Tổng thống Obama: Người Mỹ hãy luôn sẵn sàng cho những đổi thay
VOV.VN- Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi người dân Mỹ không nên lo sợ về tương lai mà phải sẵn sàng cho những đổi thay.
Theo AFP, trong bản Thông điệp Liên bang cuối cùng của mình, ông Obama đã chỉ trích Đảng Cộng hòa vì đã “thổi phồng” mối đe dọa do IS gây ra cũng như “kéo lùi” sự phát triển của kinh tế Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh AFP |
Lạc quan về tương lai
Với bản Thông điệp Liên bang đầy những lời lẽ tự trấn an và lạc quan này, ông Obama đã tự mô tả mình là “tâm điểm chỉ trích” của những kẻ thuộc Đảng Cộng hòa- những người từng tuyên bố nước Mỹ “đang lạc lối sau 7 năm nắm quyền của ông Obama”.
Tổng thống Mỹ khẳng định, kỷ nguyên sắp tới sẽ chứng kiến “những đổi thay đáng kinh ngạc” với những cơ hội và nguy cơ đan xen lẫn nhau. Ông Obama kêu gọi những nỗ lực nhằm chống lại căn bệnh ung thư, từ bỏ dần việc sử dụng năng lượng “bẩn” và kết thúc những “dấu tích cuối cùng” của thời Chiến tranh Lạnh bằng việc chấm dứt lệnh cấm vận đối với Cuba.
Ông Obama khẳng định: “Mỹ đã nhiều lần trải qua những thách thức trước đây” và ngầm “chĩa mũi dùi” vào các ông Donald Trump, Ted Cruz và những ứng viên Tổng thống hàng đầu khác của Đảng Cộng hòa.
“Đã rất nhiều lần, có những người bảo với chúng ta rằng chúng ta cần phải lo sợ về tương lai của nước Mỹ và cho rằng, chúng ta cần “nhấn hết phanh” để ngừng mọi sự thay đổi. Họ hứa hẹn đưa nước Mỹ quay trở lại quá khứ huy hoàng nếu làm theo ý họ. Mỗi lần như vậy, nước Mỹ đều vượt qua được những nỗi sợ hãi mà họ “vẽ” ra”, ông Obama tuyên bố.
Tổng thống Mỹ bày tỏ lạc quan về tương lai của nước Mỹ trong Thông điệp Liên bang. Ảnh AFP |
Trong thời điểm chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là diễn ra cuộc bầu cử tại Iowa, cuộc bầu cử đầu tiên trong cuộc chạy đua chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Obama đã lên tiếng bác bỏ những cáo buộc của Đảng Cộng hòa về nền kinh tế Mỹ dưới sự điều hành của ông và nhấn mạnh: “Bất kỳ kẻ nào nói rằng nền kinh tế Mỹ đang suy thoái đều đang tưởng tượng ra điều đó”.
Cứng rắn với IS
Tuy nhiên, những lời lẽ cứng rắn nhất trong bản Thông điệp Liên bang cuối cùng được ông Obama dành cho tổ chức khủng bố IS.
Trong khi thừa nhận, IS đang “gây ra những mối đe dọa khủng khiếp trên toàn cầu”, ông Obama khẳng định: “Chúng chưa thể đe dọa sự tồn vong của nước Mỹ”.
Mặc dù vậy, ông Obama tuyên bố: “Câu trả lời của nước Mỹ đối với chúng cần phải mạnh mẽ hơn là những lời lẽ cứng rắn hay những lời kêu gọi dội bom lên đầu chúng. Những lời lẽ này chỉ hợp khi tuyên bố trên truyền hình chứ không giúp gì cho việc duy trì an ninh trên toàn cầu”.
Ông Obama cũng cho biết: “Trong vòng hơn 1 năm qua, Mỹ đã lãnh đạo liên quân gồm 60 quốc gia tham gia cuộc chiến chống IS bằng cách cắt đứt nguồn tài chính, dập tắt mọi âm mưu, ngăn chặn các tay súng gia nhập và đập tan những “tư tưởng nguy hiểm” của chúng.
Với hơn 10.000 cuộc không kích, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiêu diệt nhiều thủ lĩnh, phá hủy các nhà máy lọc dầu, trại huấn luyện và các loại vũ khí của chúng.
