Thủ tướng Anh Theresa May trước "đòn cân não" mang tên Brexit
VOV.VN - Thủ tướng Anh Theresa May đang đối mặt với cuộc chiến cân não đầy khó khăn, không chỉ để cứu vãn Brexit mà còn để cứu vãn số phận chính trị của bà.
Sau khi Thủ tướng Anh Theresa May quyết định tạm hoãn bỏ phiếu tại Hạ viện để bà có thể đàm phán lại với Liên minh châu Âu, chính phủ Anh rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Thủ tướng Anh vấp phải sự phản ứng dữ dội trong chính giới Anh và đặt nước Anh trước nhiều kịch bản chia tay EU mà không đạt được thỏa thuận.
Thủ tướng Theresa May đang đối mặt với cuộc chiến cân não đầy khó khăn, không chỉ cứu vãn Brexit mà cứu vãn số phận chính trị của bà . Ảnh: Reuters |
Thủ lĩnh đối lập Anh Jeremy Corbyn phản ứng dữ dội: “Không còn một chính phủ đủ chức năng hoạt động được nữa. Thủ tướng phải thừa nhận thỏa thuận Brexit của bà đã chết. Tiến trình đàm phán hỗn loạn của bà với EU đã kết thúc trong thất bại và với quyết định hoãn bỏ phiếu ở Hạ viện, Thủ tướng đã không còn thẩm quyền đàm phán cho đất nước, thậm chí là thẩm quyền trong đảng Bảo thủ”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh vẫn bảo vệ thỏa thuận Brexit mới đạt được với EU vào tháng 11/2018 vừa qua.
"Thỏa thuận mà chúng tôi dày công đàm phán là thỏa thuận tôn trọng ý nguyện của người dân trong cuộc trưng cầu ý dân, tôn trọng kết quả cuộc trưng cầu và đó cũng là thỏa thuận tốt nhất và duy nhất ở thời điểm này", bà May nói.
Lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn đang phát động kiến nghị công bố các tư vấn pháp lý và kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm với bà Theresa May nếu thỏa thuận không được Quốc hội thông qua.
Rõ ràng đây là một thất bại mới với Thủ tướng Theresa May, bởi sau cuộc trưng cầu dân ý lịch sử vào năm 2016, bà đã chật vật trong việc chèo lái nước Anh rời khỏi EU, đầu tiên là quá trình dai dẳng để đàm phán một thỏa thuận với EU và hiện tại là làm thế nào để thỏa thuận được Quốc hội Anh thông qua.
Vấp phải sự chỉ trích trong nước, Thủ tướng Anh hôm 11/12 vội vã đến Brussels để họp với chủ tịch Ủy ban châu Âu Donald Tusk nhằm tìm kiếm sự ủng hộ để cứu vãn thỏa thuận Brexit. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU phát tín hiệu cứng rắn rằng sẽ không tái đàm phán thỏa thuận mà chỉ thảo luận để tìm cách giúp văn kiện được thông qua tại Anh.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu EC Mina Andreeva cũng khẳng định lại điều này, nhấn mạnh thỏa thuận giữa Anh và EU hiện tại là "tốt nhất và duy nhất". Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng không có cách nào có thể thay đổi thỏa thuận đạt được hôm 25/11 vừa qua giữa Anh với EU.
Chỉ còn khoảng 4 tháng, nước Anh phải thống nhất thỏa thuận chia tay với Liên minh châu Âu, trước hạn 29/3/2019, nhưng số phận của Brexit đến thời điểm này vẫn chưa được định đoạt. Tòa án Công lý châu Âu cho biết Anh có quyền rút lại Điều 50 của Hiệp ước Lisbon để Anh lại trở về "vòng tay" EU, tức là rút lại thông báo muốn chia tay với khối, đơn phương ngừng Brexit.
Có thể thấy, Thủ tướng Theresa May đang đối mặt với cuộc chiến cân não đầy khó khăn, không chỉ cứu vãn Brexit mà cứu vãn số phận chính trị của bà khi mà các nghị sỹ đảng Bảo thủ đang kêu gọi một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với vai trò lãnh đạo của bà trong đảng. Một khả năng không mấy sáng sủa là sự “thay ngựa giữa dòng” khi Thủ tướng Theresa May bị mất uy tín và như thế tiến trình đàm phán phải tiến hành lại khi thời gian không còn nhiều./.
Anh và EU đang tới rất gần kịch bản “Brexit không có thỏa thuận”?
Thủ tướng Anh nỗ lực tìm cách cứu Brexit