Thỏa thuận ngừng bắn mới ở Syria có thể đạt được tại Astana
VOV.VN - Đây là cuộc đàm phán về hòa bình Syria đầu tiên với vai trò trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kế hoạch, cuộc đàm phán về hòa bình Syria dự kiến diễn ra hôm 23/1 tại thủ đô Astana, Kazakhstan.
Chiến trường Syria. Ảnh: CBC.
Sau nhiều lần đổ vỡ, đây là cuộc đàm phán về hòa bình Syria đầu tiên với vai trò trung gian của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Điểm khiến dư luận chú ý đặc biệt là lập trường của các bên trong cuộc khủng hoảng Syria đã dịu hơn rất nhiều so với trước đây. Cũng đã có quan điểm cho rằng cuộc đàm phán lần này sẽ đạt được kết quả khả quan. Vì sao lại có những tín hiệu lạc quan như vậy?
Cuộc đàm phán hòa bình Syria tại Astana có ý nghĩa quan trọng khi lần đầu tiên đại diện chính quyền Syria có cuộc đối thoại trực tiếp với phe đối lập, dưới sự dàn xếp của phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột đã kéo dài gần 6 năm qua. Đây cũng là yếu tố mới, bởi các cuộc hòa đàm trước đó từng bị đổ vỡ do thiếu sự tham gia của nhóm đối lập ở Syria.
Các nhà phân tích khu vực tin rằng, với quan điểm bớt thù địch hơn, cuộc hòa đàm có thể sẽ cùng đi đến thống nhất về một thỏa thuận ngừng bắn vốn khá mong manh, từng bước thúc đẩy tiến trình chính trị nhằm chấm dứt nội chiến tại Syria.
Chính phủ Syria, đã thể hiện mong muốn đạt được một “giải pháp chính trị” cho cuộc khủng hoảng trong nước, đồng thời bày tỏ thái độ hoan nghênh trước bất kỳ sáng kiến nào nhằm giúp Syria khôi phục hòa bình. Bên cạnh đó, ưu tiên của cuộc hòa đàm là thiết lập một lệnh ngừng bắn toàn diện tại Syria. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu trong cuộc hòa đàm lần này, nhưng đồng thời phải dựa trên các quy định trong Hiến pháp của Syria.
Trong khi đó, chiều tối 22/1, 50 người đại diện cho các phe đối lập ở Syria đã tới Astana và cũng bày tỏ mong muốn đạt được thỏa thuận ngừng bắn để ngăn chặn đổ máu ở Syria càng sớm càng tốt.
Trả lời câu hỏi báo chí về việc liệu các bên có ký vào thỏa thuận sơ bộ do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đạt được chiều tối 22/1 hay không, đại diện phe đối lập cho biết: "Điều này phụ thuộc vào các điều khoản của thỏa thuận. Họ sẽ không có ý định ký vào các điều khoản chính trị mà chỉ ký nếu đây là các điều khoản cơ sở cho thỏa thuận ngừng bắn”.
Quan điểm này của Thổ Nhĩ Kỳ đã dịu đi sau khi nước này khôi phục quan hệ với Nga, nước ủng hộ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Sự thay đổi này được cho là một tín hiệu vui cho các bên trong đàm phán hòa bình để kết thúc cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia Trung Đông.
Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường là bởi vì một số lý do: Thứ nhất, chiến thắng tại Aleppo vừa qua đã tạo ưu thế rất lớn trên bàn đàm phán cho Nga và chính phủ Syria, qua đó định đoạt các điều kiện để giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia này, buộc các bên khác không còn ở vị thế có thể yêu cầu Tổng thống Assad phải ra đi. Thứ hai, Syria là một phần quan trọng trong chính sách an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Phe đối lập Syria, bao gồm lực lượng người Kurd, sẽ tiếp tục là mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc can thiệp quân sự vào Syria (8/2016) chính là nhằm ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của các tay súng người Cuốc ở khu vực biên giới Syria. Thứ ba, tình hình trên thực địa đang nghiêng hẳn về phía quân đội của Tổng thống An Át-xát, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức hợp tác với Nga tại chiến trường này. Hơn thế nữa, trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố, chính phủ của al-Assad cùng là một bên trong trận chiến chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Với Thổ Nhĩ Kỳ, giải quyết sớm tình hình tại Syria sẽ giúp nước này tập trung nhiều hơn cho quá các vấn đề quan trọng trong nước, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi tháng 7 năm ngoái, mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc do Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ thực hiện. Thêm vào đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn gặp bế tắc trong xử lý cuộc khủng hoảng di cư cùng với mối quan hệ không còn "mặn nồng" với Mỹ và EU sau cuộc đảo chính bất thành.
Việc cùng ngồi vào bàn đàm phán chính trị về Syria sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ giám sát sự tham gia của lực lượng người Kurd trong lộ trình chính trị tại Syria. Ngoài ra, việc thay đổi lập trường cũng giúp Ankara củng cố và nâng cao vai trò của mình trong khu vực.
Nga là bên có ưu thế trong đàm phán và quyết định về một thỏa thuận ngừng bắn hay xa hơn là một tương lai cho Syria, bởi cả Nga và chính phủ Syria hiện nay cơ bản đã làm chủ được tình hình trên thực địa. Quan trọng hơn, Nga cũng đã lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ tham gia cùng một bên nhằm ủng hộ quan điểm của Nga trên bàn đàm phán chính trị về Syria. Như vậy, so sánh bình diện hiện nay, Nga xem như đang ở vị thế có quyền đòi hỏi bất cứ những gì mình muốn mà không phải nhượng bộ điều gì.
Trong khi đó, thất bại của bà Hillary Clinton, người mong muốn thông qua một đường lối cứng rắn hơn đối với Nga nhất là trong vấn đề Syria, đã đặt dấu chấm hết cho hy vọng cuối cùng của lực lượng đối lập ở Syria. Hơn thế nữa, với quan điểm khá mềm với Nga của tân Tổng thống Donald Trump, thậm chí còn để ngỏ khả năng cùng hợp tác với Nga trong giải quyết vấn đề Syria, đã tạo một niềm tin mới về một bức tranh hòa bình ở khu vực.
Dù Nga đã mời nhưng vì một số lý do Mỹ không tham dự cuộc đàm phán này. Với sự thiếu vắng Mỹ trong cuộc đàm phán, cùng sự dẫn dắt của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, khả năng các bên sẽ dễ dàng hơn trong việc đạt được một sự thống nhất chung, với việc thông qua một thỏa thuận ngừng bắn mới trên thực địa, cũng như việc xem xét, hướng đến một lộ trình chính trị cho Syria trong tương lai.
Dư luận khu vực và chính các bên liên quan ở Syria cho rằng, một thỏa thuận ngừng bắn mới có thể đạt được giúp ngăn chặn sự đổ máu trong ngắn hạn, nhưng nó sẽ không giải quyết được những vấn đề lớn đã dẫn đến cuộc xung đột ở Syria./.