Toan tính của Mỹ và Iran phía sau bàn đàm phán hạt nhân
VOV.VN - Việc cả Mỹ và Iran theo đuổi những mục tiêu khác nhau đã khiến các cuộc đàm phán hạt nhân tại Vienna (Áo) rơi vào tình trạng bế tắc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo Iran cho biết họ đều có một mục tiêu chung: quay trở lại thỏa thuận hạt nhân mà cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi cách đây 3 năm, khôi phục các điều khoản giới hạn sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Iran để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế của quốc gia này.
Nhưng sau nhiều tuần đàm phán tại Vienna (Áo), phái đoàn của hai bên tích cực trao đổi ý kiến thông qua các nhà trung gian hòa giải của châu Âu, thỏa thuận cũ đã được xác định là không còn hiệu quả với cả hai bên, ít nhất là trong thời gian dài.
Khi cả hai cùng “rắn”
Phía Iran yêu cầu được cho phép giữ lại các trang thiết bị sản xuất nguyên vật liệu hạt nhân tiên tiến mà nước này đã lắp đặt sau khi cựu Tổng thống Trump từ bỏ thỏa thuận và hội nhập với hệ thống tài chính thế giới, vượt xa những điều khoản trong thỏa thuận năm 2015.
Về phần mình, chính quyền Tổng thống Biden cho biết, việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân cũ chỉ là một bước đệm. Điều này cần phải đi kèm với thỏa thuận hạn chế phát triển tên lửa và ngăn chặn hành vi hỗ trợ khủng bố, buộc Iran không thể sản xuất đủ nhiên liệu để chế tạo bom hạt nhân trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ đề xuất nói trên.
Hiện tại, khi các nhà đàm phán có mặt tại Vienna để xúc tiến vòng đàm phán mới bắt đầu từ ngày 7/5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Biden tự nhận thấy họ đang ở trong thời khắc quan trọng.
Nhiều cuộc phỏng vấn với các quan chức châu Âu, Iran và Mỹ cho biết, khôi phục hỏa thuận hạt nhân 2015 với tất cả các ưu, nhược điểm của nó là điều có thể thực hiện được. Nhưng để tiến tới cái mà Ngoại trưởng Antony Blinken cho là một thỏa thuận “lâu dài hơn và mạnh mẽ hơn” – nhằm ngăn Iran tích lũy nguyên vật liệu hạt nhân trong nhiều thế hệ, tạm dừng các vụ thử tên lửa và chấm dứt hỗ trợ các nhóm nổi dậy - vẫn còn là cả một chặng đường dài.
Điều này có thể là một phép thử chính trị lớn đối với Tổng thống Biden, bởi ông biết rõ rằng ông không thể lặp lại những gì chính quyền cựu Tổng thống Obama đã đàm phán cách đây 6 năm, sau các cuộc đàm phán marathon ở Vienna và nhiều địa điểm khác, trong khi đưa ra những lời hứa về một thỏa thuận lớn hơn và tốt hơn.
Chuyên gia Vali R. Nasr tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins, cho rằng Mỹ và Iran “đang đàm phán về các thỏa thuận khác nhau. Đó là lý do tại sao các cuộc đàm phán diễn ra tương đối chậm chạp”.
Chịu sức ép lớn
Khi chỉ còn khoảng 6 tuần nữa cuộc bầu cử Tổng thống Iran sẽ diễn ra, nhóm theo đuổi lập trường ôn hòa - Tổng thống Hassan Rouhani và Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif đã bày tỏ sự lạc quan về việc sẽ đạt được một thỏa thuận với phía Mỹ. “Hầu hết các biện pháp trừng phạt chính đã được dỡ bỏ. Các cuộc đàm phán đang diễn ra để phác thảo một số chi tiết”, Tổng thống Hassan Rouhani nói.
Song, Tổng thống Biden và các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, Iran vẫn chưa mô tả chi tiết về những giới hạn hạt nhân nào sẽ được khôi phục. Nhưng ngay cả khi điều này xảy ra, thì ông Biden vẫn phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là làm thế nào để thuyết phục chính phủ mới của Iran, trong trường hợp phe cứng rắn chiến thắng, tiến hành các cuộc đàm phán nhằm kéo dài và củng cố thỏa thuận.
Chưa kể, Mỹ đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đồng minh thân cận Israel. Trong cuộc gặp các quan chức Mỹ tại Washington tuần trước trong đó có Ngoại trưởng Blinken; Giám đốc C.I.A. William J. Burns và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, các quan chức Israel lập luận rằng, Mỹ đã “quá ngây thơ” khi trở lại thỏa thuận cũ – mà họ cho là vẫn duy trì khả năng đột phá về hạt nhân của Iran. Trái lại, các trợ lý của Tổng thống Biden nhấn mạnh, chiến lược gây sức ép tối đa với Iran kéo dài 3 năm mà chính quyền ông Trump theo đuổi đã không thể làm suy yếu quốc gia này. Thay vì đó, nó lại càng thúc đẩy tham vọng hạt nhân của Tehran.
