Tính toán của 2 kẻ thù không đội trời chung giữ chìa khóa chấm dứt xung đột Gaza
VOV.VN - Những nỗ lực mang lại hòa bình cho Gaza cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar là đối thủ không đội trời chung - những nhà đàm phán khét tiếng cứng rắn. Cả hai đều đang có những tính toán riêng bởi kết quả của các cuộc đàm phán sẽ định hình sâu sắc di sản của họ.
Tiến trình đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza vừa được tổ chức tại thủ đô Cairo của Ai Cập ngày 25/8 tiếp tục bế tắc sau khi cả hai bên đều từ chối các thỏa hiệp do các nhà trung gian đưa ra.
Trong số các yêu cầu của mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn kiên quyết duy trì sự hiện diện của quân đội Israel dọc Hành lang Philadelphi và sàng lọc những người Palestine phải di dời khi họ trở về phía Bắc Gaza. Trong khi đó, Hamas tuyên bố lực lượng này chỉ đàm phán về lệnh ngừng bắn dựa trên các đề xuất hôm 2/7 của Tổng thống Biden.
Những nỗ lực mang lại hòa bình cho Gaza cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả. Đây là điều đã được dự báo từ trước. Cần nhớ rằng, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải có chữ ký của hai người: Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và lãnh đạo Hamas Yahya Sinwar. Họ là kẻ thù không đội trời chung, những nhà đàm phán khét tiếng cứng rắn và họ hiểu rõ rằng kết quả của các cuộc đàm phán sẽ định hình sâu sắc di sản của họ. Với thủ lĩnh Hamas Sinwar, điều đó có thể có nghĩa là sự sống hoặc cái chết.
Cả hai đều có động lực mạnh mẽ để chấm dứt chiến tranh. Nhưng hai người này cũng có thể nghĩ rằng họ sẽ được lợi nếu kiên trì thêm một chút nữa và rằng cứ để xung đột tiếp diễn sẽ tốt hơn là một thỏa thuận không đáp ứng được các yêu cầu của họ.
Thủ tướng Netanyahu muốn gì?
Ông Netanyahu đã hứa sẽ "giành chiến thắng hoàn toàn" trước Hamas và giải cứu tất cả các con tin bị giam giữ ở Gaza — những mục tiêu mà nhiều người tin là không tương thích với nhau. Thủ tướng Netanyahu đã chịu áp lực rất lớn từ gia đình các con tin và phần lớn công chúng Israel để đạt được thỏa thuận đưa họ trở về nhà. Nhưng liên minh cầm quyền của Netanyahu dựa vào các bộ trưởng cực hữu muốn chiếm lại Gaza vĩnh viễn và đã đe dọa sẽ lật đổ chính phủ nếu ông nhượng bộ quá nhiều.
Bản thân ông Netanyahu cũng hứng chịu nhiều chỉ trích về thất bại an ninh liên quan đến cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10/2023 khiến 1.200 người Israel bỏ mạng và 250 người khác bị bắt làm con tin. Mặc dù vậy, Thủ tướng Netanyahu đã bác bỏ lời kêu gọi điều tra cho đến khi xung đột hiện nay kết thúc.
Cuộc chiến càng kéo dài, Israel càng có nhiều khả năng đạt được điều gì đó có vẻ như là chiến thắng — giết chết Sinwar, giải cứu thêm nhiều con tin — và ông Netanyahu càng có nhiều thời gian để củng cố vị thế chính trị, định hình lại di sản của mình. Nhưng điều đó cũng đi kèm với rủi ro khi số lượng binh lính thiệt mạng trong chiến đấu tăng lên gần như mỗi ngày và Israel ngày càng bị cô lập vì những khổ đau mà họ đã gây ra cho người Palestine.
Thủ tướng Netanyahu dường như cũng đã có mâu thuẫn với bộ trưởng quốc phòng của chính mình về ván cờ cuối cùng. Truyền thông Israel tràn ngập thông tin trích dẫn lời các quan chức an ninh cấp cao giấu tên bày tỏ sự thất vọng với ông Netanyahu, đặc biệt là yêu cầu của ông về quyền kiểm soát lâu dài đối với hai hành lang chiến lược ở Gaza. Một số người thậm chí còn cáo buộc ông phá hoại các cuộc đàm phán.
Cả Israel và Hamas đều nói rằng họ đã chấp nhận các phiên bản khác nhau của một đề xuất ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn về nguyên tắc, trong khi đề xuất sửa đổi và cáo buộc bên kia đưa ra những yêu cầu không thể chấp nhận được.
Yohanan Plesner, người đứng đầu Viện Dân chủ Israel - một nhóm nghiên cứu địa phương, thừa nhận sự tức giận hướng đến Netanyahu trên báo chí sở tại và trong các bộ phận của xã hội Israel nhưng cho rằng Sinwar phải chịu phần lớn trách nhiệm cho sự bế tắc này vì ông tỏ ra không mấy quan tâm đến việc thỏa hiệp.
