Tổng tuyển cử Thái Lan: Đối lập chiếm ưu thế, kết cục vẫn chưa ngã ngũ
VOV.VN - Tâm điểm của cuộc bầu cử Thái Lan lần này vẫn là những ưu tiên cải cách kinh tế để xây dựng “con đường tương lai mới cho Thái Lan” trong 4 năm tới.
Hơn 52 triệu cử tri Thái Lan hôm qua (14/5) đã đi bỏ phiếu nhằm bầu ra Quốc hội mới của Thái Lan. với sự tham gia của khoảng 67 chính đảng.
Tâm điểm của cuộc bầu cử lần này vẫn là những ưu tiên cải cách kinh tế để xây dựng “con đường tương lai mới cho Thái Lan” trong 5 năm tới. Chính vì vậy, thách thức trong nhiệm kỳ tới đối với chính phủ mới- là vực dậy nền kinh tế Thái Lan sau những tác động của đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, theo Hiến pháp Thái Lan, sau cuộc tổng tuyển cử hôm nay, 750 nghị sĩ tại Hạ viện và Thượng viện Thái Lan sẽ tiếp tục bầu ra thủ tướng mới. Và tân thủ tướng Thái Lan phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất 376 đại biểu của hai viện Quốc hội. Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha vẫn tiếp tục điều hành đất nước với tư cách chính phủ lâm thời cho đến khi Chính phủ mới chính thức ra mắt.
Nét đáng chú ý trong kết quả sơ bộ bầu cử
Đến thời điểm 5h sáng ngày 15/5, trên cơ sở kiểm đếm khoảng 99% số phiếu bầu, kết quả không chính thức của Ủy ban bầu cử Thái Lan cho thấy Đảng Tiến bước (Move Forward) của ông Pita Limjaroenrat đã bất ngờ giành được sự ủng hộ ở mọi khu vực bầu cử trên toàn quốc và đang dẫn trước Đảng Vì nước Thái với tỷ số sít sao.
Theo đó, Đảng Tiến bước giành được 151/500 ghế trong Hạ viện, với 113 ghế nghị sĩ được lựa chọn theo khu vực bầu cử và 38 ghế nghị sĩ được lựa chọn theo danh sách đảng, tăng 70 ghế so với cuộc bầu cử năm 2019, khi đó đảng hướng tới tương lai (tiền thân của MFP) giành được 81 ghế. Riêng tại thủ đô Bangkok, Đảng Tiến bước giành được 32/33 ghế theo khu vực bầu cử.
Trong khi đó, Đảng Vì nước Thái (Pue Thai) giành được 141 ghế, trong đó 112 ghế theo khu vực bầu cử và 29 ghế theo danh sách đảng, tăng 5 ghế so với cuộc bầu cử năm 2019 (136 ghế).
Dù kết quả cuối cùng có thể thay đổi đôi chút, những kết quả ban đầu cho thấy cả Đảng Tiến bước và Đảng Vì nước Thái đều đang giành chiến thắng trong cuộc Tổng tuyển cử 14/5.
Đảng Tự hào Thái (Bhumjaithai) của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Công cộng Anutin Charnvirakul tạm thời về thứ 3 trong cuộc đua với 70 ghế hạ nghị sĩ, trong đó bao gồm 67 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 3 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng, tăng 19 ghế so với cuộc bầu cử năm 2019 (51 ghế).
Đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân (Palang Pracharath hay PPRP) của Phó Thủ tướng Prawit Wongsuwan đang trên đà về đích ở vị trí thứ 4, giữ khoảng cách xa so với hai đảng đối lập dẫn đầu, với 40 ghế nghị sĩ - 39 ghế có được theo khu vực bầu cử và 1 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng, giảm 77 ghế so với cuộc bầu cử năm 2019 (116 ghế).
Đảng Quốc gia Thái Lan Thống nhất (UTN) của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đang ở vị trí thứ 5 với 36 ghế nghị sĩ - 23 ghế theo khu vực bầu cử và 13 ghế theo danh sách đảng.
Đảng Dân chủ hùng mạnh một thời lại tiếp tục thất thế. Đảng chính trị lâu đời nhất của Thái Lan chỉ mới có được 25 ghế nghị sĩ - 22 ghế nghị sĩ theo khu vực bầu cử và 3 ghế nghị sĩ theo danh sách đảng, giảm so với cuộc bầu cử năm 2019 (53 ghế).
Đảng Chart Thai Pattana giành được 10 ghế - 9 ghế theo khu vực bầu cử và 1 ghế theo danh sách đảng. Một đảng đối lập khác, Đảng Prachachart, cũng giành được 9 ghế nghị sĩ.
