Tổng thống đắc cử Biden trước sức ép phải “chơi cờ nước đôi” với Nga
VOV.VN - Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải theo đuổi cách tiếp cận nước đôi, vừa cạnh tranh để đẩy lùi ảnh hưởng của Nga lại vừa phải hợp tác với Moscow trên một số lĩnh vực.
Biden không thể là Obama 2.0
Phải đến hôm qua (15/12), Tổng thống Nga Putin mới chính thức lên tiếng chúc mừng ông Biden đắc cử tổng thống Mỹ. Điện Kremlin cho biết, ông Putin chúc ông Biden có một nhiệm kỳ thành công, đồng thời nói rằng cá nhân ông “sẵn sàng tiếp xúc và hợp tác” với tổng thống đắc cử.
Thông điệp của ông Putin gửi tới ông Biden không cho thấy thái độ đối đầu và ngôn từ của người đứng đầu Điện Kremlin bày tỏ tin tưởng rằng Nga và Mỹ - những quốc gia chịu trách nhiệm đặc biệt cho việc đảm bảo an ninh và ổn định trên toàn cầu, có thể gạt bỏ bất đồng để hợp tác nhằm giải quyết nhiều vấn đề một cách hiệu quả cũng như vượt qua những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt.
Theo một số nhà phân tích, dù đưa ra những lời lẽ kêu gọi sự hợp tác nhưng Tổng thống Putin có lẽ không mấy hài lòng khi cách tiếp cận mềm dẻo của chính quyền Tổng thống Trump sắp kết thúc. Điều này có thể khiến quan hệ giữa Nga và Mỹ có thể trở nên căng thẳng hơn trong thời gian tới.
Khi lên nắm quyền, ông Biden sẽ phải đối mặt với một nhà lãnh đạo Nga cứng rắn, luôn thúc đẩy các lợi ích quốc gia và thách thức các lợi ích của Mỹ tại nhiều khu vực như Tây Âu, châu Phi, châu Mỹ Latin và Bắc Cực.
Bà Fiona Hill, cựu giám đốc cao cấp đặc trách châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia đánh giá: “Nga, từ một quốc gia hạt nhân bình thường giờ đã chuyển thành mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ”.
“Trước kia, Tổng thống Obama không quá chú trọng đến Nga vì ông cho rằng nước này chỉ là một cường quốc khu vực. Ông ấy không muốn nghĩ quá nhiều về Nga. Nhưng tình hình địa chính trị trên thế giới đã thay đổi. Ông Biden không thể hành động như phiên bản Obama 2.0. Họ sẽ phải nghĩ theo đường hướng khác biệt”, bà Fiona Hill nhấn mạnh.
Ông Biden chỉ gặp ông Putin duy nhất một lần trong chuyến thăm Moscow năm 2011, khi ông Putin vẫn là Thủ tướng. Trong hồi ký của mình, ông Biden cho biết, sau cuộc gặp chính thức kéo dài và có “sự tranh luận”, ông đã có cuộc gặp riêng với ông Putin.
“Ngài Thủ tướng, tôi đang nhìn vào mắt ông”, ông Biden nói kèm theo một nụ cười. “Tôi không nghĩ rằng ông có linh hồn”, ông Biden tiếp tục. Sau đó, ông Putin cũng đáp lại bằng một nụ cười và nói: “Chúng ta rất hiểu nhau”.
Khi hồi tưởng về chuyến thăm này, ông Michael A. McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga cho biết, ông Biden và ông Putin có quan điểm trái ngược nhau về cách tiếp cận của Nga đối với khu vực xung quanh, đặc biệt là trong quan hệ với các nước từng là thành viên của Liên Xô cũ như Gruzia và Ukraine.
Ông McFaul cho biết: “Sau cuộc gặp tại văn phòng thủ tướng, chúng tôi tiếp tục gặp phe đối lập của Nga. Tại cuộc gặp này, ông Biden nói rằng ông đã khuyên ông Putin không nên tranh cử nhiệm kỳ thứ 3”.
Biden chịu sức ép phải cứng rắn hơn với Nga
Nhiều cố vấn cấp cao của ông Biden vẫn chưa hài lòng với kết quả điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ vào năm 2016 và luôn cho rằng Moscow đã phá vỡ tiến trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền ông Obama sang bà Hillary Clinton. Đặc biệt, sau vụ lãnh đạo đối lập hàng đầu của Nga nghi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh, Tổng thống đắc cử Joe Biden tuyên bố sẽ buộc “chính quyền ông Putin phải chịu trách nhiệm về vụ việc này”. Mới đây nhất, các chuyên gia của Mỹ và nhiều tổ chức tư nhân cáo buộc cơ quan tình báo Nga đứng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn vào hệ thống máy tính của chính phủ Mỹ. Moscow hiện đã bác bỏ cáo buộc này.
