Tổng thư ký ASEAN chia sẻ về Hội nghị cấp cao ASEAN 43 và những kỳ vọng
VOV.VN - Với sự ủng hộ của các nước thành viên và vai trò của Indonesia - nước chủ tịch ASEAN 2023, Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan được kỳ vọng sẽ đạt được nhiều kết quả.
PV: Xin Tổng thư ký cho biết những chương trình nghị sự chính tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan?
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: Hội nghị cấp cao lần thứ 43 và các hội nghị liên quan là cơ hội để các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như ASEAN với các đối tác trao đổi quan điểm về những vấn đề cùng quan tâm, cùng có lợi ích. Đây cũng là cơ hội để các nước thúc đẩy chương trình nghị sự xây dựng cộng đồng ASEAN, xem xét lại những kết quả đạt được trên cả 3 trụ cột của ASEAN và đề xuất các văn kiện để các nhà lãnh đạo thông qua.
Về trụ cột kinh tế, Hội nghị thảo luận các biện pháp thúc đẩy đầu tư thương mại không chỉ trong nội khối mà còn với các đối tác như việc nâng cấp FTA hay thực hiện Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP. Chương trình nghị sự kinh tế rất quan trọng vì sẽ đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng cho người dân ASEAN.
Về trụ cột an ninh chính trị, các nước sẽ thảo luận biện pháp để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Trước hội nghị cấp cao sẽ có cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao và Hội đồng an ninh chính trị ASEAN. Các nước cũng thảo luận các vấn đề quan tâm hiện nay như Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), thúc đẩy khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, hợp tác hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người… Vẫn còn một con đường dài để giải quyết tất cả các vấn đề này nhưng lãnh đạo các nước sẽ thảo luận các biện pháp để hướng tới giải pháp.
Trên trụ cột văn hóa xã hội, hội nghị xem xét rất nhiều vấn đề như thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ, biến đổi khí hậu, quản lý kiểm soát thiên tai, thúc đẩy sự bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa các nước trong khu vực... Rất nhiều vấn đề sẽ được thảo luận trên cả 3 trụ cột của ASEAN.
PV: Một trong những kết quả quan trọng tại hội nghị cấp cao lần này là lãnh đạo các nước dự kiến thông qua Tầm nhìn ASEAN đến năm 2045, xin Tổng thư ký cho biết rõ hơn về văn kiện này?
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045 là một tầm nhìn rất táo bạo của ASEAN. ASEAN đã xem xét tầm nhìn trong 5 năm, 10 năm, nhưng đây là tầm nhìn 20 năm sau năm 2025 cho đến năm 2045. Đây là lần đầu tiên ASEAN có một tầm nhìn mang tính chiến lược dài hạn đến như vậy.
Điều đó thể hiện ASEAN là một tổ chức khu vực chiến lược và chủ động, luôn có định hướng tầm nhìn rõ ràng. Sẽ có câu hỏi về tính hiệu quả khi có một tầm nhìn dài hạn như vậy nhưng chúng ta vẫn sẽ có các cuộc đánh giá giữa kỳ. Điều quan trọng nhất là các nhà lãnh đạo đã thông qua lực lượng đặc nhiệm về xây dựng cộng đồng và tầm nhìn ASEAN để nhìn nhận lại tiến trình của ASEAN. Qua đó sẽ xác định những thành tựu cũng như đánh giá các thách thức, xu hướng lớn trong khu vực; điểm mạnh, điểm yếu… Tầm nhìn này sẽ tiếp tục thể hiện một hình ảnh về ASEAN - một tổ chức khu vực có tầm nhìn dài hạn.
PV: Trong bối cảnh khu vực có nhiều thách thức như hiện nay, chủ đề “ASEAN tầm vóc - tâm điểm của tăng trưởng” của nước chủ nhà Indonesia có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: Mặc dù tốc độ tăng trưởng khu vực ASEAN vẫn khá cao nhưng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn như hiện nay, điều ASEAN cần làm là đảm bảo khu vực này vẫn cởi mở và năng động, tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, trở thành trung tâm kinh tế khu vực quan trọng nhất. Đó là lý do tại sao Indonesia lấy chủ đề của năm nay “ASEAN tầm vóc, tâm điểm của tăng trưởng”. Do đó, chương trình nghị sự về kinh tế rất quan trọng.
Các nước cũng xem xét tiến tới đàm phán về nền kinh tế kỹ thuật số với nhiều lợi ích, giải quyết các vấn đề an ninh lương thực và năng lượng, hợp tác về vấn đề biến đổi khí hậu… Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh những thách thức địa chính trị. Hiện cũng có những tác động lâu dài như xung đột ở Ukraine, tình hình trong nội khối là Myanmar, điều đó sẽ diễn ra như thế nào và tác động đến khu vực ra sao… đó là những vấn đề mà ASEAN cần phải thúc đẩy và giải quyết. Có thể nói với vai trò chủ tịch ASEAN 2023 của Indonesia và sự ủng hộ của các nước thành viên, có nhiều kết quả và văn kiện được thực hiện trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Tôi nghĩ rằng tương lai của khu vực hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác chặt chẽ của các nước thành viên ASEAN.
PV: Xin ông đánh giá những đóng góp của Việt Nam trong khối cũng như vai trò và vị thế của Việt Nam hiện nay trong ASEAN?
Tổng thư ký ASEAN Kao Kim Hourn: Việt Nam không chỉ tham gia mà còn đóng góp tích cực cho ASEAN theo nhiều cách khác nhau đặc biệt thông qua các nỗ lực xây dựng trụ cột cộng đồng ASEAN cũng như mối quan hệ với các đối tác bên ngoài. Việt Nam tham gia tất cả các cơ chế của ASEAN và đóng vai trò quan trọng trong việc cùng các quốc gia thành viên khác tuân thủ và đảm bảo Hiến chương ASEAN hoạt động hiệu quả. Đối với hòa bình và an ninh khu vực, chúng tôi cũng cần sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên và Việt Nam luôn là quốc gia thực hiện rất tốt điều này.
Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam có dân số đông và nền kinh tế phát triển nhanh. Việt Nam cũng có nhiều thỏa thuận kinh tế song phương với nhiều nước trên thế giới, đóng góp đáng kể vào bức tranh kinh tế chung của ASEAN.
Việt Nam cũng có những dấu ấn của mình trong ASEAN, với 3 lần giữ vai trò Chủ tịch ASEAN đạt được những kết quả đáng khích lệ. Việt Nam giữ vị trí vai trò điều phối với một số nước đối tác và đều thực hiện hiệu quả. Việt Nam cũng là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Với tư cách là một thành viên ASEAN, Việt Nam luôn thúc đẩy tiếng nói, gia tăng lợi ích cho các quốc gia ASEAN. Một lần nữa tôi xin nhấn mạnh đóng góp của Việt Nam rất quan trọng trong ASEAN.
PV: Xin cảm ơn ông.