Mỹ cũng đã tham gia vào việc huấn luyện, trang bị vũ khí và hỗ trợ các lực lượng tham gia chiến đấu chống IS giúp họ dần dần chiếm lại được những vùng đất bị chúng chiếm ở Iraq và Syria.
Ông Obama cảnh báo, IS sẽ phải rút ra bài học từ những nhóm khủng bố trước đó, đó là, nếu chúng nghi ngờ cam kết của Mỹ, hoặc của chính ông, rằng công lý phải được thực thi, chúng hãy hỏi Osama bin Laden, hỏi thủ lĩnh al- Qaeda ở Yemen- những người bị Mỹ tiêu diệt hồi năm 2014- hay kẻ đứng đằng sau vụ tấn công Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya- kẻ hiện đang ngồi trong nhà tù của Mỹ.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Nếu chúng theo đuổi người dân Mỹ thì nước Mỹ sẽ theo đuổi chúng. Việc này có thể mất thời gian nhưng nước Mỹ “nhớ rất lâu” và có tầm ảnh hưởng không giới hạn trên toàn cầu”.
Ông Obama: Hợp tác với ông Assad chống IS càng khiến Mỹ dễ bị khủng bố
Những chỉ trích của Đảng Cộng hòa
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng, Thông điệp Liên bang của ông Obama không mấy ấn tượng và “cực kỳ nhàm chán, lề mề và rất khó theo dõi”.
Theo họ, bản Thông điệp Liên bang lần này chỉ thuần túy liệt kê những ưu tiên về chính sách mà ông Obama kỳ vọng sẽ khiến người dân Mỹ tin tưởng hơn vào triển vọng trong năm 2016 và những năm sau đó.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa chỉ trích ông Obama đã cố tình “né tránh” những vấn đề được cho là gai góc và chỉ thừa nhận những sai lầm được cho là “hiển nhiên”.
Theo đó, ông Obama không hề đề cập đến những căng thẳng gây ra bởi tình trạng phân biệt chủng tộc vốn là “nỗi ám ảnh” trong suốt thời gian nắm quyền của vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ.
Ngoài ra, ông Obama cũng “khéo léo” để một chiếc ghế trống trong tòa nhà Quốc hội Mỹ để “ngầm ám chỉ” vấn đề kiểm soát súng và bạo lực súng đạn đang tràn lan tại nước Mỹ.
Chiếc ghế trống bên cạnh chỗ ngồi của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama để thể hiện sự bất lực của Tổng thống Mỹ trong việc giải quyết tình hình bạo lực súng đạn do không thể thuyết phục hai Đảng trong Quốc hội Mỹ thông qua luật kiểm soát súng. Ảnh AFP |
Cũng nhân dịp này, ông Obama trực tiếp chỉ trích sự chia rẽ giữa hai Đảng trong Quốc hội Mỹ khiến vấn đề này không thể giải quyết triệt để.
“Đó là một trong những điều đáng tiếc hiếm hoi trong 2 nhiệm kỳ của tôi. Sự chia rẽ giữa 2 Đảng đã trở nên tồi tệ hơn thay vì phải được cải thiện”, ông Obama bày tỏ.
“Rõ ràng những Tổng thống thiên tài như Abraham Lincoln hay Franklin Roosevelt có thể dễ dàng làm cầu nối hàn gắn sự chia rẽ này. Dù vậy tôi đảm bảo rằng tôi sẽ làm hết sức mình để giảm thiểu sự chia rẽ đó chừng nào tôi vẫn còn là Tổng thống”.
Trong khi đó, Thống đốc bang South Carolina Nikki Haley bình luận về Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama rằng: “Những lời lẽ hoa mỹ của ông Obama thường vượt xa những gì ông ấy có thể làm được.
Trong khi ông ấy bước vào năm cuối nhiệm kỳ của mình, nhiều người Mỹ nhận thấy nền kinh tế Mỹ đã quá yếu kém và việc tăng thu nhập là điều không thể xảy ra.
Bà Haley cũng cho rằng “tình hình bất ổn và hỗn loạn đang lan tràn trên nhiêu thành phố của Mỹ” và “Mỹ đang phải hứng chịu những mối đe dọa khủng bố nguy hiểm nhất từ sau vụ khủng bố 11/9”.