Theo giới phân tích, khi lên nắm quyền, ông Biden nhiều khả năng sẽ phải chịu sức ép của cả đảng Dân chủ và Cộng hòa về theo đuổi lập trường cứng rắn với ông Putin. Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Jack Reed – thành viên cấp cao tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện cho rằng: “3 mục tiêu của ông Putin là duy trì quyền lực, củng cố vai trò của ông đối với nước Nga và đưa Nga trở thành một cường quốc hùng mạnh trên toàn cầu”.
Ông Jack Reed nhấn mạnh, chính quyền ông Trump đã theo đuổi lập trường hòa giải với Nga suốt 4 năm qua nhưng không thành công, đã đến lúc chính phủ mới của ông Biden cần phải hợp tác với các đồng minh quốc tế để kiềm chế tham vọng của ông Putin. Ông Jack Reed hy vọng, ông Biden sẽ có một chính sách thống nhất và rõ ràng hơn đối với Moscow
Cùng chung quan điểm này, cựu đại sứ McFaul nhận xét: “Ông Trump cố gắng theo đuổi chính sách hòa giải với Nga nhưng ông ấy đã thất bại. Tổng thống Trump thường than phiền rằng các lực lượng chống Nga ở Washington đã ngăn cản ông ấy hợp tác với ông Putin một cách hiệu quả vì lợi ích quốc gia. Vì thế, khi ông Biden lên nắm quyền, ông Putin chắc chắn nhận thức được rằng chính sách hòa giải của Mỹ đã đến lúc chấm dứt”.
Thúc đẩy cách tiếp cận nước đôi
Tuy vậy, một số chuyên gia lưu ý rằng, ông Biden vẫn phải theo đuổi cách tiếp cận hai chiều đối với Nga. Một mặt, chính phủ mới của Mỹ sẽ phải cố gắng kiểm soát tham vọng của Nga mặt khác phải hợp tác với Moscow để xử lý các vấn đề quốc tế.
Các quan chức trong chính quyền ông Biden nhiều khả năng sẽ liên hệ ngay lập tức với điện Kremlin để tìm cách gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), được ký kết từ thời chính quyền Obama. Hiệp ước này sẽ hết hiệu lực vào ngày 5/2/2021 nhưng có điều khoản gia hạn thêm 5 năm nếu hai bên đồng ý. Quá trình làm việc sẽ không yêu cầu phải có các cuộc tiếp xúc cấp cao và hai bên có thể trao đổi thông qua cuộc gặp giữa các đặc phái viên. Ông Biden và ông Putin đều bày tỏ mong muốn gia hạn hiệp ước. Trước đó, chính quyền của ông Trump đã từ chối gia nhạn hiệp ước trừ khi có sự tham gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã phản đối đề xuất nêu trên.
Angela E. Stent, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Á-Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown nhận định: “Tôi không nghĩ chính quyền ông Biden muốn tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém khi họ có quá nhiều ưu tiên khác. Một khi việc gia hạn thành công, tôi đoán họ sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán về những thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới. Điều đó có thể tạo ra sự tiếp xúc ổn định với chính phủ Nga”.
Nga cũng là một thành viên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, mà chính quyền ông Biden muốn tái gia nhập sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này. Điều đó đòi hỏi chính phủ mới của Mỹ phải có nhiều cuộc đàm phán với với Iran và Nga.
Chính quyền Tổng thống Obama từng hợp tác với Nga trong nhiều vấn đề, chẳng hạn như thúc đẩy lệnh ngừng bắn ngắn hạn ở Syria và tìm kiếm lộ trình chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine.
Nhưng trong thời gian qua, các vấn đề nổi bật khác như cuộc khủng hoảng khí hậu hay dịch bệnh Covid-19 đòi hỏi Moscow và Washington phải thay đổi cách thức hợp tác. Để thực hiện điều đó, ông Biden đã chỉ định ông John Kerry làm đặc phái viên về biến đổi khí hậu. Ông John Kerry từng có thời gian dài làm việc với các quan chức của Điện Kremlin về tình hình Iran, Syria, Ukraine và các vấn đề khác. Một số nhà phân tích cho rằng hai bên cũng có thể hợp tác trong chương trình điều chế vaccine toàn cầu để kiểm soát dịch bệnh Covid-19./.