Hiện cả Mỹ và Iran đều đang đàm phán dưới sức ép chính trị lớn. Với Iran, ngay cả khi lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei ủng hộ các cuộc đàm phán ở Vienna, Tổng thống Rouhani và Ngoại trưởng Zarif vẫn bị chỉ trích mạnh mẽ bởi phe bảo thủ trong chính quyền - những người luôn thể hiện sự thiếu tin tưởng đối với Washington và mong đợi sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới. Về phần mình, Tổng thống Biden phải làm việc với một Quốc hội luôn hoài nghi về thỏa thuận hạt nhân và phần lớn đều bày tỏ sự ủng hộ đối với những lo ngại của Israel.
Mong đợi một sự đột phá
Trong các cuộc thảo luận vào tháng 2 vừa qua, châu Âu hối thúc Mỹ bắt đầu đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran một cách nghiêm túc và dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt như một cử chỉ thiện chí đối với Iran. Nhưng đề xuất này đã bị bỏ qua.
Phải đến khi lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei thông báo rằng, quốc gia này có thể làm giàu uranium đến độ tinh khiết lên tới 60%, cao hơn hẳn giới hạn 3,67% trong thỏa thuận hạt nhân, Mỹ mới thực sự xem xét vấn đề một cách nghiêm túc.
Đến cuối tháng 3/2021, Mỹ và Iran nhất trí đàm phán toàn bộ thỏa thuận và các cuộc đàm phán được xúc tiến tại Vienna từ đầu tháng 4.
Các bên đã thành lập 3 nhóm chuyên trách: một nhóm thảo luận về các biện pháp trừng phạt mà Washington sẽ dỡ bỏ, một nhóm thảo luận tập trung vào việc làm thế nào để Iran tuân thủ trở lại các điều khoản được nêu trong thỏa thuận về giới hạn việc làm giàu hạt nhân và dự trữ urani và nhóm còn lại thảo luận về cách thức tương tác giữa Iran và Mỹ.
Quyết định về việc lệnh trừng phạt nào sẽ bị dỡ bỏ luôn là bài toán khó về chính trị đối với cả 2 quốc gia. Chẳng hạn, Iran khẳng định rằng, lệnh trừng phạt ban hành dưới thời cựu Tổng thống Trump liệt ngân hàng trung ương nước này vào danh sách tài trợ khủng bố cần phải được dỡ bỏ bởi nó làm tổn hại thương mại của Iran. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, vấn đề sẽ còn phức tạp hơn nếu Iran yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Cách mạng Hồi giáo ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố.
Với Iran, việc nhất trí về một thỏa thuận mà không có điều khoản đưa Lực lượng Cách mạng Hồi giáo ra khỏi danh sách khủng bố sẽ là điều không tưởng. Còn với Tổng thống Biden, thật khó để biện minh cho việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt với các tổ chức mà Mỹ cho là đang đe dọa lợi ích của nước này trong khu vực”, ông Ali Vaez, giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nhận định.
Giới phân tích cho rằng, dù còn nhiều mâu thuẫn và hoài nghi, nhưng việc hai bên đồng ý nối lại đàm phán vẫn được coi là một bước đi tích cực.
“Không có gì là ngây thơ trong việc này. Ngược lại, đó là một cách xử lý rất rõ ràng đối với một vấn đề đã được Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). giải quyết một cách hiệu quả ”, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói.
Mỹ nhìn nhận việc khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân cũ là bước đi đầu tiên để đạt được một thỏa thuận lớn hơn. Và họ được thúc đẩy bởi khao khát của Iran muốn nới lỏng một loạt hạn chế về tài chính vượt ra ngoài thỏa thuận đó, chủ yếu liên quan đến thực hiện giao dịch với các ngân hàng phương Tây. Một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ cho rằng điều đó sẽ tạo ra cái gọi là “tình huống chín muồi cho cuộc đàm phán về thỏa thuận tiếp theo”.
Còn Iran dù thực hiện các chiến thuật gây sức ép trong thời gian gần đây như gia tăng hoạt động làm giàu nguyên vật liệu hạt nhân và cấm các thanh sát viên quốc tế đến những địa điểm quan trọng vào cuối tháng 2/2021, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Điều này được thể hiện qua tuyên bố của Ngoại trưởng Zarif khẳng định, các bước đi nói trên của Iran có thể đảo ngược một cách dễ dàng./.