Thỏa thuận Minsk 2 bị thử thách “ghê gớm”
VOV.VN - Sự có mặt của cố vấn Mỹ và NATO tại Ukraine cùng thông tin miền Đông vẫn ầm ì đạn pháo đang khiến Thỏa thuận Minsk 2 đứng trước nguy cơ bị "bức tử".
Ngày 10/4, Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng lại lên tiếng cáo buộc xe tăng và các lực lượng vũ trang Ukraine từ thành phố Avdeyevka do Kiev kiểm soát, đã liên tục bắn phá vào các vị trí của lực lượng tự vệ địa phương.
Đạn pháo “bức tử” Minsk 2
Theo Tass, ngày 10/4 Bộ Quốc phòng nước CHND Donetsk (DPR) tự xưng cho biết, xe tăng quân đội Ukraine vừa bắt đầu tấn công dữ dội vào các vị trí của lực lượng đối lập tại khu vực Spartak gần sân bay Donetsk. Các đầu đạn đã được bắn ra từ hướng thành phố Avdeyevka do quân đội Kiev kiểm soát
Trước đó, ngày 9/4 phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Donetsk - ông Eduard Basurin liệt kê trong tuần qua đã xảy ra hơn 200 lần vi phạm thỏa thuận ngừng bắn do Kiev gây ra. Nếu thông tin này là chính xác thì diễn biến này có nguy cơ đe dọa phá vỡ lệnh ngừng bắn vốn đang được thực hiện khá thành công ở miền Đông Ukraine trong thời gian qua.
“Trong hai ngày vừa rồi, chúng tôi đã ghi nhận tới 74 trường hợp vi phạm lệnh ngừng bắn của phía Ukraine. 3 thành viên của phe đối lập đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong các vụ tấn công, bắn phá đó”, ông Basurin cho biết.
“Chỉ trong một tuần, bắt đầu từ ngày 1/4, phía Ukraine đã vi phạm lệnh ngừng bắn hơn 200 lần”, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng cho hay. Ông này còn nói thêm rằng, những vụ bắn phá ác liệt nhất tập trung ở các khu vực ngoại ô Donetsk, xung quanh sân bay Donetsk và gần với khu dân cư Shirokino.
Lực lượng Kiev đã tấn công bằng súng cối, pháo xe tăng, các phương tiện bộ binh, rocket chống tăng và cả các loại vũ khí hạng nhẹ, ông Basurin cáo buộc. Tất cả các thông tin về những vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn của phía quân đội Kiev đã được lực lượng miền Đông chuyển lên Trung tâm Điều phối và Kiểm soát chung (JCCC) chuyên làm nhiệm vụ giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Ngược lại, trong những ngày đầu tháng 4, quân đội Ukraine cũng đưa ra báo cáo thông kê về những vụ tấn công của lực lượng miền Đông. Hôm 5/4, Kiev tố phe đối lập tấn công các cứ điểm của họ, khiến ít nhất 9 binh lính thiệt mạng.
Theo Reuters, người phát ngôn quân đội Ukraine, Trung tá Andriy Lysenko cảnh báo hôm 8/4 rằng: “Những vi phạm của quân ly khai đã đến ngưỡng báo động đỏ và quân đội Kiev sẽ không làm ngơ trước những hành động tự ý phá vỡ thỏa thuận Minsk được ký tháng 2/2015”.
Ông Lysenko thông báo, vụ nã pháo của lực lượng đối lập vào Mariupol sáng 7/4 khiến 2 lính Kiev thiệt mạng. Người phát ngôn quân đội Ukraine cũng cho rằng khả năng lực lượng đối lập sẽ không “dừng tay” trong những ngày tới, cụ thể là từ 12/4 cho tới 9/5, sự kiện kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở châu Âu.
