Tổng thống Mỹ D.Trump và tầm nhìn “Ấn Độ-Thái Bình Dương”
VOV.VN - Hiện có nhiều suy đoán về việc Mỹ muốn làm sống dậy quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H. R. McMaster tuần trước đã nhắc đi nhắc lại thuật ngữ “Ấn Độ-Thái Bình Dương” khi nói về chuyến công du châu Á của ông Trump. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã sử dụng thuật ngữ này khoảng 15 lần trong một bài phát biểu về việc các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Australia nên hợp tác như thế nào để ngăn chặn cái mà ông gọi là thách thức của Trung Quốc đối với “trật tự quốc tế dựa trên các quy định”.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam, 2017. (Ảnh: AP) |
Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William F. Hagerty đã hứa hẹn rằng cuối chuyến công du châu Á lần này, Tổng thống Donald Trump sẽ lý giải rõ ràng bức tranh địa chính trị “Ấn Độ-Thái Bình Dương” là gì, cũng như việc vì sao ông cùng các quan chức cấp cao Nhà Trắng mới đây đưa ra khái niệm này. Vậy rút cuộc gốc rễ của thuật ngữ này từ đâu?
Ý tưởng không mới nhưng đã chín muồi
Tháng 8/2007, phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra tầm nhìn táo bạo về một khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hay nói cách khác là một “châu Á rộng hơn”, bao gồm cả Mỹ và Australia. Mạng lưới này được kỳ vọng sẽ “cởi mở và minh bạch, cho phép người dân, vốn, hàng hóa và tri thức lưu thông tự do trong một khuôn khổ tự do và thịnh vượng cùng với vành đai bên ngoài lục địa Á-Âu”.
Tuy nhiên, một tháng sau, ông Abe phải rời khỏi nhiệm sở. Mặc dù vậy, ý tưởng về một Ấn Độ - Thái Bình Dương dường như đã bắt rễ ở khu vực này.
Trở lại nắm quyền tháng 12/2012, ông Abe ngay lập tức thúc đẩy phát triển “Tứ giác an ninh dân chủ châu Á” bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ và Australia và các nhà chiến lược Mỹ - Nhật gọi đó là nền tảng cho một khu vực Ấn Đô –Thái Bình Dương an toàn và thịnh vượng.
Thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” thực tế cũng đã được nhắc đến ngày càng nhiều trong giới ngoại giao và học thuật ở khu vực này từ đầu những năm 2010. Quan chức hải quân Ấn Độ Gurpreet Khurana là một trong những người đi tiên phong nhắc tới thuật ngữ này khi đề cập hợp tác an ninh biển giữa Ấn Độ và Nhật Bản.
Năm 2013, sách trắng quốc phòng của Australia cũng nhất trí rằng, “một khuôn khổ chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mới đang hình thành, liên kết Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương thông qua Đông Nam Á”.
Còn về phía Mỹ, dù chưa Tổng thống nào trước ông Donald Trump dùng tới thuật ngữ đó thì bà Hillary Clinton cũng đã ít nhiều pha trộn ý tưởng này khi còn là Ngoại trưởng Mỹ. “Chúng tôi [Mỹ - ND] hiểu tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đối với thương mại toàn cầu”, bà khẳng định trong một bài phát biểu năm 2010.
Về mặt lý thuyết, việc đổi thuật ngữ được cho là vì cụm từ “Châu Á – Thái Bình Dương” không còn đúng nữa khi tư duy tách biệt Nam Á và Đông Á.
Nếu như “Châu Á – Thái Bình Dương” ngày càng bị cho là chỉ tập trung vào các khu vực quanh Triều Tiên hay phía Nam của Trung Quốc, thì cụm từ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” bao gồm các nước ven biển Ấn Độ Dương, Đông Nam Á, Australia và New Zealand và lấy 2 đại dương làm trung tâm. Thăm châu Á, ông Trump cần mang theo hành trang chiến lược ra sao?
Trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đang mở rộng sang tận châu Phi, còn Ấn Độ cũng đưa ra chính sách hướng đông của riêng mình và các nền kinh tế Đông Nam Á thì tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, khái niệm mà chính quyền Tổng thống Donald Trump mới dùng đã bao trùm được cả 2 đại dương quan trọng trong một hệ thống chiến lược đơn nhất – Giáo sư trường đại học quốc gia Australia Rory Medcalf phân tích trên The American Interest.
“Ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ lọt thỏm trong một bối cảnh khu vực rộng lớn hơn”, Rory Medcalf phân tích về thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” từ năm 2013. “Tôi không nghĩ rằng đó là mưu kế của Mỹ và các nước khác mà chỉ phản ánh thực tế”.
Cố vấn về châu Á cho cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden Ely Ratner cũng chỉ ra rằng thuật ngữ này “nâng cao vai trò của Ấn Độ và đưa những nước có ý tưởng tương đồng xích lại gần nhau”.
Nâng tầm Ấn Độ
Trong thuật ngữ mới, “Ấn Độ” được cho là chủ yếu nói về khu vực Ấn Độ Dương. Nhưng thực tế vai trò của chính quyền ở New Delhi trong mắt Washington cũng sẽ được nâng lên đáng kể.
“Chúng ta nói về Ấn Độ - Thái Bình Dương bởi vì cụm từ này nêu hết được tầm quan trọng của việc Ấn Độ vươn lên trong khu vực”, một quan chức giấu tên của Nhà Trắng chia sẻ với truyền thông Ấn Độ mới đây. Theo quan chức này, Ấn Độ sẽ được coi là một cường quốc khu vực chứ không chỉ là một đất nước rộng lớn nhưng lẻ loi.
Tất nhiên, việc dùng thuật ngữ “Ấn Độ - Thái Bình Dương” cũng khiến Trung Quốc phần nào bớt quan trọng đi so với cụm từ “Châu Á – Thái Bình Dương” mà ở đó Trung Quốc rõ ràng được cho là đóng vai trò quan trọng nhất. Ấn Độ-Thái Bình Dương định hình chiến lược khu vực của ông Trump?
Truyền thông và các học giả Trung Quốc lập tức mổ xẻ thuật ngữ này, trong đó nhà báo quốc tế kỳ cựu Chen Yinuo có nói rằng, “cốt lõi của khái niệm này đơn giản là nhằm làm yếu đi ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương và hạn chế năng lực của Trung Quốc trên biển”.
Mềm dẻo hơn với Trung Quốc
Mặc dù vậy, việc sử dụng thuật ngữ mới “Ấn Độ-Thái Bình Dương” thay vì chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama được cho là cách diễn đạt mềm dẻo hơn nhằm tránh tạo cảm giác đối đầu trực diện với Trung Quốc.
Chiến lược này dựa trên việc làm sống lại cái gọi là liên minh chiến lược 4 bên Mỹ - Nhật - Ấn – Australia nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Bốn nước chưa chính thức lập thành nhóm trong suốt một thập kỷ qua nhưng quan chức Mỹ và Nhật Bản đều “đánh tiếng” cho bước đi đó.
“Khi Thủ tướng [Nhật Bản – ND] và Tổng thống Trump nói về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, đôi bên đề cập hàng loạt nước trong khu vực và không xem họ là một phần của cấu trúc bộ tứ”, Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản William F. Hagerty chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với báo giới sau chuyến thăm Tokyo của ông Trump.
Ông Hagerty cho biết, chuyến thăm châu Á của Tổng thống Trump lần này là để lắng nghe và trao đổi về khái niệm mới. Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản cho rằng tầm nhìn chiến lược của ông Trump sẽ tự sáng tỏ dần sau Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn còn cái nhìn khá hồ nghi về bộ tứ này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cảnh báo rằng liên minh Mỹ - Nhật - Ấn – Australia không nên nhằm vào “một bên thứ ba”./. Donald Trump – Tập Cận Bình: cuộc gặp của tư tưởng “vĩ đại trở lại”