Plesner nói: “Nếu chúng ta thấy ông Sinwar nghiêm túc trong việc đạt được một thỏa thuận, điều đó sẽ buộc Israel và Thủ tướng Netanyahu phải để lộ những quân bài của họ”. Tình hình hiện tại "gần giống như một bên đang đàm phán với chính mình".
Tính toán của thủ lĩnh Hamas Sinwar
Sinwar muốn chấm dứt chiến tranh — nhưng chỉ theo điều kiện của ông. Con bài mặc cả duy nhất của Sinwar là khoảng 110 con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza, trong đó khoảng 1/3 được cho là đã chết. Và ông Sinwar cần nhiều hơn là một lệnh ngừng bắn tạm thời nếu vẫn hy vọng cứu vãn bất kỳ điều gì giống như chiến thắng từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023.
Sinwar muốn được đảm bảo rằng Israel sẽ không tiếp tục hành động vũ trang sau khi một số hoặc tất cả các con tin được trả tự do. Ông cũng cần Israel rút khỏi toàn bộ Gaza để đảm bảo rằng tác động lâu dài của cuộc tấn công ngày 7/10 không phải là sự tái chiếm lãnh thổ vĩnh viễn. Và ông cũng cần sự đảm bảo rằng người Palestine sẽ có thể trở về nhà và xây dựng lại nhà cửa của họ.
“Sinwar rất quan tâm đến việc đưa các cuộc đàm phán đi đến hồi kết, cho dù liên quan đến lệnh ngừng bắn hay trao đổi tù nhân, bởi vì trong cả hai trường hợp, Sinwar đều sẽ là người chiến thắng”, Nabih Awada, một nhà phân tích chính trị người Lebabon và là cựu binh đã có nhiều năm bị giam giữ trong nhà tù Israel với Sinwar, cho biết.
Có những rủi ro đối với ông Sinwar khi kéo dài các cuộc đàm phán: Nhiều con tin có khả năng sẽ chết hoặc được giải cứu khi cuộc chiến tiếp diễn. Cái chết, sự tàn phá và khó khăn ở Gaza sẽ tiếp diễn có thể làm bùng phát sự bất mãn của người Palestine với Hamas.
Bản thân Sinwar, người đứng đầu danh sách truy nã gắt gao nhất của Israel, có thể bị giết bất cứ lúc nào. Nhưng xét đến tính trung tâm của sự tử vì đạo trong lịch sử và hệ tư tưởng của Hamas, ông ta có thể cảm thấy rằng kết quả đó là điều không thể tránh khỏi — và tốt hơn là một thỏa thuận giống như thất bại.
Liệu có áp lực bên ngoài nào có thể giúp ích không?
Ai Cập và Qatar đã đóng vai trò là những bên trung gian chính với Hamas, nhưng ảnh hưởng của họ rất hạn chế.
Bất kỳ áp lực nào gây ra đối với giới lãnh đạo lưu vong của Hamas cũng khó có thể tác động nhiều đến Sinwar, người được bổ nhiệm làm người đứng đầu Hamas sau vụ giết hại Ismail Haniyeh ở Iran. Người ta tin rằng Sinwar đã dành phần lớn 10 tháng qua để sống trong các đường hầm dưới Gaza và không rõ ông ta có liên lạc với thế giới bên ngoài nhiều như thế nào.
Về phía Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã cho thấy ít có khuynh hướng gây sức ép với Thủ tướng Israel Netanyahu. Trong khi đó, Phó Tổng thống Kamala Harris không đưa ra bất kỳ thay đổi chính sách cụ thể nào. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Donald Trump đã thúc giục Israel hoàn thành cuộc tấn công của mình nhưng có thể sẽ dễ dãi hơn với Netanyahu, như ông đã từng làm trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Có rất ít khả năng xảy ra việc Mỹ áp cấm vận vũ khí với Israel khi Tel Aviv phải đối mặt với một cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng từ Iran vì vụ ám sát Haniyeh. Thay vào đó, Mỹ đã đưa thêm nguồn lực quân sự vào khu vực, giảm bớt một số áp lực cho Israel.
Sinwar có thể đã hy vọng rằng vụ giết người có chủ đích nhằm vào Haniyeh và một chỉ huy cấp cao của Hezbollah hồi tháng trước sẽ mở rộng cuộc chiến. Nhưng điều đó có vẻ ít có khả năng xảy ra khi cả Israel và Hezbollah đều áp dụng biện pháp “hãm phanh” sau một cuộc đấu súng dữ dội vào cuối tuần.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn vẫn tiếp tục trong suốt thời gian đó, xen kẽ với những khoảnh khắc lạc quan thoáng qua.
Những nhà hòa giải đã dành nhiều tuần gần đây để cố gắng đưa ra một đề xuất bắc cầu với Netanyahu, nhưng đề xuất này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và chưa được gửi đến ông Sinwar.