Thủ tướng Pakistan thăm Iran, Saudi Arabia: Nhiệm vụ hòa giải khó khăn
VOV.VN - Dù bị đánh giá là 1 nhiệm vụ khó khăn, song thế giới vẫn rất kỳ vọng vào chuyến công du đặc biệt của Thủ tướng Pakistan tới Iran và Saudi Arabia.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan ngày 13/10 bắt đầu lên đường công du tới 2 nước là Iran và Saudi Arabia, với mục tiêu thúc đẩy các nỗ lực hòa giải, ngăn chặn những căng thẳng có nguy cơ leo thang giữa 2 quốc gia này. Dù bị đánh giá là 1 nhiệm vụ khó khăn, song thế giới vẫn đang rất kỳ vọng và quan tâm đến chuyến công du đặc biệt này.
Thủ tướng Pakistan Imran Khan. Ảnh: Reuters |
Chuyến công du của Thủ tướng Pakistan Imran Khan diễn ra sau ít ngày khi ông tuyên bố, tại bên lề Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã nhờ ông đứng ra làm trung gian hòa giải với phía Iran. Do đó, từ nhiều ngày qua, các quan chức Pakistan đã phải tới cả Iran và Saudi Arabia để sắp xếp cho chuyến công du “hòa giải” này.
Theo Bộ Ngoại giao Pakistan, hôm nay (13/10), Thủ tướng Imran Khan sẽ tới Iran trước. Tại đây, nhà lãnh đạo Pakistan dự kiến sẽ có các cuộc gặp với Lãnh tụ tối cao Iran – Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani. Bên cạnh những hợp tác song phương, các vấn đề an ninh và hòa bình tại vùng Vịnh sẽ là nội dung nghị sự chính của các cuộc gặp. Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi khẳng định, nỗ lực của Thủ tướng Imran Khan là giúp xóa bỏ những hiểu lầm và giảm căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia, để có 1 khu vực vùng Vịnh hòa bình.
Sau chuyến thăm Iran, ngày 15/10 tới, Thủ tướng Pakistan sẽ lên đường tới Saudi Arabia để truyền đạt lại những gì ông đã đạt được qua chuyến thăm Iran.
Chuyến công du của Thủ tướng Pakistan được dư luận chú ý nhiều hơn khi nó diễn ra trong bối cảnh 1 chiếc tàu chở dầu Iran mới đây bị tấn công tên lửa tại vùng biển gần với Saudi Arabia. Iran tuyên bố sẽ không “để yên” vụ tấn công này. Vụ việc tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia có thể leo thang khi giới quan sát lo ngại, đây rất có thể là hành động đáp trả của Saudi Arabia với Iran sau khi 2 cơ sở sản xuất dầu của nước này bị tấn công hối tháng 9, với những cáo buộc Tehran đứng đằng sau vụ việc.
Nhiệm vụ hòa giải cho 2 quốc gia này của Pakistan còn khó khăn hơn nữa khi nó diễn ra đúng dịp Mỹ có ý định tăng cường quân và khí tài quân sự tới Saudi Arabia – điều mà Iran không hề mong muốn. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua xác nhận:
“Chúng tôi sẽ gửi quân đội và những thứ khác đến Trung Đông để giúp Saudi Arabia. Theo yêu cầu của tôi, Saudi Arabia đã đồng ý trả tiền cho tất cả những gì chúng ta đang làm cho họ và chúng tôi đánh giá cao điều đó.”
Tuy nhiên, nhiệm vụ hòa giải của Pakistan cho vấn đề dù khó khăn, song không phải không thể. Pakistan có 1 vai trò khá đặc biệt trong mối quan hệ giữa các quốc gia Hồi giáo. Quốc gia này luôn giữ mối quan hệ chặt chẽ với đối tác chiến lược là Saudi Arabia, trong khi vẫn coi Iran là một “người bạn hàng xóm láng giềng tốt”. Không chỉ hợp tác kinh tế với Saudi Arabia, Pakistan còn có quân đồn trú tại quốc gia này để đào tạo các lực lượng vũ trang địa phương. Tuy nhiên, Pakistan vẫn giữ thái độ trung lập, khi không tham gia liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu chống phiến quân Houthi tại Yemen – 1 điều có thể dẫn tới những ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với Iran.
Theo cựu đại sứ Pakistan tại Iran Asif Durrani, chính lập trường như vậy của Pakistan đã tạo cơ hội cho nước này có khả năng đóng vai trò trung gian hòa giải trong bối cảnh hiện tại. Trong khi, Adam Weinstein – một cựu quân nhân Mỹ nhận định, nếu không thể hòa giải, thì Pakistan vẫn có thể tạo ra 1 kênh liên lạc giúp Saudi Arabia và Iran ngừng leo thang căng thẳng.
Thêm vào đó, thế giới vẫn có quyền lạc quan về một mối quan hệ giữa Saudi Arabia và kình địch Iran sẽ được cải thiện, khi Iran luôn tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Saudi Arabia. Tuy nhiên, những cuộc đối thoại như vậy cũng sẽ vẫn có những điều kiện đi kèm mà 2 bên khó có thể chấp nhận nhau./.