Kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu

VOV.VN - Trải qua 10 năm được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ giữ nguyên được giá trị to lớn mà tạo hóa đã ban tặng mà còn có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang.

Tối 28/11, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Cao nguyên đá Đồng Văn gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu của UNESCO và khai mạc Lễ hội Hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ VI-2020.

Đến dự chương trình có ông Uông Chu Lưu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; ông Phan Thanh Bình, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm uỷ ban VHXH Quốc hội; ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán nhà nước; ông Lê Đình Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh; ông Đặng Quốc Khánh – Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH khóa XIV tỉnh Hà Giang; ông Toshiyuki Mastumoto - Trưởng ban giáo dục, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội; ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cùng các vị đại biểu là lãnh đạo các tỉnh Hà Tĩnh, Tuyên Quang, Sơn La, Long An, Hà Nội. 

Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn từ lâu đã khẳng định được những giá trị địa chất khoa học lịch sử quý giá được bạn bè quốc tế công nhận. Cao nguyên đá là khởi nguồn cho những giá trị đặc sắc nhất cả về cảnh quan và văn hóa nơi đây. 

Ngày 03/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang được UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Do đặc điểm của vị trí địa lý và địa hình hiểm trở, cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang ít chịu sự tác động của các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với đó là sự gia tăng các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản gắn với phát triển du lịch bền vững và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây.

Ông Toshiyuki Mastumoto - Trưởng ban giáo dục, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội nhận định: “Đồng Văn là công viên địa chất toàn cầu đầu tiên được UNESCO ghi danh tại Việt Nam và là công viên thứ hai tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Điều đáng mừng hơn là vào năm 2018, danh hiệu công viên địa chất toàn cầu Đồng Văn lại một lần nữa được tái trao tặng, sau những chương trình khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng của UNESCO về những thành tựu mà Đồng Văn đã đạt được trong suốt 04 năm trước đó.

UNESCO tin rằng, với chiến lược phát triển phù hợp, Đồng Văn sẽ trở thành một mô hình công viên địa chất toàn cầu thành công tại Việt Nam và là tấm gương để các thành viên khác trong Mạng lưới UNESCO cùng học hỏi. UNESCO sẽ luôn luôn đồng hành cùng với Việt Nam để làm giàu mạnh hơn nữa mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu tại Việt Nam, tăng cường hợp tác đối tác để phát triển các Công viên địa chất, phát triển ngành du lịch địa chất, đồng thời thúc đẩy việc áp dụng phương thức tiếp cận dựa trên cộng đồng để khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng dân tộc thiểu số - những người đang gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, trù phú để gìn giữ tính đa dạng của văn hóa Việt Nam như chính sự đa dạng của các Công viên địa chất”.

Trải qua 10 năm được gia nhập mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu của UNESCO, Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ giữ nguyên được giá trị to lớn mà tạo hóa đã ban tặng mà còn có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang nói chung và 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói riêng.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, du lịch Hà Giang đã có bước phát triển vượt bậc, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Khách du lịch đến với Hà Giang tăng bình quân trên 15%/năm, đến hết năm 2020 thu hút 1,5 triệu lượt khách mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid - 19, doanh thu từ du lịch đạt trên 1.500 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,6%/năm, đóng góp 8,8% GDP của tỉnh. Hoạt động du lịch phát triển theo hướng bền vững, trên cơ sở phát huy giá trị di sản địa chất, đa dạng sinh học và bảo tồn văn hóa truyền thống. Cùng với đó, diện mạo của các huyện vùng cao cũng có nhiều thay đổi, hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương. 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đạt được trong thời gian qua: "Hà Giang là một tỉnh miền núi biên giới còn nhiều khó khăn song hôm nay chúng ta rất vui mừng thấy được sự phát triển và tiềm năng của vùng đất này. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã luôn gìn giữ, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, những giá trị về địa chất, địa mạo của công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, đồng thời bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc nơi đây. Chính vì vậy, sau 10 năm được UNESCO công nhận, Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ giữ gìn các giá trị bản sắc, các tiêu chí của một công viên địa chất toàn cầu mà còn từng bước xây dựng bồi đắp thêm các giá trị văn hóa mới tốt đẹp, trong đó lễ hội Hoa tam giác mạch hàng năm của tỉnh là một minh chứng rõ nét…”.

Tuy nhiên, công cuộc xây dựng đã, đang và sẽ có nhiều bài toán khó đặt ra cần giải quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh tập trung phát triển có chiều sâu một số lĩnh vực có thế mạnh như du lịch, nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao; phát triển kinh tế du lịch đa dạng, phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc. Tỉnh đẩy mạnh công tác liên kết vùng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông với nội, ngoại tỉnh; quyết tâm xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn thành khu du lịch Quốc gia. 

Cảnh sắc thiên nhiên Hà Giang không chỉ có đá núi sừng sững, những mùa hoa nơi đây đã thổi vào mảnh đất nơi cực Bắc của Tổ quốc những nét lãng mạn cùng vẻ đẹp thiên nhiên say đắm, một bản hòa tấu hoàn hảo có đủ cung độ khiến người ta phải đắm đuối, ngẩn ngơ.

