Tình thế bi kịch của người Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar
VOV.VN - Người Rohingya ở trong thế lưỡng nan. Ở lại Myanmar thì không được cấp quốc tịch và có ít quyền. Chạy sang Bangladesh cũng nhiều nguy hiểm.
Do bạo lực gia tăng ở bang Rakhine (Myanmar), hàng trăm ngàn người Rohingya đã phải rồng rắn di tản sang Bangladesh qua vịnh Bengal trong thời gian qua, đối mặt với nhiều khổ cực và nguy hiểm.
Người Rohingya rồng rắn vượt biên chạy trốn bạo lực ở Myanmar. Ảnh: Reuters.
Không được thừa nhận
Có 1,1 triệu người Rohingya sống ở Myanmar. Họ sống đông đảo ở bang Rakhine của quốc gia Đông Nam Á này. Tại đó người Rohingya đã chung sống (không mấy dễ chịu) với cộng đồng Phật giáo trong nhiều thập kỷ.
Người Rohingya nói rằng họ là con cháu của những người Hồi giáo, có thể là các lái buôn Ba Tư hoặc Arab đã tới Myanmar nhiều thế hệ trước. Không giống với cộng đồng tín đồ đạo Phật, người Rohingya nói một thứ ngôn ngữ giống với phương ngữ Bengal của thành phố Chittagong ở Bangladesh.
Thế nhưng, theo tờ Guardian, nhiều người ở Myanmar xỉ vả người Rohingya, coi họ là những người di cư bất hợp pháp. Người Rohingya hứng chịu nhiều sự phân biệt mang tính hệ thống.
Du người Rohingya đã sống ở đây nhiều thế hệ, chính quyền Myanmar công khai và chính thức coi người Rohingya là tộc người không có tổ quốc. Myanmar từ chối cấp quốc tịch cho họ. Người Rohingya đối diện với nhiều hạn chế về quyền đi lại, quyền tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ cơ bản khác.
Mâu thuẫn âm ỉ
Trong hàng thập kỷ, căng thẳng sắc tộc đã âm ỉ ở bang Rakhine, với nhiều lần bùng phát bạo lực.
Hồi tháng 10/2016, 9 cảnh sát đã bị các nam giới có vũ trang sát hại. Giới chức tin rằng thủ phạm là người Hồi giáo. Trong quá trình bạo lực ngay sau đó, 87.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy trốn sang Bangladesh và quân đội chính phủ đã mở rộng sự hiện diện ở bang Rakhine.
Hình ảnh nỗi đau tột cùng của những người Rohingya chạy khỏi Myanmar
Khi đó một quan chức cao cấp của Liên Hợp Quốc cáo buộc chính phủ Myanmar đang cố loại bỏ cộng đồng Hồi giáo khỏi đất nước. Nhiều tổ chức nhân quyền lặp lại quan điểm đó. Nhưng chính phủ Myanmar bác bỏ cáo buộc này.
Hồi tháng 8 vừa qua, Myanmar tăng thêm số quân đóng ở Rakhien, sau khi 7 tín đồ Phật giáo bị phát hiện chết do bị đâm chém. Việc tăng quân ở đây là dấu hiệu dự báo làn sóng bạo lực mới.
Đợt bạo lực mới có nhân tố mới là sự tham gia của nhóm chiến binh Hồi giáo Rohingya - Quân đội Cứu nguy Arakan Rohingya. Nhóm này tuyên bố rằng các cuộc tấn công mà họ thực hiện nhằm vào lực lượng chính phủ đều là để tự vệ mà thôi.
Chuyện gì xảy ra mới đây?
Bạo lực bùng phát ở bang Rakhine vào ngày 25/8, khi các phiến quân Hồi giáo tấn công các lực lượng của chính phủ. Đáp lại, quân đội Myanmar đã ủng hộ các dân quân Phật giáo mở một chiến dịch “dọn dẹp” nhằm vào phiến quân. Hậu quả của chiến dịch này là ít nhất 1.000 người đã chết, và hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa của chính mình.
Quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc vào ngày 11/9 có nói rằng phản ứng của quân đội Myanmar là “không tỷ lệ” với mức độ của các cuộc tấn công nổi dậy và cảnh báo rằng cách đối xử của Myanmar đối với cộng đồng thiểu số Rohingya có vẻ giống “một cuốn sách giáo khoa về thanh lọc sắc tộc”.
Chính phủ Myanmar về sau đã bác bỏ cáo buộc trên của Liên Hợp Quốc.
Người Hồi giáo Rohingya ở Myanmar muốn được bỏ chạy an toàn
Trong khi đó những người tị nạn Rohingya đã đề cập tới các vụ thảm sát tại các làng mạc của họ. Họ nói rằng có những binh sĩ đã đột kích và đốt nhà cửa của họ.
Về phần mình, chính quyền Myanmar khẳng định rằng chính người Rohingya phóng hỏa đốt nhà của họ và giết người Hindu và người theo đạo Hồi – nhận định được một số cư dân xác nhận. Chính quyền Myanmar cũng tuyên bố rằng quân đội của họ chỉ nhằm vào lực lượng khủng bố, bao gồm “Quân đội Cứu nguy Arakan Rohingya” (ARSA) – lực lượng nhận trách nhiệm về loạt vụ tấn công vào tháng 8.
Các phân tích hình ảnh vệ tinh do tổ chức Theo dõi Nhân quyền tiến hành cho thấy bằng chứng về các thiệt hại do lửa cháy ở khu vực đô thị mà người Rohingya sinh sống cũng như ở các làng nằm riêng rẽ./.