Tổng thống Pháp Francois Hollande: “Hy Lạp không cô đơn”
VOV.VN - Từ 22-23/10, Tổng thống Pháp thực hiện chuyến thăm Hy Lạp, đây là chuyến thăm đầu tiên của 1 nguyên thủ EU sau khi Hy Lạp thành lập chính phủ mới.
Tổng thống Pháp mang đến thông điệp ủng hộ
Trả lời phóng viên nhật báo Kathimerini của Hy Lạp, ông Francois Hollande nói: "Tôi đến Athens để thể hiện sự ủng hộ của chính phủ Pháp đối với Hy Lạp và mang thông điệp kêu gọi đầu tư vào Hy Lạp tới các công ty Pháp”.
Tổng thống Pháp Francois Hollande mang theo thông điệp ủng hộ khi đến Hy Lạp. (ảnh: AP). |
Tại Hy Lạp, Tổng thống Pháp Francois Hollande được tiếp đón trọng thị bởi chính phủ của đảng Syriza bởi trong suốt giai đoạn khủng hoảng, đặc biệt là hồi tháng 7/2015, ông nằm trong số ít những lãnh đạo châu Âu có quan điểm ủng hộ việc đối thoại với Hy Lạp để tìm ra giải pháp thay vì áp dụng các biện pháp cứng rắn theo đường lối của Đức và các định chế tài chính, điều rất dễ dẫn đến nguy cơ Grexit, tức Hy Lạp bị loại khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu – eurozone, và sâu xa hơn có thể là phải rời khỏi EU.
Tại Hy Lạp, ông Hollande được phong tặng danh hiệu tiến sỹ danh dự của trường Đại học Athens cũng như được mời phát biểu trước Quốc hội Hy Lạp.
Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có các cuộc gặp gỡ, hội đàm với người đồng nhiệm Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos và Thủ tướng Alexis Tsipras. Nội dung chính của các cuộc trao đổi xoay quanh báo cáo đánh giá nền kinh tế Hy Lạp do các chuyên gia EU và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) soạn thảo; vấn đề tái cấp vốn cho các ngân hàng Hy Lạp (đã mất hàng tỷ Euro tiền gửi vào đầu năm nay trong bối cảnh bất ổn); vấn đề xử lý nợ và đầu tư cũng như các trợ giúp cho Hy Lạp trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn.
“Đối tác chiến lược”
Ngoài ra, hai bên cũng đã ký thỏa thuận "Đối tác chiến lược”, theo đó Paris cam kết trợ giúp Athens trong việc cải cách hệ thống y tế, cải tổ bộ máy hành chính theo mô hình phi tập trung cũng như hỗ trợ việc quản trị các quỹ cải cách cơ chế. Trong chuyến viếng thăm, Tổng thống Pháp khẳng định "nguy cơ trục xuất đã qua" và "Hy Lạp không cô đơn" trong tiến trình cải cách đớn đau đổi lấy những khoản tài trợ của quốc tế.
Chuyến thăm nhiều ý nghĩa
Chuyến thăm Hy Lạp của Tổng thống Pháp Francois Hollande lần này mang nhiều ý nghĩa. Trước hết, chuyến thăm nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp với chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras, được thành lập sau khi đảng Syriza của ông giành thắng lợi vang dội tại cuộc bầu của Quốc hội trước thời hạn hồi tháng 9. Là trụ cột của EU, Pháp không muốn thấy Hy Lạp từ bỏ Eurozone và đã làm hết sức mình để ngăn cản nguy cơ "Grexit".
Thứ hai, Hy Lạp là một thành viên lâu năm và gắn bó của EU, có vị trí địa-chiến lược quan trọng ở trung tâm bờ bắc Địa Trung Hải, ngã tư giao thoa giữa châu Âu, Trung Đông và Bắc Phi. Thiếu Hy Lạp, EU sẽ mất đi một mắt xích quan trọng, nền tảng chính trị, an ninh và kinh tế của Liên minh sẽ bị lung lay.
Ngoài ra, một trong những hệ lụy của cuộc khủng hoảng là xuất hiện những nguy cơ địa chính trị liên quan đến Hy Lạp, khi nước này có khả năng bị kéo vào vùng ảnh hưởng của một số quyền lực ngoài châu Âu. Hồi đầu năm nay, Nga đã có ý muốn thu hút Hy Lạp với các lời mời chào hấp dẫn từ BRICS cũng như việc triển khai dự án đường dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp để tới châu Âu thay cho dự án "Dòng chảy phương nam". Chưa kể, Hy Hạp cũng đang trong tầm ngắm của Trung Quốc nhằm xây dựng các cơ sở cho dự án "con đường tơ lụa trên biển" nối châu Á với châu Âu, mà điển hình mới đây là việc Trung Quốc mua đứt cảng Piraeus của Hy Lạp.
Lợi ích kinh tế và cuộc khủng hoảng nhập cư
Riêng với Pháp, Hy Lạp là một đối tác kinh tế quan trọng, Pháp đứng hàng thứ 4 về đầu tư của các nước vào Hy Lạp, thu hút hàng trăm doanh nghiệp.
Chuyến thăm còn thể hiện sự quan tâm và chia sẻ của nước Pháp nói riêng và các nước châu Âu nói chung đối với chính phủ Hy Lạp trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn. Do vị trí địa lý, Hy Lạp hiện là một trong những đầu cầu tiếp nhận nhiều nhất người tỵ nạn từ Syria và Bắc Phi với con số năm nay đã lên tới 500 ngàn người.
Vì lí do đó, châu Âu đang ưu tiên cao độ cho việc sớm thiết lập tại các nước như Hy Lạp hay Italy những “hot spots” – “điểm nóng” để có thể sớm phân loại những người tị nạn trước khi phân bổ về các nước thành viên EU hay trả những người này trở lại quốc gia xuất phát./.