Ngoại giao cũng bị gây khó dễ
RT dẫn nhận định của chuyên gia phân tích chính trị quân sự độc lập Nga Andrei Biskov, từng tham gia giảng dạy tại Đại học Tổng hợp quốc gia Moscow: Chiến sự ở miền Đông rõ ràng đẩy Minsk 2 tới sát bờ vực nhưng sự có mặt của những nhân tố gây chiến như Mỹ hay quân đội NATO mới chính là cú bồi không chỉ xô ngã thỏa thuận ngừng chiến, mà còn gây khó dễ cho giải pháp ngoại giao.
Ông Karasin nói: “Chúng tôi biết hàng trăm quân nhân của Mỹ và NATO đang có kế hoạch đến Ukraine để đào tạo lực lượng vệ binh quốc gia. Các trại huấn luyện đang được thiết lập không chỉ ở miền Tây Ukraine, mà còn ở các vùng khác của đất nước này. Đây là một hành động nguy hiểm. Chúng tôi sẽ thúc đẩy việc loại bỏ tất cả các đơn vị quân sự nước ngoài bất hợp pháp tại Ukraine”.
Moscow đang kêu gọi rút toàn bộ chuyên gia quân sự nước ngoài và các nhóm bán quân sự hoạt động phi pháp ra khỏi lãnh thổ Ukraine sau khi Mỹ xác nhận Washington đang có kế hoạch cử 300 cố vấn tới hỗ trợ đào tạo cho các binh sĩ chính phủ Kiev.
Trước đó, giữa tháng 3, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Đại tá Steve Warren tuyên bố khoảng 290 quân nhân thuộc Lữ đoàn Không quân 173 sẽ tới khu vực miền Đông Ukraine vào cuối tháng 4/2015 để đào tạo cho 3 tiểu đoàn thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Ukraine. Theo kế hoạch, chương trình huấn luyện sẽ diễn ra ở trung tâm quân sự Yavoriv gần Lvov.
Hôm 8/4, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk còn nhấn mạnh, chính phủ Kiev sẽ ký kết hàng loạt thỏa thuận với NATO liên quan tới mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quân sự. Khả năng, hai bên sẽ đạt được một bản ghi nhớ hợp tác trong ngành truyền thông và tình báo nhằm tăng thêm cơ hội cho Ukraine tham gia vào chương trình “Đối tác vì Hòa bình của NATO”.
Ukraine cũng sẽ tiến hành một loạt các cải cách theo yêu cầu của mà Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mới đây vạch ra cho nước này. Cụ thể là Ukraine sẽ phải chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả của các cơ quan nhà nước. Nếu Kiev làm được điều đó, NATO sẽ xem xét khả năng để nước này gia nhập khối liên minh quân sự, cho dù hành động này sẽ làm gia tăng căng thẳng với Moscow.
Thực tế, Nga đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành động tăng cường quân sự của các lực lượng NATO tại khu vực Đông Âu cũng như kế hoạch cung cấp vũ khí và các thiết bị quân sự phi sát thương cho Ukraine của Mỹ.
Những lời chỉ trích từ phía Moscow càng trở nên gay gắt khi mà Hạ viện Mỹ thúc giục Tổng thống Obama chuyển vũ khí sát thương cho chính phủ Kiev bất chấp việc quân đội Ukraine và lực lượng đối lập miền Đông đang thi hành thỏa thuận ngừng bắn Minsk 2.
Thậm chí, một số nghị sĩ Nga còn cho rằng lời kêu gọi gửi vũ khí sát thương tới Ukraine của Quốc hội Mỹ là mối đe dọa tới tiến trình hòa bình và là hành động khiêu khích trực tiếp nhằm vào Nga.
Người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga, ông Aleksey Pushkov nhấn mạnh nếu như ông Obama đầu hàng sức ép từ phía Quốc hội Mỹ mà hành động thì danh tiếng “vị Tổng thống vì hòa bình” của ông này sẽ tiêu tan. Nói cách khác, ông Obama sẽ lại “giẫm lên vết xe đổ” của các chính trị gia George W. Bush, John McCain hay Mitt Romney./.