Tổng thống Obama công du châu Á: Kỳ vọng đột phá với Trung Quốc?
VOV.VN - Chuyến thăm châu Á lần cuối cùng trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông Obama được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mới trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Theo Yahoo News, mối quan hệ Mỹ-Trung chưa bao giờ được coi là đơn giản và chuyến thăm châu Á lần thứ 11 của ông Obaam được cho là nỗ lực cuối cùng để Tổng thống Mỹ định hình mối quan hệ song phương mà chính ông Obama thừa nhận là quan trọng nhưng phức tạp nhất trên thế giới.
Cái bắt tay mang nặng tính biểu tượng giữa Tổng thống Obaama (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters
Một chặng đường đầy sóng gió
Những gì Tổng thống Obama đạt được từ trước đến nay tại châu Á vẫn là một dấu hỏi lớn. Các trợ lý của ông khẳng định rằng, Tổng thống Mỹ đã đạt được nhiều bước tiến trong việc tăng cường sức mạnh của Mỹ nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy cả về quân sự và kinh tế.
Bản thân các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng lên tiếng ủng hộ một số phương thức tiếp cận của ông Obama trong các vấn đề tại châu Á. Thủ lĩnh phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã ca ngợi sự cởi mở “chưa từng có trong lịch sử” của ông Obama đối với Myanmar. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ John McCain lại hoan nghênh việc chính quyền Mỹ muốn xích lại gần hơn nữa với Việt Nam.
Dù vậy, Tổng thống Obama cũng vấp phải rất nhiều rào cản tại châu Á. Kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên ngày một lớn dần và nước này cũng đã đạt được những bước tiến nhất định trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của mình. Bản thân giới chức Mỹ cũng từng than phiền về việc hacker Trung Quốc liên tục tấn công và lấy cắp các dữ liệu của Chính phủ Mỹ trong năm 2014.
Dù đã có những tiến bộ trong việc cải thiện mối quan hệ Trung-Mỹ thông qua việc hợp tác chống biến đổi khí hậu và kìm chế dịch Ebola bùng phát tại Tây Phi năm 2014 nhưng cũng giống như 2 người tiền nhiệm của Mỹ, Tổng thống Obama chỉ đạt được những kết quả “hết sức mâu thuẫn” trong việc thuyết phục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông Evan Medeiros, cựu quan chức hàng đầu phụ trách khu vực châu Á trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama, nhận định: “Quan điểm của ông Obama trong vấn đề này là Trung Quốc bằng nhiều cách khác nhau đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh và lợi ích kinh tế của Mỹ trong khu vực. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ cũng thừa nhận rằng, Mỹ cần hợp tác với Trung Quốc để giải quyết các thách thức trong khu vực và trên thế giới. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Mỹ sẽ cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc như thế nào để đảm bảo lợi ích của mình”.
“Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ là cơ hội cuối cùng để Tổng thống Obama có thể dành vài giờ trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm xem xét lại mối quan hệ Mỹ-Trung hiện nay cũng như tìm cách giải quyết những bất đồng được coi là cố hữu giữa hai bên”, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Ben Rhodes chia sẻ trong cuộc họp báo ngày 5/9.
Những điểm sáng trong di sản đối ngoại của Tổng thống Mỹ Obama
Biển Đông và Triều Tiên: 2 vấn đề nhức nhối
Tổng thống Obama được kỳ vọng sẽ chỉ trích quan điểm hiếu chiến của Trung Quốc liên quan đến chủ quyền [phi pháp-ND] của nước này ở Biển Đông.
Trước đó, hồi tháng 7, Tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) đã công bố phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông trong đó bác cái gọi là “chủ quyền lịch sử và pháp lý” của Trung Quốc đối với yêu sách “đường 9 đoạn” bao trùm hầu khắp Biển Đông.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố: “Câu hỏi hiện nay là, Trung Quốc sẽ công nhận và tuân thủ luật pháp ở mức độ nào. Mỹ luôn hoan nghênh sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Earnest cũng khẳng định rằng, những hành động hiếu chiến gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước láng giềng “đứng ngồi không yên” và bày tỏ nghi ngại liệu Trung Quốc có thực sự “trỗi dậy hòa bình?”.
Ngoài ra, Tổng thống Obama được cho là sẽ gây sức ép với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ông Tập Cận Bình can thiệp vào chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên nhất là trong bối cảnh Triều Tiên đang rầm rộ thử tên lửa đạn đạo hiện nay.
“Washington đã thực sự thất vọng về vấn đề Triều Tiên và có lẽ Tổng thống Obama sẽ phải nói với người tiền nhiệm rằng, rất tiếc là trong thời gian tôi tại vị, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên vẫn phát triển mãnh mẽ và trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Mỹ”, ông Medeiros nhận định.
Cũng theo ông Medeiros, Tổng thống Obama không phải là người bị ảo tưởng về “những yếu tố tích cực hay tiêu cực mà Trung Quốc có thể tác động đến Mỹ liên quan đến vấn đề Biển Đông hay Triều Tiên”.
Tuy nhiên, ông Medeiros khẳng định, so với năm 2009, khi Tổng thống Obama còn lạc quan về tầm ảnh hưởng to lớn của Mỹ tại châu Á thì hiện ông Obama đã “nhận thức rõ hơn rất nhiều về các mối đe dọa về an ninh và chiến lược mà Trung Quốc có thể gây ra cho Mỹ”.
Tổng thống Mỹ Obama sẽ làm gì sau khi rời Nhà Trắng?
Ông Jeff Bader, một cựu quan chức hàng đầu khác trong Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Obama cảnh báo, Tổng thống kế nhiệm ông Obama sẽ phải hiểu rằng, Trung Quốc “không phải là đối thủ chiến lược của Mỹ và nếu Mỹ hành xử thiếu thận trọng rất có thể Trung Quốc sẽ bộc lộ rõ chủ nghĩa dân tộc một cách tiêu cực”.
Theo ông Bader, dù ai là Tổng thống Mỹ kế nhiệm thì thách thức trong việc hành xử với Trung Quốc vẫn là phải cân đối trong việc sử dụng “cây gậy và củ cà rốt”. Điều đó có nghĩa là, Mỹ phải tìm cách vừa cạnh tranh nhưng cũng vừa hợp tác với Trung Quốc./.