Áp lực thi cử nặng nề dễ dẫn tới rối loạn tâm thần, trầm cảm
VOV.VN - Chỉ còn ít ngày nữa là bước vào mùa thi, nhiều học sinh cuối cấp đang tất bật “chạy đua” với thời gian, gấp rút ôn luyện để mong vào được những ngôi trường mình mong muốn. Làm thế nào để giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi trong thi cử đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Với mong ước thi đỗ vào trường THPT Chu Văn An, 3 tháng trở lại đây, em Nguyễn Hồng Anh (Ba Đình, Hà Nội) tăng tốc ôn thi và tự đặt ra cho mình thời gian biểu ôn luyện khá “dày”. Trung bình mỗi ngày em phải học từ 12-14 giờ, đêm thức đến 1 giờ sáng, 4h30 lại dậy để học tiếp.
Hồng Anh tâm sự: “Đây là kỳ thi quan trọng đầu đời nên em mệt mỏi và căng thẳng nhiều lắm. Đây cũng là ngôi trường mà bản thân em và bố mẹ mong muốn và đặt mục tiêu cho em. Với lực học của mình, nếu không đỗ vào trường chuyên thì em rất mặc cảm với thầy cô, bạn bè, quan trọng hơn, em không muốn bố mẹ thất vọng về mình”.
Em Trần Quang Vinh (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội) thì chia sẻ, kỳ thi Đại học không còn xa nữa, chương trình học nhiều khiến em rất mệt mỏi, căng thẳng hơn cả chính là áp lực từ bố, mẹ em. Nhà có 3 anh chị em, em là con út trong gia đình, 2 anh chị trước cũng đã đỗ vào các trường đại học mà gia đình mong muốn.
Câu nói của bố mẹ: “Con cố mà học cho bằng anh, bằng chị. Các anh chị đã đỗ Đại học mà con lại không thi đỗ được thì xấu hổ mặt bố mẹ lắm”, áp lực này khiến Vinh chỉ biết cắm đầu vào học miệt mài, mong sao đỗ được vào trường Đại học như mình và gia đình kỳ vọng.
“Áp lực bủa vây, nhiều lúc em mệt mỏi, có lúc muốn nghỉ vài ngày để đi chơi, xả stress với bạn bè, có lúc muốn buông xuôi tất cả. Đôi khi em cảm thấy đầu óc không còn minh mẫn, nhớ nhớ, quên quên. Song, thấy bạn bè ai cũng cắm đầu vào học nên lại cố gắng học để đạt được mục tiêu của gia đình”, Vinh bày tỏ.
Theo các chuyên gia tâm lý, tâm lý kỳ vọng, mong mỏi con cái thi cử đỗ đạt và việc nhắc nhở, đôn đốc con chú tâm vào học hành là hoàn toàn chính đáng của các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, song song với việc động viên, đồng hành với con trong ôn luyện, thi cử, nhiều cha mẹ lại kỳ vọng quá nhiều vào năng lực của con và đặt lên vai con “gánh nặng” danh dự của chính mình và gia đình. Đáng nói, nhiều gia đình “ép” con cố gắng thi vào các trường chuyên danh giá, trường Đại học tiếng tăm trong khi không hiểu hết năng lực, sở trường và đam mê của con...
Chính điều này đã vô tình tạo ra áp lực lớn đối con trẻ, khiến các em thêm mệt mỏi, căng thẳng, chán chường và lo sợ, nếu mình không đỗ vào những trường mà bố mẹ mong muốn thì sẽ là “tội lớn”. Thời gian ôn thi quá dài, quá ngưỡng chịu đựng, lại không được chia sẻ, động viên, vỗ về, nhiều em bị trầm cảm, rối loạn tâm thần. Đáng nói, một số em đã có suy nghĩ tiêu cực và hành động dại dột để thoát khỏi sự mệt mỏi, căng thẳng một cách thật đau lòng.
Theo Bác sỹ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD), áp lực học hành, thi cử là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, căng thẳng, mệt mỏi. Nhiều bậc phụ huynh kỳ vọng quá nhiều vào con, đặt ra mục tiêu quá cao cho con mà không hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để định hướng một cách hợp lý. Điều này khiến trẻ chịu nhiều áp lực, luôn cảm thấy lo lắng. Nếu kết quả thi không đạt được như kỳ vọng của cha mẹ, trẻ sẽ rơi vào trạng thái lo sợ, cảm thấy mình vô dụng, bị tổn thương, mất dần tự tin vào bản thân, thất vọng về chính mình.
Có cùng quan điểm, TS.BS Đỗ Minh Loan - Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi TW cho rằng, cha mẹ không nên kỳ vọng quá nhiều vào con, điều này vô tình tạo áp lực lớn cho con. Nếu kết quả thi của con không đạt được như mong muốn thì có thể ảnh hưởng đến tâm lý, thậm chí đã có nhiều trường hợp hành động dại dột và xảy ra hậu quả đau lòng.
Cha mẹ nên hiểu rõ về năng lực, sở trường của con để đặt ra mục tiêu hợp lý. Song song với sự động viên, khích lệ, bác sĩ Đỗ Minh Loan cho rằng, bên cạnh việc giúp con sắp xếp thời gian ôn thi hợp lý, cha mẹ nên định hướng con tham gia hoạt động thể dục thể thao, điều này sẽ giúp con có thể lực tốt hơn. Khi thể lực tốt, sức khỏe tâm thần cũng tốt hơn, các hoạt động thể chất sẽ giúp con hưng phấn, đầu óc tỉnh táo hơn và học tập hiệu quả hơn.
Về vấn đề bổ sung dinh dưỡng trong quá trình ôn thi, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng khoa khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, quá trình ôn thi căng thẳng, não bộ hoạt động nhiều, để việc ôn thi đạt hiệu quả thì cần bổ sung các chất dinh dưỡng nhiều hơn bình thường; Nên có chế độ ăn thích hợp mỗi ngày, cố gắng ăn đủ các loại thực phẩm có chứa 4 nhóm chất là đạm, béo, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
Bác sĩ Hưng cũng lưu ý, ôn thi căng thẳng, lượng bài vở lớn, các em không nên lạm dụng các chất kích thích như cà phê, trà để đối phó với những cơn buồn ngủ. Bởi những chất kích thích mạnh chỉ mang lại hiệu quả tạm thời, dễ gây ra ảo giác, không có lợi cho trí nhớ. Bộ não vốn đã mệt mỏi lại bị bắt hoạt động khiến cơ thể càng mệt mỏi, thiếu minh mẫn, ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Hơn nữa, ngủ ít, có thể bị suy nhược thần kinh, đau đầu, khả năng tập trung kém đi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thi cử./.