Thông điệp ẩn chứa trong phát biểu chia tay của Tổng thống Obama
VOV.VN - Bài phát biểu chia tay của ông Obama được xây dựng hoàn toàn tương phản với những đề xuất chính sách của ông Trump.
Theo Giáo sư về truyền thông chính trị tại đại học Sacramento Barbara O'Connor, kể từ khi Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ George Washington có bài phát biểu chia tay vào năm 1796, hầu hết những bài phát biểu đều mang tính chiếu lệ.
Những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong bài phát biểu chia tay của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Nguồn: USA Today
“Bạn cám ơn mọi người vì những nỗ lực của họ, đề cập đến những gì bạn đã có thể làm khác đi và sau đó nói về công trạng của bạn khi tại nhiệm. Và bạn phải là một người lạc quan”, bà Barbara nói về khuôn mẫu của những bài phát biểu từ biệt khi kết thúc nhiệm kỳ của một Tổng thống Mỹ.
Bài phát biểu dài hơn bình thường… vì Trump?
Thông thường, bài phát biểu chia tay của các Tổng thống khá ngắn gọn. Nhìn lại quá khứ, năm 2001, ông Bill Clinton chỉ mất 8 phút để nói từ từ biệt. Tám năm sau, ông George W. Bush phát biểu chia tay trong 13 phút.
Nhưng có vẻ như những tuyên bố của ông Donald Trump khi tranh cử, trong đó từng không ít lần ngụ ý muốn phá vỡ những di sản mà ông Obama dày công gây dựng trong suốt hai nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ đã phải mất tới hơn 50 phút để nói lời “chia tay”.
Trong bài phát biểu cuối cùng của mình trước quốc dân trên cương vị Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đã dốc hết tâm can, không phải gửi đi thông điệp tới Tổng thống đắc cử Donald Trump mà là với những chính sách và kế hoạch hành động sẽ được người kế nhiệm ông thực hiện.
“Dân chủ không có nghĩa là tất cả đều có ý kiến như nhau. Những nhà lập quốc của chúng ta cũng đã tranh cãi, nhưng cuối cùng họ đã thỏa hiệp, họ kỳ vọng chúng ta cũng làm như vậy. Nhưng họ biết rằng nền dân chủ cần đến nền tảng cơ bản của sự đoàn kết, với niềm tin rằng dù có những khác biệt, tất cả chúng ta đều cùng chung một đất nước. Dù trỗi dậy hay đi xuống, chúng ta luôn đồng hành cùng nhau”, ông Obama nói.
Tổng thống Obama dường như muốn tránh công kích trực tiếp và luôn lái ý kiến của mình để người nghe không có cảm giác như ông đang muốn công kích cá nhân. Mặc dù vậy, không khó để nhận ra rằng, Tổng thống Obama muốn ám chỉ đến khẩu hiệu “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump.
Tổng thống Obama nói: “Rốt cuộc, chúng ta vẫn là quốc gia giàu có nhất, hùng mạnh nhất, được tôn trọng nhất trên thế giới. Sức trẻ, động lực, sự cởi mở và đa dạng, khả năng chấp nhận mạo hiểm và tái tạo vô tận của chúng ta đồng nghĩa với việc tương lai sẽ thuộc về chúng ta. Nhưng ý chí đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi nền dân chủ của chúng ta được đảm bảo, nếu nền chính trị của chúng ta phản ánh tốt hơn nguyện vọng của nhân dân”.
“Trong 10 ngày nữa, thế giới sẽ chứng kiến một bước ngoặt trong nền dân chủ của chúng ta. Việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sẽ diễn ra giữa một tổng thống dân bầu cho người kế nhiệm. Tôi cam kết với Tổng thống đắc cử Trump rằng chính quyền của tôi sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao thuận lợi nhất có thể, giống như những gì Tổng thống Bush đã từng làm cho tôi”, ông Obama nói thêm.
Ngờ vực chính sách của chính quyền Trump?
Dù Tổng thống đắc cử Donald Trump được đảm bảo việc chuyển giao quyền lực thuận lợi nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền cũ ủng hộ hoàn toàn những chính sách của chính quyền Trump.
Ông Obama chỉ còn chưa đầy 10 ngày giữ cương vị ông chủ Nhà Trắng. (Ảnh: TNS) |
“Những đối thủ của Mỹ như Nga và Trung Quốc không thể sánh với Mỹ về tầm ảnh hưởng trên toàn cầu trừ khi chúng ta từ bỏ những giá trị của mình và biến mình thành một nước lớn chuyên đi bắt nạt những nước láng giềng nhỏ hơn”, ông Obama dường như muốn ám chỉ đến tuyên bố của ông Trump về việc xây dựng một bức tường ở khu vực biên giới phía Nam để ngăn người vượt biên trái phép và Mexico phải trả tiền chi phi xây dựng bức tường này.