Cao nguyên đá trập trùng hùng vĩ, tráng lệ nhưng cũng cũng vô cùng mềm mại, duyên dáng nhờ vào những sắc hoa xen đá. Với chủ đề “Sắc hoa cao nguyên đá”, lễ hội Hoa tam giác mạch thể hiện những sắc hoa độc đáo của miền cao nguyên đá như những loài hoa của tự nhiên vượt lên đá núi mà tỏa hương, trong đó tiêu biểu là hoa tam giác mạch, hoa cải, hoa bạc hà, hoa gạo, hoa đào, hoa mận…

Hoa của đá, những loài hoa với sức sống kiên cường, cũng giống như người dân Hà Giang với sức lao động bền bỉ, chinh phục những khó khăn, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đó còn có nghĩa là hoa của sắc màu dân tộc, của 19 tộc người từ mọi miền hội tụ về Hà Giang, chọn Hà Giang là nơi quần cư, dệt nên sắc màu văn hóa đa dạng độc đáo.

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều hoạt động sôi nổi trải dài từ thành phố Hà Giang lên 4 huyện Cao nguyên đá là Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Ninh, Quản Bạ Trong đó có thể kể đến như Liên hoan ẩm thực, dù lượn trên Cao nguyên đá, trình diễn, thi đấu xe ô tô, mô tô địa hình với chủ đề tình thần đá hoặc đu thuyền Sup trên sông Miện….

Đây cũng là dịp để Hà Giang giới thiệu những nét văn hóa truyền thống, độc đáo của đồng bào các dân tộc; quảng bá tiềm năng thế mạnh văn hóa, du lịch của địa phương thông qua các gian hàng trải nghiệm. Trên mảnh đất cao nguyên đá này, những sản vật mang thương hiệu của Hà Giang như cam sành cùng rất nhiều sản phẩm, cảnh vật khác có thể coi là tinh hoa của trời đất, là kết tinh của mồ hôi, nước mắt đồng bào nơi đây, là đặc trưng của riêng khí hậu cao nguyên đá, là đại diện cho một Hà Giang không thể lẫn với bất cứ miền đất nào trên dải đất Việt Nam.

Tất cả thể hiện quyết tâm của Hà Giang trong việc phát triển du lịch, đẩy mạnh giao thương, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước vào Hà Giang thông qua chuỗi giá trị mà những loài hoa, cao nguyên đá và con người nơi đây mang lại. Lễ hội hoa tam giác mạch không chỉ là lời khẳng định Hà Giang - nơi ngàn sắc hoa hội tụ mà còn là sự vươn tầm mạnh mẽ của mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, khẳng định vị thế của một Hà Giang bản sắc, an toàn và thân thiện./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cao nguyên đá Hà Giang đẹp ngỡ ngàng trong tiết thu
Cao nguyên đá Hà Giang đẹp ngỡ ngàng trong tiết thu

VOV.VN - Đành rằng mùa nào Hà Giang cũng rất đẹp, nhưng lên cao nguyên đá những ngày mùa thu này, người ta vẫn cứ say một thứ tình rất khác.

Cao nguyên đá Hà Giang đẹp ngỡ ngàng trong tiết thu

Cao nguyên đá Hà Giang đẹp ngỡ ngàng trong tiết thu

VOV.VN - Đành rằng mùa nào Hà Giang cũng rất đẹp, nhưng lên cao nguyên đá những ngày mùa thu này, người ta vẫn cứ say một thứ tình rất khác.

Ảnh dự thi “Việt Nam trong tôi“: Xuân trên cao nguyên đá
Ảnh dự thi “Việt Nam trong tôi“: Xuân trên cao nguyên đá

VOV.VN - Hà Giang mùa xuân rực rỡ sắc màu của những cánh đào phai, của những bông hoa cải vàng đan xen giữa những mỏm đá tai mèo xám xịt.

Ảnh dự thi “Việt Nam trong tôi“: Xuân trên cao nguyên đá

Ảnh dự thi “Việt Nam trong tôi“: Xuân trên cao nguyên đá

VOV.VN - Hà Giang mùa xuân rực rỡ sắc màu của những cánh đào phai, của những bông hoa cải vàng đan xen giữa những mỏm đá tai mèo xám xịt.

Người dân tộc thân thiện, mến khách nơi cao nguyên đá Hà Giang
Người dân tộc thân thiện, mến khách nơi cao nguyên đá Hà Giang

VOV.VN - Mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc không chỉ hấp dẫn bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, mà còn bởi những con người thân thiện, luôn mỉm cười với du khách.

Người dân tộc thân thiện, mến khách nơi cao nguyên đá Hà Giang

Người dân tộc thân thiện, mến khách nơi cao nguyên đá Hà Giang

VOV.VN - Mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc không chỉ hấp dẫn bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, mà còn bởi những con người thân thiện, luôn mỉm cười với du khách.