Thỏa thuận hòa bình có chấm dứt đổ máu và chia rẽ ở Ukraine?
VOV.VN - Đổ máu tại Ukraine có thể sớm chấm dứt, nhưng việc hàn gắn rạn nứt giữa các phe phái là chặng đường còn xa.
Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich phát biểu trên truyền hình về thỏa thuận hòa bình (Ảnh: Ria Novosti) |
Tổng thống Ukraine chấp nhận nhượng bộ
Theo thỏa thuận vừa được ký kết, chính phủ Ukraine đồng ý thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc; khôi phục lại Hiến pháp năm 2004 trong đó hạn chế bớt quyền lực của Tổng thống, đồng thời trao thêm quyền lực cho Quốc hội, đưa Ukraine theo hướng là một nước Cộng hòa nghị viện.
Tổng thống Ukraine cũng chấp nhận tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống sớm (chậm nhất là tháng 12/2014 thay vì tổ chức vào tháng 3/2015 như dự kiến).
Theo thỏa thuận hòa bình: "Việc cải cách Hiến pháp, cân bằng quyền lực của Tổng thống, Chính phủ và Quốc hội sẽ bắt đầu ngay lập tức và được hoàn thành vào tháng 9/2014 và một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ được thành lập ngày 3/3 tới.
Thỏa thuận hòa bình trên đạt được sau cuộc đàm phán kéo dài cả đêm giữa Tổng thống Yanukovich và lãnh đạo phe đối lập Ukraine, dưới sự giám sát của nhóm đặc phái viên châu Âu (Ngoại trưởng Pháp, Đức, Ba Lan), các nhà lập pháp và đặc phái viên của Tổng thống Nga.
Trong một dấu hiệu được cho là nhượng bộ hơn nữa với phe đối lập, Quốc hội đã bỏ phiếu yêu cầu Tổng thống Yanukovich sa thải Bộ trưởng Nội vụ Vitaliy Zakharchenko - người được cho là chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo cảnh sát nổ súng vào người biểu tình.
Một sự nhượng bộ khác là việc Quốc hội Ukraine thông qua một dự luật cho phép trả tự do cho cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko - người đã bị kết án 7 năm tù vào năm 2011 với tội danh lạm dụng quyền lực trong một thỏa thuận khí đốt năm 2009 với Nga. Bà Tymoshenko cũng bị buộc tội biển thủ khoảng 405 triệu USD và trốn thuế hơn 87.000 USD trong năm 1990.
Phát biểu trên truyền hình sau khi ký thỏa thuận, Tổng thống Yanukovich nói: "Tôi xin công bố các bước cần thiết để khôi phục lại hòa bình và tránh cho Ukraine tiếp tục lâm vào bế tắc. Chúng ta không ngần ngại việc cùng nhau khôi phục lại hòa bình cho Ukraine". Ông Yanukovich cho biết quyết định của mình là vì người dân và đất nước Ukraine.
Thỏa thuận giữa chính phủ và phe đối lập cũng đồng nghĩa với việc cảnh sát chống bạo động rút khỏi các khu vực ở trung tâm thủ đô Kiev, nơi có các tòa nhà Chính phủ đóng.
Người biểu tình chưa thỏa mãn
Bất chấp việc thỏa thuận hòa bình đã được ký kết, theo đó Tổng thống Yanukovich chấp nhận tổ chức bầu cử sớm và hình thành một chính phủ đoàn kết dân tộc, cũng như ân xá cho người biểu tình bị bắt giữ trong khoảnh thời gian 3 tháng diễn ra tình trạng bất ổn, những người biểu tình muốn ông Yanukovich từ chức vẫn bày tỏ thái độ hoài nghi.
"Cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12 tới là không đủ, ông ta phải ra đi ngay bây giờ", Oleh Bukoyenko, 34 tuổi khi tham gia vào dòng người biểu tình khoảng 40.000 người trên quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev.
Nhưng nhiều người biểu tình cho biết, thỏa thuận vừa đạt được là quá ít và chính phủ không bị buộc phải chịu trách nhiệm về sự đổ máu trong những ngày qua khi cảnh sát sử dụng súng bắn tỉa và xe bọc thép chống lại người biểu tình.
Người biểu tình thậm chí còn kêu gọi những người tham gia xông vào Văn phòng của Tổng thống vào sáng nay (22/2) nếu ông Yanukovich không từ bỏ quyền lực.
