thấy mình là một đối tác cực kỳ kiên nhẫn và không muốn đối đầu.
Soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga đã được điều đến Địa Trung Hải để bảo vệ căn cứ và các máy bay của Không quân Nga ở Syria. Ảnh RT |
Bộ Tổng tham mưu Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, đến thời điểm chiếc Phantom F-4 của nước này bị bắn hạ, Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ngăn chặn tới 114 chiến đấu cơ của các nước xâm phạm không phận nước này chỉ trong năm 2012.
“Chúng tôi có thể bắn hạ cả 114 chiếc máy bay này nếu như mỗi chiếc máy bay xâm phạm lãnh thổ của các nước khác sẽ bị bắn hạ ngay lập tức. Việc xâm phạm không phận là việc xảy ra hàng ngày và sẽ được giải quyết trong vòng vài phút theo luật pháp quốc tế”.
Thế nhưng, trong vụ việc lần này, Ankara không ngần ngại bắn hạ chiếc máy bay của Nga dù chính họ khẳng định chiếc máy bay này chỉ bay vào không phận của Thổ Nhĩ Kỳ có 17 giây./.