Tình thế nguy cấp của Ukraine nếu hệ thống phòng không sụp đổ
VOV.VN - Giới quan sát phương Tây cho rằng, hậu quả của việc hệ thống phòng không sụp đổ sẽ để lại phần lớn đất nước không được bảo vệ.
Theo Tổng thổng Ukraine Volodymyr Zelensky, Nga đã phóng ít nhất 500 tên lửa và UAV vào các mục tiêu trên khắp Ukraine trong 5 ngày từ 29/12. Tổng thống Putin cảnh báo, Ukraine sẽ phải chứng kiến nhiều cuộc tấn công hơn sau khi nã pháo vào thành phố Belgorod ở biên giới của Nga, khiến hơn 20 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương.
Theo các chuyên gia, các cuộc tấn công mới đây và cảnh báo của Tổng thống Putin dường như cho thấy sự tăng cường của các cuộc tấn công UAV.
Các đợt không kích ồ ạt này đã xác nhận mối lo ngại lớn nhất của nhiều người ở Ukraine về việc Moscow đang tích trữ tên lửa để sử dụng cho các chiến dịch ném bom mới vào mùa đông. Nga được cho là đã tăng đáng kể sản xuất tên lửa trong nước như một phần của kế hoạch dịch chuyển sang kinh tế thời chiến với hơn 100 tên lửa tầm xa được sản xuất mỗi tháng hiện nay.
Mùa đông trước đó, Nga đã nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine nhưng cuộc tấn công mới đây của Moscow dường như đã mở rộng trọng tâm, với các mục tiêu bao gồm các cơ sở quân sự và công nghiệp.
Mục tiêu trước mắt của Nga là áp đảo khả năng phòng không hạn chế của Ukraine. Mặc dù Kiev có thể tăng cường đáng kể hệ thống phòng không từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự cách đây 2 năm nhưng Ukraine vẫn phụ thuộc lớn vào các đối tác nước ngoài về nguồn cung tên lửa đánh chặn và các loại đạn dược khác. Giữa bối cảnh sự hỗ trợ quân sự của Mỹ và EU đang bị đặt câu hỏi do những trở ngại về chính trị, mối đe dọa Ukraine có thể cạn kiệt kho đạn phòng không trong những tuần tới ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Giới quan sát phương Tây cho rằng, hậu quả của việc hệ thống phòng không sụp đổ sẽ rất kinh khủng với Ukraine. Cho tới nay, họ cho rằng các lực lượng của Kiev đã chiến đấu vượt ngoài mong đợi khi phối hợp các hệ thống phòng không khác nhau. Điều này khiến Ukraine có thể bắn hạ trung bình khoảng 70 - 80% tên lửa và UAV đang lao tới. Tuy nhiên, nếu nguồn cung đạn dược ở mức quá thấp vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2 sẽ để lại phần lớn đất nước không được bảo vệ.
Các quan chức ở Kiev hiểu rõ mối đe dọa phía trước và đang chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ phòng không trong những tháng gần đây. Nước này đã nhận được hệ thống Patriot thứ hai từ Đức vào tháng 12 và cũng đảm bảo một cam kết từ Nhật Bản về việc cung cấp tên lửa cho Mỹ trong một động thái có thể cho phép Washington chuyển thêm tên lửa cho Ukraine. Sau khi Nga tiến hành cuộc không kích lớn ngày 29/12, Anh cũng tuyên bố sẽ cung cấp thêm 200 tên lửa phòng không cho Ukraine.
Trong khi các quan chức Ukraine hoan nghênh sự ủng hộ trên thì họ cũng nhận ra nhiều diễn biến sẽ phụ thuộc vào kết quả của tình trạng bế tắc chính trị hiện nay ở Washington, khi mà tiến triển trong gói hỗ trợ mới cho Kiev đã chững lại và sự chú ý của dư luận chuyển dần sang cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024. Trừ khi Quốc hội Mỹ có thể tháo gỡ gói hỗ trợ trị giá hàng chục tỷ USD, nếu không thì quân đội Ukraine sẽ đối mặt với một loạt sự thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống phòng không.
Các quan chức Nga hy vọng việc phương Tây trì hoãn và giảm cung cấp hỗ trợ cho Ukraine sẽ khiến các thành phố của nước này ngày càng dễ bị tấn công. Tổng thống Putin đã tuyên bố giao tranh sẽ tiếp diễn cho tới khi chiến thắng và Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Ukraine phải "phi phát xít hóa và phi quân sự hóa hoàn toàn".
Cuối cùng, thậm chí cả khi tăng đáng kể nguồn cung hệ thống phòng không và đạn dược cho Ukraine thì chừng đó vẫn không đủ để chấm dứt các cuộc tấn công của Moscow. Để ngăn chặn hiệu quả mối đe dọa của UAV và tên lửa nước này, Ukraine phải nhận được các tên lửa tầm xa và được phương Tây "bật đèn xanh" tấn công các địa điểm và mục tiêu bên trong nước Nga.