Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển chống biến đổi khí hậu
VOV.VN - Hội nghị của LHQ về biến đổi khí hậu COP26 được tổ chức tại Glasgow, Vương quốc Anh, từ ngày 31/10 đến ngày 12/11. Dịp này phóng viên VOV phỏng vấn ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam về Hội nghị COP26 và sự hỗ trợ của Anh đối với Việt Nam trong chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị COP26 được cả thế giới mong chờ diễn ra từ ngày 31/10 – 12/11 tại Glassgow, Anh. Đây được coi là cơ hội cuối cùng của nhân loại để kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Trước thềm Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres khẳng định, tình hình khí hậu hiện nay là “tấm vé 1 chiều dẫn tới thảm họa”, nhấn mạnh cần “tránh thất bại” tại sự kiện lần này.
Đặc biệt, năm nay, Vương quốc Anh với tư cách là nước chủ nhà, cũng cam kết sẽ hỗ trợ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, thể hiện rõ vai trò của mình trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nhân dịp này, phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn với ông Gareth Ward, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam về Hội nghị COP26 và sự hỗ trợ của Anh đối với Việt Nam trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
PV: COP26 được cho là hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về khí hậu lớn nhất kể từ COP21 tại Paris năm 2015. Đây cũng là hội nghị quan trọng đặt ra các mục tiêu mang tính quyết định về tương lai lâu dài của thế giới trước những đe dọa của khí hậu và biến đổi khí hậu do con người gây ra. Thưa Đại sứ Gareth Ward, Đại sứ có thể cho biết tầm quan trọng của COP26? Đâu sẽ là những nội dung chính được quan tâm nhất mà nước Anh giới thiệu đến thế giới?
Ông Gareth Ward: Đúng vậy, đây là một sự kiện vô cùng quan trọng. Một minh chứng rõ ràng là sẽ có khoảng 130 nhà lãnh đạo của các quốc gia trên khắp thế giới tham dự COP26 tại Glasgow, trong đó có Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính. Chúng ta cần phải đạt mục tiêu nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 1.5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Điều này nghe thì có vẻ đơn giản. Nhưng trên thực tế, mục tiêu này yêu cầu chúng ta phải nỗ lực hợp tác để giảm phát thải khí carbon. Chúng ta cũng phải hỗ trợ cả cộng đồng thích ứng, bởi biến đổi khí hậu thực sự đang diễn ra và đã ảnh hưởng đến cả cuộc sống của tất cả mọi người dân, trong đó có Việt Nam.
Chúng ta cũng cần phải chuẩn bị nguồn lực về tài chính để các nước phát triển có thể giúp các nước đang phát triển chuyển sang tăng trưởng theo hướng xanh hơn. Tất cả những điều này sẽ được thảo luận tại COP26. Ngoài ra, chúng ta cũng phải hoàn thiện bộ quy tắc nhằm thực thi Thỏa thuận Paris về hành động chống biến đổi khí hậu để các nước cùng hoạt động dựa trên những quy định chung. Bộ quy tắc này đã bắt đầu được thảo luận từ COP21 và bây giờ, chúng ta cần hoàn thiện nó trong các cuộc họp sắp tới tại Glasgow.
PV: Anh là một trong số các quốc gia đặt mục tiêu tham vọng nhất thế giới với việc cắt giảm 68% lượng khí thải carbon vào năm 2030 so với mức của năm 1990. Với vai trò là nước chủ nhà COP26, vì sao nước Anh đặt mục tiêu này và thông điệp của nước Anh gửi tới các nước là gì?
Ông Gareth Ward: Chính phủ Anh đã đặt ra những mục tiêu rất tham vọng, như là giảm 68% khí thải vào năm 2030 và giảm lượng khí thải xuống bằng 0, tức là đạt trung hòa carbon, vào năm 2050. Đây không chỉ là trách nhiệm của nước Anh trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu là giảm lượng khí thải do Anh tạo ra, mặt khác, chúng tôi cũng hiểu rằng, việc phát triển theo hướng xanh sẽ tốt cho chính nền kinh tế của Anh. Chúng tôi có thể tạo ra công việc ở nhiều lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi, phương tiện giao thông điện. Ví dụ như hôm nay tôi tới đây bằng xe ô tô điện sản xuất tại Anh. Đến năm 2035, việc sản xuất mới các loại xe ô tô chạy bằng xăng dầu sẽ bị coi là bất hợp pháp, các loại xe sẽ chạy hoàn toàn bằng điện.
Nói chung, đây là các biện pháp mà chúng tôi sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang động viên các nước khác cùng làm những việc tương tự. Hiện tại, có rất nhiều quốc gia đặt ra những mục tiêu cho mình và nỗ lực thực hiện mục tiêu đó.