Tổng thống Obama dường như cũng muốn cảnh báo về lời kêu gọi của ông Trump cấm người Hồi giáo nhập cư vào Mỹ: “Trong khi đất nước phải tiếp tục cảnh giác chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, chúng ta cũng phải chống lại sự suy yếu của những giá trị mà chúng ta đang có. Đó là lý do tại sao tôi phản đối phân biệt đối xử với những người Hồi giáo tại Mỹ… Họ cũng yêu nước giống như chúng ta”.
Ông Obama cũng không quên đề cập đến mạng xã hội - phương tiện mà Tổng thống đắc cử Trump vẫn thường sử dụng để truyền tải những thông điệp của mình: “Nhiều người trong chúng ta cảm thấy an toàn hơn với việc thu vào bong bóng của riêng mình, dù là ở khu phố hay trường đại học, nơi thờ tự hay trên mạng xã hội, nơi được bao quanh bởi những người có bề ngoài giống chúng ta, cùng chia sẻ quan điểm chính trị và không bao giờ chất vấn những giả thuyết của chúng ta…
Chúng ta ngày càng trở nên an toàn trong bong bóng của mình đến mức bắt đầu chỉ chấp nhận những thông tin phù hợp với quan điểm của mình, dù thông tin đó có đúng sự thật hay không, thay vì xây dựng quan điểm dựa trên những bằng chứng thực tế”.
Nuôi dưỡng hy vọng cho tương lai
Theo giáo sư khoa học chính trị David McCuan tại đại học Sonoma, mặc dù vậy, Tổng thống Obama vẫn phải làm nhiều điều hơn là chỉ chăm chăm bảo vệ những di sản của ông. Ông Obama cũng phải nhìn về tương lai của đảng Dân chủ, không thể cứ mãi đắm chìm trong tuyệt vọng trước viễn cảnh Tổng thống đắc cử Trump sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong ít nhất 4 năm tới.
Giọt nước mắt chia tay ngậm ngùi của Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AP) |
“Các nghị sĩ của đảng Dân chủ đã nói về những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm đối với đảng này kể từ sau cuộc bầu cử. Giờ đây, ông ấy (Obama) phải thắp lên hy vọng để họ tiếp tục tiến lên phía trước”, giáo sư McCuan nói.
Hầu hết thời gian trong đêm từ biệt, Tổng thống Obama nói về những thành quả mà chính quyền của ông đã đạt được và bày tỏ sự lạc quan về một viễn cảnh tương lai tốt đẹp hơn dù điều đó có thể không đến trong 4 năm sắp tới.
“Thế hệ sắp tới - những người không ích kỷ, vị tha, sáng tạo, yêu nước - Tôi đã nhìn thấy các bạn trong mọi ngõ ngách đất nước. Các bạn tin vào sự công bằng, tin vào nước Mỹ bao dung, bạn hiểu rằng sự thay đổi liên tục đã là dấu ấn của nước Mỹ - đó không phải là điều đáng sợ hãi mà là điều phải dang tay đón nhận.
Các bạn sẵn sàng thực hiện công việc khó khăn này để đưa nền dân chủ của chúng ta tiến về phía trước. Thế hệ các bạn sẽ sớm vượt qua chúng tôi và tôi tin tương lai sẽ nằm trong tay những người tài giỏi”, ông Obama nói.
Có thể thấy rõ rằng, bài phát biểu của ông Obama được xây dựng hoàn toàn tương phản với những đề xuất chính sách của ông Trump liên quan đến các vấn đề như biến đổi khí hậu, quyền của người đồng tính, thỏa thuận hạt nhân Iran hay như chương trình chăm sóc y tế Obamacare.
Trong bài phát biểu tại đại hội đảng Cộng hòa hồi tháng 7/2016, ông Trump đã vẽ lên một bức tranh đen tối, tuyệt vọng cho nước Mỹ khi phải đối mặt với sự hỗn loạn trên đường phố và suy giảm kinh tế nghiêm trọng.
“Không ai nắm rõ về hệ thống hơn tôi. Đó là lý do một mình tôi có thể sửa chữa nó”, ông Trump nói.
Ông Obama lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác: “Tôi đề nghị các bạn tin tưởng, không phải tin tưởng vào khả năng mang lại thay đổi của tôi mà là chính các bạn”.
Trước khi ông thúc bài phát biểu của mình, Tổng thống Obama kêu gọi người dân Mỹ “giữ vững đức tin đã được viết thành văn bản lập quốc”, ông cũng dành ít phút để bày tỏ lời cám ơn đến vợ và hai con gái. Khi đám đông dành cho ông những tràng pháo tay không ngớt, Tổng thống Obama lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt đã già đi rất nhiều sau 8 năm gánh vác trên vai trọng trách nhà lãnh đạo nước Mỹ./.