Lời kêu gọi này đã nhận được sự hưởng ứng từ đám đông những người biểu tình tụ tập tại quảng trường Độc lập. Nhiều người còn huýt sáo chế nhạo các nhà lãnh đạo hàng đầu của phe đối lập khi đặt bút ký thỏa thuận hòa bình trong đó cho phép Tổng thống Yanukovich tại nhiệm cho đến khi cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 12 tới.
"Tôi không thấy vui khi ký thỏa thuận này", lãnh đạo phe đối lập, cựu võ sĩ quyền Anh Vitali Klitschko nói với những người biểu tình tại lễ tưởng niệm những người thiệt mạng tại quảng trường Độc lập. "Nếu tôi đã xúc phạm bất kỳ ai trong các bạn, tôi xin lỗi". Tôi làm việc này một cách trung thực và hết sức có thể để đảm bảo rằng, Ukraine sẽ đi lên chiến thắng từ này", ông Klitschko cho biết.
Người biểu tình Ukraine mang hoa băng qua khói lửa (Ảnh: AP) |
Hòa bình thực sự ở Ukraine vẫn còn nhiều chông gai
Nằm ở vị trí chiến lược giữa Nga và châu Âu, Ukraine từ lâu đã bị chia rẽ bởi sự tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và châu Âu về lợi ích địa chính trị. Các vụ đụng độ đẫm máu tại Ukraine trong những ngày qua cũng cho thấy sự phân cực ở các nước Đông Âu tiếp tục diễn ra.
Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, thỏa thuận hòa bình có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài tại Ukraine, nhưng cũng là một trở ngại lớn cho Moscow trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng với châu Âu tại các quốc gia Đông Âu.
Tại lễ ký thỏa thuận hòa bình, đặc phái viên của Tổng thống Nga, Vladimir Lukin đã không tham gia với lý do "một số câu hỏi vẫn chưa được trả lời thỏa đáng". "Các cuộc tham vấn sẽ tiếp tục", ông Lukin cho biết.
Trong khi đó, một cuộc điện đàm được mô tả là "mang tính xây dựng", Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 21/2 đã thảo luận việc thực hiện một kế hoạch để giải quyết cuộc xung đột đẫm máu ở Ukraine.
Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố, theo đó 2 Tổng thống đã trao đổi quan điểm về sự cần thiết phải thực hiện một cách nhanh chóng các thỏa thuận chính trị đạt ngày 21/2 tại Kiev; cũng như tầm quan trọng của việc ổn định tình hình kinh tế và thực hiện các bước cải cách cần thiết.
Washington nói rằng, cả hai lực lượng an ninh và người biểu tình ở Ukraine phải kiềm chế bạo lực. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn cho rằng chính quyền của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich phải chịu trách nhiệm về các vụ đụng độ chết người. Trong khi đó, Moscow đổ lỗi cho tình trạng bạo lực ở Ukraine khiến hàng chục người chết là do "phe đối lập cấp tiến" được châu Âu hậu thuẫn.
Trong một cuộc nói chuyện với các phóng viên hôm 21/2, một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, cuộc đàm thoại giữa Obama - Putin "mang tính xây dựng" và cho biết, hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng "các thỏa thuận đạt được ngày 21/2 cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng".
Cho đến nay, Mỹ và các đối tác EU của mình vẫn mâu thuẫn với Nga về cuộc khủng hoảng ở Ukraine, Moscow cáo buộc phương Tây trong việc gia tăng bạo lực ở Ukraine bằng cách "dung túng" cho những phần tử cực đoan đang tìm cách thực hiện một cuộc đảo chính chống lại ông Yanukovich.
Đáp lại, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết, họ chỉ đơn thuần hỗ trợ phe đối lập Ukraine "để phản đối một cách hòa bình khi các cuộc biểu tình hàng loạt nổ ra sau quyết định của ông Yanukovich từ bỏ thỏa thuận hợp tác và thương mại với EU".
Những diễn biến mới nhất ở Ukraine có thể khiến người ta hy vọng sẽ chấm dứt tình trạng đổ máu, tuy nhiên việc tiến tới xóa bỏ sự chia rẽ giữa các bên ở Ukraine trong bối cảnh giằng co Đông - Tây sẽ còn là một chặng đường nhiều chông gai và thử thách./.