Gia tăng thanh thiếu niên bị rối loạn tâm thần và tâm lý
VOV.VN - Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần chung ở Việt Nam từ 8%-29% đối với trẻ em và vị thành niên.
Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tổ chức Hội thảo chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam.
Báo cáo nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trên 400 học sinh trong hai độ tuổi từ 11 đến 14 tuổi và từ 15 đến 17 tuổi tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên và An Giang, kết quả cho thấy, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tinh thần chung ở Việt Nam từ 8% - 29% đối với trẻ em và vị thành niên, với những khác biệt về tỷ lệ tùy theo giới tính.
Hội thảo chia sẻ báo cáo kết quả nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh thiếu niên ở Việt Nam.
Khảo sát dịch tễ học của 10 tỉnh, thành phố cũng cho thấy, khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các sức khỏe dịch vụ tâm thần.
Các loại hình liên quan đến sức khỏe tâm thần trẻ em Việt Nam hướng nội như lo âu, trầm cảm, cô đơn và các vấn đề hướng ngoại tăng động… Tỷ lệ tự tử ở trẻ vị thành niên là 2,3%. Vấn đề sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội ở trẻ em và vị thành niên đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở các thành phố, đô thị lớn với nhiều vấn đề như nghiện trò chơi ảo trên internet, mạng xã hội, chất kích thích; lo âu, trầm cảm; cảm giác bị bỏ mặc, gia đình ly hôn.
Tiến sĩ Fiona Samuels, chuyên gia nghiên cứu cấp cao, Viện Phát triển Hải ngoại của Anh phân tích: "Không nên quá chú trọng vào bệnh tâm thần nặng mà cần quan tâm hơn đến những bệnh tâm lý xã hội, tâm thần nhẹ giống như là lo âu, trầm cảm, cảm giác cô độc. Chúng ta cần nâng cao nhận thức chung của cộng đồng, của từng cá nhân về những biểu hiện tâm thần nhẹ. Một khuyến nghị quan trọng là các Bộ ngành như Bộ Lao động Thương binh và Xã hội , Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần hướng trọng tâm hơn và sự gắn kết cũng như đầu tư ngân sách đủ và phù hợp cho vấn đề tâm lý sức khỏe của trẻ em".
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm hỗ trợ và chăm sóc các nhóm dân cư có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có nhóm trẻ em, thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội.
Cụ thể như: Luật Người khuyết tật, Luật Trẻ em, Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020. Một số tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí và phục hồi chức năng luân phiên cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần; Kết hợp tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ công tác xã hội với điều trị y tế. Để phát hiện và điều trị sớm cho trẻ em thì gia đình và nhà trường có vai trò quan trọng ban đầu.
Ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng trước tiên, gia đình và người thân cần có sự quan tâm, tư vấn, phát hiện những biểu hiện bất thường trong tâm lý trẻ, đưa đến gặp các chuyên gia kịp thời. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức về việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ em.
Hiện nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được quy hoạch trên phạm vi toàn quốc với hơn 418 cơ sở. Cả nước đã có 45 trung tâm bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trívà 40 trung tâm công tác xã hội./. "Nghiện” facebook, nhiều người phải nhập viện Tâm thần
Trưởng công an xã bị đối tượng tâm thần chém trúng đùi