Với việc Đảng Tiến bước và Đảng Vì nước Thái giữ vị trí dẫn đầu, việc một liên minh gồm các đảng chính trị nhỏ hơn, ít phổ biến hơn giành được chiến thắng từ hai đảng này sẽ là điều không thể, không như những gì đã diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2019. Trên thực tế, hai đảng này chỉ cần sự ủng hộ của Đảng Prachachart và một vài đảng trung lập để chiếm đa số áp đảo trong Hạ viện.
Như vậy, Đảng Tiến bước đã đạt được mục tiêu tối thiểu là giành được hơn 100 ghế hạ nghị sĩ và đang tiến tới mục tiêu cuối cùng là 160 ghế nghị sĩ tại Hạ viện.
Sức ép về kinh tế lên tân chính phủ Thái Lan
Với cuộc Tổng tuyển cử năm nay, không chỉ bỏ phiếu lựa chọn lãnh đạo mới cho đất nước, người dân Thái Lan cũng sẽ quyết định đường hướng phát triển của Thái Lan trong 4 năm tới. Và các chính sách kinh tế chính là một trong những yếu tố cơ bản để cử tri xác định chính đảng mà họ ủng hộ trong cuộc Tổng tuyển cử.
Nhìn lại thực trạng Thái Lan, sau khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Thái Lan giảm 6% vào năm 2020, quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 diễn ra một cách không chắc chắn và tình trạng lạm phát cao trong năm 2022 khiến người dân chịu tổn thất lớn về thu nhập.
Bản chất sự phục hồi của nền kinh tế Thái Lan là không đồng đều và rủi ro cơ bản sẽ đến từ môi trường bên ngoài. Nếu yếu tố này ảnh hưởng đến số lượng khách du lịch tới xứ sở chùa Vàng, đây sẽ là trường hợp xấu nhất đối với nền kinh tế Thái Lan. Vấn đề then chốt mà Chính phủ tương lai cần đặc biệt quan tâm là làm thế nào để hướng sự hỗ trợ của họ đến các nhóm dễ bị tổn thương, khó có thể được hưởng lợi, do tính chất không đồng đều của sự phục hồi kinh tế.
Do đó, các chính đảng đã thu hút sự ủng hộ của cử tri thông qua việc công bố các chính sách kinh tế đáng chú ý nhất. Bên cạnh những cam kết tăng mức lương tối thiểu hay cải thiện chính sách phúc lợi, các chính đảng cũng đề xuất những chính sách mới mẻ giúp thúc đẩy các ngành công nghiệp mới của Thái Lan, qua đó khôi phục khả năng cạnh tranh của đất nước.
Có thể nói các nhiệm vụ phát triển kinh tế của chính phủ mới sau Tổng tuyển cử chắc chắn sẽ rất khó khăn. Trong khi các chính sách ngắn hạn được các chính trị gia thể hiện vô cùng phong phú qua các thông điệp tranh cử như tăng lương tối thiểu theo ngày, tăng trợ cấp; các chính sách trung và dài hạn để giải quyết các vấn đề mà Thái lan đang phải đối diện như xu hướng dân số già hóa, nợ hộ gia đình tăng cao, cũng như các giải pháp bền vững cho tương lai, vẫn còn chưa rõ ràng.
Chính sách đối ngoại nâng cao vị thế trong ASEAN và cân bằng nước lớn
Về tổng quan, giới phân tích đều cho rằng Thái Lan sẽ tiếp tục duy trì thực thi chính sách ngoại giao thực dụng, nỗ lực cân bằng quan hệ nước lớn và nâng cao vai trò, vị thế trong các cơ chế hợp tác đa phương quốc tế, khu vực, cũng như vai trò dẫn dắt Tiểu vùng, bất kể là chính đảng, liên minh nào nắm quyền sau bầu cử.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, Chính phủ mới sẽ tăng cường triển khai các hoạt động ngoại giao kinh tế nhằm thúc đẩy thương mại-đầu tư song phương và đa phương. Chúng ta có thể thấy Chính phủ Thái Lan gần đây đang và sẽ đẩy mạnh tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hay tham gia vào Sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF)… Cùng với đó, Thái Lan đề ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn chất lượng cao đầu tư phát triển các dự án trong khuôn khổ Hành lang Kinh tế phía Đông hay Chiến lược Thái Lan 4.0.
Một điểm tương đối rõ nét là việc Thái Lan có đội ngũ làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp (tách biệt nhất định với chính trị) và đã có những định hướng nền tảng trong nhiều năm qua. Do vậy, chính sách ngoại giao của Thái Lan sau bầu cử sẽ ít có những thay đổi lớn./.