PV: Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 25/10 lên tiếng nhận định việc đạt được thỏa thuận quan trọng tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 khai mạc vào cuối tuần này tại Glasgow, Anh sẽ rất khó khăn. Ông có cho rằng Thủ tướng Johnson có phần thiếu lạc quan trước Hội nghị?
Ông Gareth Ward: Tổ chức một sự kiện lớn mang tính toàn cầu để các bên tham gia đàm phán như thế này, bạn cần phải tự tin và bạn cũng cần phải thực tế. Chúng tôi tự tin vì có rất nhiều nước đã đưa ra nhiều lời đề xuất mới. Từ đầu năm nay, chúng ta vẫn còn đang cách xa mốc chỉ giới hạn ở mức tăng không quá 1.5 độ C đã đặt ra, nhưng dần dần chúng ta bắt đầu thu hẹp khoảng cách. Trên thực tế chúng ta vẫn cần nhiều quốc gia cùng chung tay tham gia vào quá trình này.
Thêm vào đó, sự kiện lần này kéo dài trong 2 tuần, và sẽ có rất nhiều điểm chúng ta cần đạt được đồng thuận, như là về việc làm thế nào để đo lường lượng khí thải, về các khoản chi và cách sử dụng nguồn quỹ cho biến đổi khí hậu. Đây đều là những câu hỏi khó trả lời, và mỗi quốc gia lại có một quan điểm khác nhau. Nhưng tôi nghĩ rằng với sự cam kết và với mong muốn tích cực mà các nước mang tới Glasgow, thì chúng ta có cơ hội để thực sự tạo ra sự khác biệt.
PV: Trước thềm hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lần thứ 26 diễn ra tại Anh, nhiều nước và tổ chức quốc tế đã đưa ra các cam kết nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Đại sứ đánh giá thế nào về tính khả thi của những cam kết này?
Ông Gareth Ward: Tôi muốn lấy ví dụ chỉ khoảng 10 năm trước đây, Anh vẫn còn đang phụ thuộc rất nhiều vào than đá, khoảng 40% năng lượng chúng tôi sản xuất đều là từ than đá. Năm ngoái, con số đã giảm xuống 2%, và tới năm 2024, chúng tôi sẽ không còn sử dụng than đá nữa. Làm sao chúng tôi có thể chuyển đổi nhanh đến như vậy. Câu trả lời chính là nhờ có công nghệ. Chúng tôi đã có thể tăng sản lượng năng lượng gió ngoài khơi. Chúng tôi có thể nâng cao hệ thống điện lưới thông minh ở Anh với tốc độ nhanh hơn kỳ vọng. Với tất cả những đổi mới trong công nghệ như hiện nay, kể cả là phương tiện giao thông điện, năng lượng hydrogen, chúng ta hoàn toàn có thể tăng tính hiệu quả trong sử dụng năng lượng bằng cách ứng dụng công nghệ mới.
Ở Anh, vào mùa lạnh, chúng tôi thường sử dụng khí gas để sưởi ấm, nhưng bây giờ chúng tôi sử dụng bơm để lấy không khí nóng từ lòng đất. Năm 2050, chúng ta cần phải đạt được mục tiêu trung hoà carbon, nghĩa là chúng ta còn 28 năm để thay đổi, để đưa ra các quy định mới, để ứng dụng công nghệ, và để kêu gọi sự tham gia của lĩnh vực tư nhân nhằm thực hiện mục tiêu này. Các Chính phủ có thể đặt ra mục tiêu, có thể dẫn dắt, nhưng quá trình này có thực hiện được hay không phần quan trọng là phải có sự chung tay của các công ty tư nhân, và cần có sự thay đổi thói quen tiêu dùng từ phía người dân.
PV: Để những cam kết được đưa ra không chỉ là những lời nói suông, nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng. Tại COP26, dư luận kỳ vọng gì vào sự dẫn dắt của nước Anh trong việc biến những cam kết thành hành động thưa Đại sứ?
Ông Gareth Ward: Chúng tôi hiểu rõ rằng trước đây, lượng khí thải carbon phần lớn đều do các nước phát triển xả thải. Và giờ đây, các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, cũng bắt đầu phát thải carbon. Nhưng rõ ràng là trách nhiệm lớn thuộc về các nước phát triển. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi rất nỗ lực đạt được cam kết dành ra 100 tỉ đô-la Mỹ mỗi năm để hỗ trợ cho các nước đang phát triển để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Chỉ riêng Anh, chúng tôi cam kết 16 tỉ bảng Anh trong vài năm tới. Chúng tôi đang triển khai nhiều dự án ở các nước đáng phát triển, trong đó có Việt Nam nhằm giúp các nước này thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như hỗ trợ chi phí để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Tôi nghĩ chúng ta có thể nói vấn đề về biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, và chúng ta cần chung tay thực hiện vì lợi ích chung toàn cầu. Do đó, chúng ta sẽ không thấy những xung đột, bất đồng, mà chúng ta sẽ thấy sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn. Và điều này rất quan trọng bởi chúng ta sẽ không thể giải quyết vấn đề này mà không có sự thống nhất chặt chẽ như vậy.
PV: Là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế. Theo Đại sứ, mục tiêu này của Việt Nam có "tham vọng" không?
Ông Gareth Ward: Năm ngoái thì Việt Nam đã đặt ra đóng góp do quốc gia tự quyết định. Mục tiêu này có tham vọng hơn so với các mục tiêu trước đó. Nhưng theo tôi, Việt Nam vẫn có thể đặt ra mục tiêu tham vọng hơn nữa. Tôi nghĩ từ đó đến nay đã một năm trôi qua, và Việt Nam đã thực hiện nhiều nghiên cứu, phân tích, và có thể đặt mục tiêu cao hơn một chút. Cũng cần phải nói là tôi tự tin rằng chắc chắn Việt Nam có thể đạt được mục tiêu 27% đã đề ra và thậm chí có thể vượt qua cả con số này. Tôi cũng tự tin rằng các đại biểu của Việt Nam tới Glasgow cũng sẽ mang theo những ý tưởng mới, những cam kết mới. Và tôi cũng hy vọng là chúng ta sẽ được thấy những con số mới do Việt Nam tự đặt ra.
Theo tôi, đây là một quá trình mà tất cả chúng ta đều đang học và tích lũy kinh nghiệm. Chúng ta dần tự tin hơn với công nghệ mình đang có, chúng ta tự tin hơn khi đánh giá các lĩnh vực đang phát thải lượng lớn khi nhà kính. Ở Việt Nam, khoảng 70% khí thải là do năng lượng, 20% là do nông nghiệp. Do đó, đây là hai lĩnh vực mà chúng ta cần đặt nhiều nỗ lực và sự chú trọng hơn cả. Nhưng như tôi đã nói, tôi chắc chắn rằng Việt Nam thực sự đang đi đúng hướng.
PV: Là một trong những quốc gia đầu tàu trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu, nước Anh dự kiến sẽ có những hỗ trợ gì đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam để ứng phó kịp thời với vấn đề biến đổi khí hậu, thưa Đại sứ?
Ông Gareth Ward: Có rất nhiều cơ chế hỗ trợ. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh một vài điểm như sau. Thứ nhất, hai đối tác rất quan trọng là Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á đều đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để cung cấp nguồn quỹ cho chuyển dịch năng lượng và cơ sở hạ tầng xanh. Họ có thể cung cấp nguồn tài chính rất hữu ích, đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể dễ dàng tìm được những dự án vừa xanh lại vừa có thể tạo ra nguồn thu.
Thứ hai là Quỹ Khí hậu Xanh. Đây là một tổ chức cho vay để giúp giảm lượng khí thải và tăng khả năng ứng phó. Ví dụ, quỹ này vừng công bố một dự án hỗ trợ mới ở Tây Nguyên. Với dự án này, các nông dân nhận được sự hỗ trợ để thay đổi cách làm nông sao cho phù hợp hơn với tình hình thời tiết đang thay đổi theo chiều hướng khó đoán hơn. Khoảng 500 nghìn nông dân sẽ được hưởng lợi từ dự án này.
Thứ 3 và cũng không kém phần quan trọng đó là sự tham gia của lĩnh vực tư nhân. Các ngân hàng của Anh như HSBC hay Standard Chartered đều đang đưa ra các khoản vay xanh, tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư vào công nghệ xanh. Đó sẽ là động lực lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi vì Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thương mại. Các bạn đang xuất khẩu rất nhiều hàng hoá sang các thị trường khác. Và chúng tôi biết rằng người tiêu dùng ở Anh, châu Âu hay ở Mỹ, họ đều muốn các sản phẩm xanh. Họ muốn đảm bảo rằng các sản phẩm mình mua không góp phần vào tình trạng biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, tôi muốn nói rằng, với 3 năm ở Việt Nam, điều tuyệt vời nhất đối với tôi đó là được thấy đa dạng sinh học ở quốc gia này. Tôi đã tới 30 tỉnh thành. Tôi hi vọng có thể tiếp tục được thăm nhiều nơi hơn. Nhưng tôi muốn nói rằng các bạn có một nguồn lực về thiên nhiên vô cùng tuyệt vời và các bạn có thể đóng góp vào công cuộc bảo vệ hành tinh của chúng ta bằng cách bảo vệ chính thiên nhiên ở Việt Nam, rừng cây, đa dạng sinh học. Đây là những điều vô cùng quan trọng mà Việt Nam đang có và cần bảo vệ. Và đó cũng là lý do vì sao chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bạn và hỗ trợ cho các bạn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.